Sau 30 năm tái lập tỉnh, ngành Du lịch Sóc Trăng đã có bước chuyển mình mạnh mẽ với nhiều thành tựu lớn và được xem là bước phát triển vượt bậc so với ngày đầu tái lập. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – ông Trần Minh Lý cho biết đây sẽ là tiền đề quan trọng để Sóc Trăng huy động các nguồn lực phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Công Luận thực hiện.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về sự chuyển mình của du lịch Sóc Trăng trong 30 năm qua?
Nếu như trước đây du lịch Sóc Trăng với thế mạnh là du lịch tâm linh thì hiện nay đã phát triển mạnh mẽ với nhiều loại hình phong phú như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch biển, tham quan các công trình điện gió tại TX.Vĩnh Châu. Đặc biệt, Sóc Trăng có tuyến tàu cao tốc từ Trần Đề đi Côn Đảo thu hút lượng lớn du khách.
Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch trong 30 năm qua phát triển đồng bộ, phù hợp với sự phát triển của xã hội. Tỉnh đã quan tâm bố trí ngân sách nhà nước đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, sửa chữa đường vào điểm tham quan du lịch và hỗ trợ giải phóng mặt bằng với tổng kinh phí 562,68 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp tuyến đường vào Khu di tích Đền thờ Bác Hồ, Khu Văn hóa Tín ngưỡng Sóc Trăng (Thiền viện Trúc Lâm), Khu Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng, Khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên… Công tác tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử và điểm tham quan luôn được tỉnh quan tâm, đặc biệt là công trình Tượng đài bác sĩ nông học Lương Định Của - người con ưu tú của quê hương Sóc Trăng. Tỉnh đã hỗ trợ nâng cấp các điểm tham quan, với tổng kinh phí 3,88 tỷ đồng; đồng thời hằng năm, từ nguồn kinh phí sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch, tỉnh đã hỗ trợ nâng cấp các dịch vụ du lịch tại các điểm tham quan du lịch; theo đó, đã bố trí 1.925 tỷ đồng đầu tư và nâng cấp nhiều công trình tỉnh lộ, huyện lộ quan trọng để phát triển du lịch; hệ thống đường thủy đa dạng với 634 tuyến, dài 3.282km.
Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực du lịch đạt được nhiều kết quả tích cực; đã có trên 10 dự án, hạng mục công trình xã hội hóa được triển khai với tổng kinh phí trên 863 tỷ đồng; trong đó, có 4 dự án triển khai và đưa vào phục vụ du khách cùng nhiều dự án, công trình đang triển khai thực hiện. Tỉnh đã đưa vào danh mục 13 dự án thu hút đầu tư về phát triển du lịch giai đoạn 2017-2020, chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 dự án phát triển du lịch, với tổng vốn đầu tư 164 tỷ đồng. Nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn cao cấp, trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp, chợ đầu mối nông sản cấp quốc gia, cửa hàng tiện lợi tại các huyện, thị xã, thành phố đang kêu gọi đầu tư với tổng vốn đầu tư 520 tỷ đồng.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển về số lượng, chất lượng được nâng lên. Toàn tỉnh hiện có 1 khách sạn 3 sao, 11 khách sạn 2 sao, 21 khách sạn 1 sao và 5 cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ... Hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch ngày càng hiệu quả, tỉnh đã ký hợp tác phát triển du lịch với Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu; tham gia cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đồng thời ký kết thỏa thuận hợp tác chương trình liên kết phát triển du lịch giữa TP.Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Sự chuyển mình tích cực nhất của du lịch Sóc Trăng trong 30 năm qua chính là tư duy làm du lịch đã thay đổi. Từ chỗ người dân, doanh nghiệp ít chịu làm du lịch hoặc có tham gia nhưng với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, ít quan tâm đến việc bảo vệ tài nguyên môi trường,... thì hiện nay, nhận thức và tư duy của cộng đồng doanh nghiệp, người dân địa phương đã bắt kịp xu thế quốc tế, hội nhập. Các hộ làm du lịch cũng cạnh tranh lành mạnh, liên kết cùng nhau để xây dựng chuỗi giá trị phục vụ du khách và chia sẻ lợi ích thu được. 3 cụm du lịch tiêu biểu do người dân tự làm du lịch của tỉnh gồm: Cụm du lịch tại ấp Phương An 3, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú; Cụm du lịch cộng đồng Cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách; Cụm du lịch cộng đồng huyện Cù Lao Dung.
Qua 2 năm dịch bệnh Covid-19, ngành Du lịch Sóc Trăng đã và đang từng bước khôi phục thị trường du lịch phù hợp với trạng thái bình thường mới. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về nỗ lực này?
Trước những khó khăn của doanh nghiệp và người lao động trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành Du lịch tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt hỗ trợ 11 hướng dẫn viên du lịch theo Nghị định số 68/NĐ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ với tổng số tiền 40.810.000 đồng; phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 cho 20 cơ sở lưu trú trên địa bàn TP.Sóc Trăng; tổng hợp danh sách gửi Điện lực Sóc Trăng hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho 70 cơ sở lưu trú với tổng số tiền 1,116 tỷ đồng; cấp 6 thẻ hướng dẫn viên du lịch giảm 50% phí thẩm định.
Toàn ngành đã và đang nỗ lực từng bước khôi phục thị trường du lịch phù hợp với trạng thái bình thường mới với nhiều giải pháp thiết thực như: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; thường xuyên tổ chức gặp gỡ các nhà đầu tư để tìm giải pháp, cơ chế kích cầu du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, xúc tiến bán sản phẩm, kết nối lại và tiếp tục mở rộng thị trường du khách, trước mắt là kích cầu thị trường du lịch trọng điểm TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam bộ và các tỉnh, thành ĐBSCL; khẩn trương tiếp tục phối hợp với các ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tại các điểm đến, cơ sở dịch vụ du lịch.
Song song đó toàn ngành cũng quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá du lịch Sóc Trăng, mở cửa điểm đến, quy trình du lịch an toàn; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới đáp ứng nhu cầu thay đổi đa dạng của thị trường; tăng cường tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý, điều hành, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ nguồn nhân lực du lịch.
Bên cạnh những tác động tiêu cực, đại dịch cũng đồng thời tạo ra nhiều cơ hội mới, hướng đi mới. Với du lịch Sóc Trăng, cụ thể những cơ hội mới, hướng đi mới này là gì và toàn ngành chủ động khai thác những cơ hội này ra sao, thưa ông?
Nguồn du khách nội địa là một trong những nguồn khách trọng tâm mà du lịch Sóc Trăng tập trung hướng đến giai đoạn sau đại dịch gắn với xây dựng các tour du lịch khép kín, cho phép các điểm du lịch cùng một số dịch vụ được đón khách nhưng phải đáp ứng đủ các tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch. Việc thu hút số lượng lớn nguồn du khách nội địa được minh chứng khi trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vừa qua, lượng khách nội địa đến tỉnh tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thiền viện Trúc Lâm Sóc Trăng
Song song với việc tập trung phát triển thị trường du khách nội địa, dựa trên cơ sở các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các điểm du lịch cộng động, du lịch sông nước miệt vườn; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất để phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi cho du khách là các nhóm nhỏ, gia đình phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 với các dịch vụ bắt cá, chèo xuồng, đi cầu tre, thưởng thức đặc sản… và các trải nghiệm dịch vụ homestay gần gũi với thiên nhiên. Có thể kể đến các điểm du lịch tiêu biểu trong loại hình du lịch này như: Homestay chợ nổi Ngã Năm, Farmstay Sân Tiên, Cù Lao Dung. Trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán 2022, các điểm du lịch này đón trung bình từ 100 đến 300 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và lưu trú.
Vườn trái cây trên Cồn Mỹ Phước
Bên cạnh những giải pháp xúc tiến, quảng bá du lịch theo hình thức trực tiếp, ngành Du lịch Sóc Trăng cũng đang đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh nhà thông qua trang thông tin điện tử của Sở VHTTDL (http://sovhttdl.soctrang.gov.vn), trang thông tin điện tử du lịch Sóc Trăng (http://www.dulichsoctrang.org), trang quảng bá du lịch cộng đồng Sóc Trăng (http://dlcdst.soctrang.gov.vn) và các trang mạng xã hội facebook, zalo; thực hiện số hóa dữ liệu, xây dựng tủ sách điện tử (https://pubhtml5.com/) trên internet để lưu các ấn phẩm du lịch Sóc Trăng và truyền tải trực tiếp đến du khách thông qua các thiết bị di động. Đồng thời, Sở VHTTDL cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin khi tham gia các sự kiện về du lịch, các triển lãm thực tế ảo được các tỉnh, thành tổ chức trên nền tảng trực tuyến. Đặc biệt chúng tôi đang đẩy mạnh công tác triển khai Phần mềm Hệ thống du lịch thông minh với cổng thông tin du lịch thông minh và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động để tăng sự kết nối, tương tác giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và du khách.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum