Năm 2022, ngành Xây dựng tỉnh Bình Định đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ chủ yếu trên các lĩnh vực, như: Quy hoạch, kiến trúc, phát triển đô thị, quản lý hạ tầng kỹ thuật, hoạt động xây dựng, vật liệu xây dựng, nhà ở, công sở, thị trường bất động sản (BĐS), chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng,... Ông Trần Viết Bảo – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định đã có một số chia sẻ với phóng viên Vietnam Business Forum.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được tỉnh Bình Định đặc biệt quan tâm là công tác quản lý quy hoạch - kiến trúc. Ông có thể nêu tổng quan những kết quả đạt được trong thời gian qua và định hướng trong những năm tiếp theo?
Thời gian qua, công tác quản lý quy hoạch đã được triển khai đồng bộ ở các cấp độ: Quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết làm cơ sở để triển khai các dự án thống nhất theo định hướng chung, phù hợp.
Trong đó, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018. Đối với quy hoạch chung đô thị: Quy hoạch chung thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt năm 2015; quy hoạch chung Khu kinh tế Nhơn Hội đến năm 2040 được phê duyệt năm 2019. Các đô thị như: An Nhơn; Hoài Nhơn; Tây Sơn đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chung.
Quy hoạch xây dựng vùng huyện đã lập và phê duyệt được 3/7 huyện. Còn Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân đã được phê duyệt nhiệm vụ, sẽ phê duyệt quy hoạch trong năm 2023.
Đối với quy hoạch phân khu: Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu so với diện tích đất xây dựng đô thị: TP.Quy Nhơn (đô thị loại I) là 100%, thị xã An Nhơn (đô thị loại III) 78,09%, thị xã Hoài Nhơn (loại IV) 66,7 %, đô thị Tây Sơn (loại IV) 100%; Khu kinh tế tỉnh 82,6%.
Đối với quy hoạch nông thôn mới: Tổng số xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 là 121/121 xã đã có quy hoạch xây dựng được duyệt. Hiện nay đang rà soát điều chỉnh theo tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025 theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Đối với các không gian đặc thù khu vực xung quanh đầm Thị Nại được tổ chức thi tuyển ý tưởng quốc tế làm cơ sở để lập các đồ án quy hoạch phân khu nhằm quản lý cảnh quan, hệ sinh thái ven đầm kết hợp phát triển du lịch, đô thị.
Về quản lý kiến trúc: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 12/2021/QĐ-UBND ngày 07/4/2021 quy định phân cấp, ủy quyền lập, thẩm định, phê duyệt, ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị và điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Định làm cơ sở triển khai thực hiện. Hiện nay các địa phương: UBND TP.Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, Hoài Nhơn và Tây Sơn đang tổ chức lập quy chế quản lý kiến trúc đô thị trình phê duyệt làm cơ sở quản lý kiến trúc. Riêng đối với TP.Quy Nhơn, việc xây dựng quy chế quản lý kiến trúc được định hướng thực hiện gắn với mục tiêu xây dựng TP.Quy Nhơn trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngoài ra, đối với các công trình kiến trúc quan trọng, quy mô lớn đều thông qua Hội đồng tư vấn về kiến trúc cấp tỉnh (được thành lập theo Quyết định số 51/2021/QĐ-UBND ngày 06/01/2021 của UBND tỉnh) thẩm định trước khi báo cáo UBND tỉnh phê duyệt để triển khai.
Định hướng trong những năm tiếp theo về quy hoạch: Đề xuất điều chỉnh quy hoạch chung đô thị TP.Quy Nhơn để phù hợp với định hướng mới theo quy hoạch tỉnh được duyệt trong thời gian đến và theo tinh thần của Nghị quyết 26-NQ/TƯ. Tiếp tục triển khai lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch vùng huyện còn lại (4 huyện) làm cơ sở lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng cho các địa phương.
Triển khai thực hiện quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000 Khu vực phía Nam đầm Đề Gi huyện Phù Cát đến năm 2035 ; Quy hoạch phân khu 1/2.000 Quỹ đất dọc đường ven biển đoạn Đề Gi- Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ làm cơ sở phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch ven biển của tỉnh.
Về kiến trúc: Ban hành quy định chuẩn hóa xây dựng các khu đô thị, khu dân cư làm cơ sở để quản lý về kiến trúc được đồng bộ, hình thành các khu đô thị, khu dân cư đồng bộ về kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật.
Dự án Nhà ở xã hội Lamer 1 đã giải quyết rất tốt nhu cầu nhà ở hiện nay
Đối với công tác quản lý hoạt động xây dựng, quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS), phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, Bình Định đã đạt được những kết quả gì thưa ông?
Thực hiện quy định của Luật Xây dựng và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành, Sở Xây dựng đã quán triệt và tham mưu đề xuất UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực hoạt động xây dựng, như: Quy định về phân công, phân cấp quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng; Quy định phân cấp và phân công trách nhiệm thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng và thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở; Quyết định ủy quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng. Ngoài ra, tham mưu tỉnh ban hành Chỉ thị tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng. Tổ chức Hội nghị cấp tỉnh về nâng cao chất lượng các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn nhằm đánh giá thực trạng, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và tìm ra các giải pháp xử lý, khắc phục.
Công tác thẩm định hồ sơ dự án, kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình cơ bản đáp ứng các yêu cầu về trình tự, tiến độ xử lý hồ sơ, chất lượng giải quyết công việc đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về xây dựng.
Quản lý năng lực của tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng thông qua việc sát hạch cá nhân và xem xét năng lực của tổ chức để xét cấp chứng chỉ.
Về quản lý nhà ở và thị trường BĐS, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình Phát triển nhà ở giai đoạn 2020 - 2025; Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2020 - 2025 và Kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm.
Đến thời điểm hiện tại, trên toàn tỉnh có 85 dự án khu đô thị và nhà ở, cụ thể: Nhà ở xã hội có 18 dự án (10.995 căn), đã hoàn thành 06 dự án và một phần của 02 dự án với 2.806 căn và đang thi công xây dựng 02 dự án mới và một phần của 02 dự án với 2.710 căn; đang lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư 08 dự án với khoảng 5.377 căn. Nhà ở thương mại có 14 dự án (9.520 căn), đã hoàn thành 5 dự án với 2.354 căn và 9 dự án đang thi công với 7.160 căn. Khu đô thị mới có 53 dự án (77.468 căn), diện tích 1.450ha. Diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 26,5 m2 sàn/người.
UBND tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững; Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý xây dựng nhà ở tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Xây dựng cơ sở dữ liệu các sàn giao dịch BĐS trên địa bàn để quản lý và theo dõi hoạt động. Xây dựng cơ sở dữ liệu các dự án BĐS và thường xuyên cập nhật thông tin hàng tháng. Công khai thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai, tính pháp lý, điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai của các dự án BĐS trên website của Sở Xây dựng; tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra các hoạt động của sàn giao dịch BĐS, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới BĐS,... Hiện tại, trên địa bàn tỉnh tình hình BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, an toàn, không có dự án “ma”.
Về phát triển đô thị: Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 20 đô thị (01 đô thị loại I; 01 đô thị loại III; 02 đô thị loại IV và 16 đô thị loại V). Tỷ lệ đô thị hóa đạt 46,3%, cao hơn so với mức bình quân toàn quốc là 41,5%. Dự kiến đến năm 2025, sẽ công nhận đô thị loại V cho 3 xã, thành lập phường trên cơ sở các xã hiện tại tại các đô thị An Nhơn, Tây Sơn, từ đó, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh sẽ đạt khoảng 57,2%.
Về công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật: Bình Định rất quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu về phát triển đô thị và từng bước nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Rất nhiều dự án giao thông quan trọng đã được tỉnh đầu tư, dần hoàn chỉnh hệ thống giao thông trục chính, tăng cường tính kết nối và tạo động lực phát triển cho các địa phương, tiêu biểu như: Tuyến đường ven biển (Từ Mỹ Thành đến QL1D); Tuyến đường ĐT 638B kết nối từ Khu công nghiệp Becamex (Vân Canh) về TP.Quy Nhơn; các tuyến đường kết nối Đông Tây trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Phù Mỹ,… Tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch đạt 84,22%, tăng 4,16% so với năm 2021. Trong giai đoạn đến năm 2025, tỉnh Bình Định phấn đấu đạt tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch trên 90%.
Tỷ lệ nước thải được thu gom, xử lý cũng là một trong những vấn đề được tỉnh hết sức quan tâm trong thời gian vừa qua. Hiện nay, tỷ lệ nước thải được thu gom, xử lý toàn tỉnh đạt 22,7%, riêng TP.Quy Nhơn đạt 34,4%. Ngoài ra, công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật cũng đã có những tiến bộ, từng bước đồng bộ, tạo mỹ quan đô thị, nhiều công viên, hệ thống cây xanh, chiếu sáng được đầu tư, chỉnh trang, góp phần xây dựng Bình Định trở thành điểm đến đẹp, ấn tượng trong lòng du khách.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum