Theo bảng xếp hạng đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tỉnh Ninh Bình đạt 64,22 điểm, xếp thứ 44/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 14 bậc so với năm 2021.
Sáng 11/4, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số PCI năm 2022. Chỉ số do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các địa phương.
Báo cáo PCI năm 2022 được xây dựng trên thông tin phản hồi từ 11.872 doanh nghiệp, trong đó có 10.590 doanh nghiệp tư nhân và 1.282 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.
Kết quả PCI 2022 năm nay cho thấy, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao trong bảng xếp hạng.
Theo kết quả VCCI công bố, Chỉ số PCI tổng hợp của Ninh Bình đạt 64,22 điểm, tăng 14 bậc so với năm 2021. Trong đó có 6/10 chỉ số thành phần tăng điểm, gồm: Gia nhập thị trường 6,53 điểm (tăng 0,33 điểm); Tiếp cận đất đai 7,12 điểm (tăng 0,79 điểm); Tính minh bạch 5.69 điểm (tăng 1,09); Chi phí thời gian 7,69 điểm (tăng 0,98); Tính năng động 6,20 điểm (tăng 0,66); Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp 5,17 điểm (tăng 0,19).
Đặc biệt, năm nay, VCCI đã công bố Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.
Trong báo cáo này, PGI của Ninh Bình đạt 13,43 điểm, xếp hạng 54/63 tỉnh, thành phố.
Kết quả ấn tượng về Chỉ số PCI của Ninh Bình trong năm 2022 là sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, sát sao của chính quyền các cấp, các ngành, đặc biệt là sự đoàn kết, quyết tâm, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh.
Thời gian tới,Ninh Bình sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số PCI năm 2023 và những năm tiếp theo. Trong đó chú trọng đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số tạo sự công khai minh bạch; thực hiện cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, rà soát và đưa tối đa các thủ tục ra thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch, tăng cường hơn nữa công tác công khai, minh bạch hóa các thông tin nhất là về quy hoạch đất đai; kiểm tra, giám sát công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, đánh giá thực trạng hoạt động tại Bộ phận một cửa các cấp…
Cùng với đó, các đơn vị được giao phụ trách các chỉ số thành phần xây dựng báo cáo đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân, đề xuất các giải pháp, chủ động tham mưu các chính sách, giải pháp để nâng cao chỉ số thành phần, chỉ tiêu cơ sở thấp.
Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu đưa thứ hạng chỉ số PCI Ninh Bình nằm trong Top 20 tỉnh, thành phố cao nhất của cả nước.
Ngô San (Vietnam Business Forum)