BẮC GIANG

Tập trung đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số

10:42:41 | 28/12/2021

Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu, đến năm 2030 nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số (CĐS). Để đạt được mục tiêu trên, chính quyền địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp thiết thực.


Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương và đại diện Tập đoàn FPT ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác

Nghị quyết 111/NQ-TU của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 đặt mục tiêu: phấn đấu đến năm 2025, tỉnh có chỉ số đánh giá về CĐS thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; tạo tiền đề để thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Bắc Giang thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS.

Theo Nghị quyết, đến hết năm 2021, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của tỉnh được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, đặc biệt trên thiết bị di động; 95% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 85% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 65% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Phát triển kinh tế số chiếm khoảng 25% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 15%; năng suất lao động hàng năm tăng trên 12,5%; phấn đấu toàn tỉnh có trên 800 doanh nghiệp số.

Đến năm 2030, 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương; 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính quyền số và kinh tế số, xã hội số; 100% hồ sơ công việc tại tỉnh, cấp huyện và trên 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; trên 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Đặc biệt, đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 35% GRDP của tỉnh, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực tối thiểu đạt 20%; năng suất lao động hàng năm trên 13,5%...

CĐS là xu hướng phát triển tất yếu, mở ra nhiều cơ hội, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, song cũng đặt ra không ít thách thức đối với các cấp, ngành, địa phương. Theo đó, nhằm thúc đẩy CĐS, những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã có sự quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng chính quyền điện tử. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 533-NQ/TU năm 2019 về phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025 trên 3 trụ cột là: Phát triển kết cấu hạ tầng CNTT, xây dựng các hệ thống phần mềm CNTT đồng bộ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT. Theo đó, hạ tầng thông tin và truyền thông được quan tâm đầu tư, hiệu quả hoạt động được nâng lên; kiến trúc, nền tảng chính quyền điện tử tỉnh bước đầu được hình thành, ứng dụng CNTT được triển khai rộng rãi, ngành công nghiệp CNTT có bước phát triển khá, qua đó góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Bắc Giang ưu tiên CĐS trên các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường, công nghiệp và thu hút đầu tư, nông nghiệp, giao thông vận tải… nhằm hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, hướng đến xây dựng tỉnh Bắc Giang phát triển toàn diện, vững chắc.

Tuy nhiên, hạ tầng CNTT của tỉnh còn nhiều khó khăn, công tác đảm bảo an toàn thông tin chưa được quan tâm đúng mức, nguồn nhân lực CNTT còn thiếu, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu; người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vẫn chưa chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới…

Nhằm thúc đẩy CĐS, đạt được mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 111-NQ/TU, đầu tháng 10/2021, UBND tỉnh Bắc Giang đã ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy CĐS tỉnh giai đoạn 2021-2025 với Tập đoàn FPT. Với thỏa thuận hợp tác trên, FPT sẽ đánh giá tổng thể thực trạng ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh và tư vấn chiến lược CĐS toàn diện, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, hỗ trợ tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy CĐS, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, tư vấn CĐS và các ứng dụng giải pháp số trong quản trị, vận hành, kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội; gia tăng năng lực cạnh tranh, tăng cường quản lý nhà nước, tạo ra những giá trị mới trong nhiều lĩnh vực và thu hẹp khoảng cách số.

Nguồn: Vietnam Business Forum