HÀ NỘI

Sóc Sơn: Đổi thay từ một huyện nghèo

09:42:45 | 19/7/2022

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, thành phố, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, chung tay, góp sức của các tầng lớp Nhân dân, huyện Sóc Sơn đã về đích nông thôn mới.

Diện mạo mới

Là huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm đa số, khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, Sóc Sơn có xuất phát điểm thấp, bình quận mỗi xã chỉ đạt có 5/19 tiêu chí, cả 25 xã chưa có đồ án quy hoạch xã nông thôn mới; các quy hoạch, hạ tầng kinh tế -  xã hội thiếu sự gắn kết và chưa đồng bộ; thu nhập của nhân dân còn thấp. Số xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự cao; tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 15,04%…

Để giải quyết được những khó khăn trên, cùng với việc xã Mai Đình được thành phố chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện đã đề ra nhiều giải pháp để triển khai thực hiện; đẩy mạnh phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với đẩy mạnh việc thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… Từ đó đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nội lực toàn dân, tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới của huyện.

Với sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp, công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.Diện mạo nông thôn, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện qua từng năm. Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, năm 2013, xã Mai Đình trở thành địa phương đầu tiên của huyện về đích nông thôn mới. Kể từ đó đến nay, việc hoàn thành mục tiêu nông thôn mới tiếp tục được duy trì đều đặn qua các năm, bảo đảm đúng kế hoạch và chỉ tiêu TP Hà Nội giao.

Sự chuyển biến còn thể hiện rõ ở việc huyện từng bước đầu tư đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao. Huyện đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 10.845 ha, tạo tiền đề cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Ngoài ra. huyện còn xây dựng được 15 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế cao, 16 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển nhãn hiệu cho 8 sản phẩm, 10 thương hiệu hàng nông sản do hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất, trên 100 sản phẩm được truy xuất nguồn gốc qua mã QR. Đến hết năm 2021, huyện Sóc Sơn có 76 sản phẩm OCOP được UBND thành phố công nhận (trong đó có 10 sản phẩm 3 sao, 66 sản phẩm 4 sao).

Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết: 25/25 xã của huyện đều đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Đời sống nông dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 56,2 triệu đồng/người/năm (gấp 3,1 lần năm 2010). Đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang; tỷ lệ lao động có việc làm khu vực nông thôn đạt 98%, đặc biệt cuối năm 2021, huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn từ năm 2016 - 2020.

“Chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới được Đảng bộ, chính quyền, Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở nghiêm túc tiếp thu, triển khai sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân. Các phong trào thi đua được lan toả rộng khắp, tạo khí thế sôi nổi trong toàn huyện nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới” - Chủ tịch Phạm Văn Minh nói.

Tập trung xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu

Theo Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh, trong giai đoạn từ 2010 - 2020, huyện đã bố trí và huy động được nguồn lực lớn đầu tư xây dựng nông thôn với trên 4.400 tỷ đồng; trong đó đóng góp từ nhân dân và từ các nguồn khác chiếm khoảng 18% để xây mới, cải tạo nâng cấp hơn 800 km đường giao thông, 256 km rãnh thoát nước ở khu dân cư. Huyện cũng cải tạo xây mới 144 km kênh mương, 463 km đường dây hạ thế, 88 trạm biến áp; xây dựng mới và cải tạo sửa chữa 117 trường học, 10 trung tâm văn hóa; 97 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; 18 chợ, 19 trạm y tế…

Theo Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, huyện Sóc Sơn cùng với huyện Mê Linh, Đông Anh được định hướng phát triển là thành phố phía Bắc của Thủ đô, gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ y tế, giáo dục, sinh thái. Giai đoạn 2021 - 2025, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho người nông dân, tiếp tục được huyện Sóc Sơn xác định là nhiệm vụ chính trị - xã hội trọng tâm, xuyên suốt, cần được quan tâm, thực hiện thường xuyên.

Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Quang Thanh nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là cần tiếp tục tăng cường và đa dạng hóa nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Từ đó chung sức, đồng lòng cùng các cấp chính quyền triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thắng lợi Chương trình số 02-CTr/HU của Huyện ủy Sóc Sơn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyếnc tại buổi lễ công bố và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Sóc Sơn đạt chuẩn nông thôn mới, chào mừng kỷ niệm 45 năm thành lập huyện cho biết: theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, huyện Sóc Sơn được xác định là một trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội. Tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, Bộ Chính trị cũng đã định hướng huyện Sóc Sơn trong tương lai sẽ là một phần quan trọng để xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc thành phố. Những định hướng quan trọng nêu trên sẽ mở ra cho Sóc Sơn những thời cơ, thuận lợi to lớn để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Song cũng đòi hỏi huyện Sóc Sơn nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung cần quyết tâm hơn nữa, biến những tiềm năng, lợi thế thành hành động để xây dựng huyện trở thành thành phố phía Bắc trực thuộc Thủ đô.

Để thực hiện những mục tiêu quan trọng này, bà Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, huyện cần đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền, khơi dậy niềm tự hào trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tiếp tục tham gia xây dựng nông thôn mới theo hướng người dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng được thụ hưởng những thành quả tích cực. Huyện chủ động rà soát các Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 để không ngừng nâng cao các tiêu chí của xã và huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025 là: 40% số xã đạt nông thôn mới nâng cao, 30% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, huyện cần tiếp tục rà soát lại các quy hoạch; tích hợp quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, quy hoạch vùng huyện với phương châm quy hoạch phải đi trước một bước để tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí gắn với phát triển đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề; phát triển du lịch, dịch vụ gắn với khu vực sân bay quốc tế Nội Bài. Huyện chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, hàng hóa, kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo vành đai xanh cho thành phố Hà Nội...

Một số mục tiêu đến năm 2025 của huyện Sóc Sơn

Huyện Sóc Sơn phấn đấu có 40% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân từ 2,5 - 3%/năm trở lên. Thu nhập của người dân nông thôn đạt từ 75 - 80 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%.

* Bài viết có sự phố hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội.

Bảo Đan (Vietnam Business Forum)