Những năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Bình Phước đã tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện đồng bộ các giải pháp để góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Huy Thọ - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Phước.
Ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật của ngành Ngân hàng tỉnh Bình Phước thời gian qua và nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023?
Với mục tiêu năm 2023, định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế có thể được điều chỉnh phù hợp; nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn 1%. Hoạt động ngân hàng đảm bảo an toàn, hiệu quả, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) năm 2023 của tỉnh và các mục tiêu, nhiệm vụ của toàn ngành Ngân hàng năm 2023. Kết quả đến ngày 30/4/2023, dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn đạt 116.695 tỷ đồng, tăng 8,92% so với cuối năm 2022 (đây là mức tăng trưởng tín dụng cao so với mức tăng bình quân chung của cả nước và cũng là mức cao nhất trong các tỉnh Đông Nam bộ); tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp dưới 1% (cụ thể là 0,53%). Tăng trưởng tín dụng cao trong khi vẫn đảm bảo được chất lượng tín dụng (tỷ lệ nợ xấu thấp) trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thu ngân sách cũng như giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn là nguồn lực hết sức quan trọng đối với sự phát triển KT - XH của địa phương.
Ngành tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, trên cơ sở các giải pháp trọng tâm sau:
Tập trung chỉ đạo các TCTD trên địa bàn: Cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tích cực tham gia và triển khai hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (DN); tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành nhất là việc triển khai quyết liệt Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước,...
Tăng cường công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; triển khai cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; đảm bảo an toàn công nghệ thông tin và hoạt động thanh toán trên địa bàn.
Thực hiện tốt công tác điều hòa tiền mặt, đảm bảo giao dịch tiền mặt thông suốt và đáp ứng đầy đủ nhu cầu về giá trị và cơ cấu mệnh giá tiền cho các TCTD và Kho bạc nhà nước trên địa bàn.
Để duy trì tốt đà tăng trưởng tín dụng, đâu là những lĩnh vực ưu tiên mà ngành Ngân hàng tỉnh Bình Phước sẽ tập trung phát triển trong thời gian tới?
Để duy trì đà tăng trưởng tín dụng ấn tượng như trên đồng thời tiếp tục kiểm soát tốt rủi ro, kiểm soát nợ xấu thấp, trong thời gian tới, NHNN tỉnh chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý trên cơ sở đảm bảo khả năng thanh khoản, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ (như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân), xem xét ưu tiên cấp tín dụng xanh, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục đi đôi với việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để đảm bảo an toàn vốn vay khi mở rộng tín dụng. Phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp từng loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp (DN), trong đó có đối tượng DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị liên kết.
Trong thời gian tới, nền kinh tế thế giới tiếp tục biến động khó lường, đơn hàng của đối tác nước ngoài giảm kéo theo sản xuất công nghiệp giảm, kim ngạch xuất khẩu có chiều hướng giảm, DN trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn,… Do đó, NHNN tỉnh quan tâm, chú trọng giám sát, nắm bắt tình hình cấp tín dụng trên địa bàn, đặc biệt giám sát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro để trong trường hợp phát hiện biến động bất thường, chủ động thực hiện kiểm tra, khảo sát, đánh giá và kịp thời cảnh báo, báo cáo, đề xuất với Thống đốc NHNN các giải pháp phù hợp để đảm bảo an toàn tín dụng, nợ xấu của các TCTD trên địa bàn luôn được duy trì ở mức dưới 1%.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Dũng (Vietnam Business Forum)