ĐẮK LẮK

Đăk Lak: Phát triển sản phẩm OCOP từ những lợi thế riêng

09:42:39 | 8/11/2022

UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt Đề án sản phẩm OCOP của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến 2030. Trong đó, đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, có ít nhất 200 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; đến 2030 toàn tỉnh sẽ có 300 sản phẩm OCOP; có ít nhất 150 chủ thể kinh tế tham gia OCOP.

Qua hơn bốn năm triển khai, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Đắk Lắk đã bước đầu phát huy được lợi thế, giá trị sản phẩm của từng vùng miền. Đồng thời, đã tạo động lực cho kinh tế nông thôn phát triển, góp phần bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương. Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới…

Qua Chương trình OCOP đã phát hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, những sản phẩm đạt 4 sao đều có tiềm năng để hoàn thiện, chuẩn hóa các tiêu chí để nâng cấp chất lượng đạt chuẩn 5 sao (cấp quốc gia) để tham gia vào thị trường quốc tế, như: cà phê, ca cao, mắc ca... Việc xác định đúng thế mạnh, đặc trưng được coi là “đòn bẩy” để triển khai thành công chương trình này.

Ông Hoàng Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kiên Cường (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) với sản phẩm “Cà phê chồn Kiên Cường” đã được công nhận sản phẩm đạt OCOP 4 sao chia sẻ: Tham gia chương trình OCOP là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển sản phẩm tốt hơn, hoàn thiện cả về mẫu mã, chất lượng và gia tăng tính cộng đồng, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Chương trình đã tạo động lực mạnh mẽ cho nhiều ý tưởng mới, những sản phẩm mới ra đời ở hầu khắp các địa phương.

Theo đánh giá của Văn phòng điều phối xây dựng NTMN Đắk Lắk hiện đang tập trung phát huy thế mạnh sẵn có của các sản phẩm chủ lực, như: cà phê, bơ, sầu riêng, ca cao, mắc ca…Ngoài sản phẩm OCOP được công nhận như hiện nay (chủ yếu thuộc ngành thực phẩm), Đắk Lắk cũng đang hướng đến phát triển ngành dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng, phát huy nền tảng văn hóa tinh thần, văn hóa truyền thống của các dân tộc, các lễ hội, các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của tỉnh.

Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)