Trải qua hơn 30 năm kể từ khi tái lập tỉnh, từ xuất phát điểm thấp, Ninh Bình đã vươn lên đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư; trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách từ năm 2022; nhiều chỉ tiêu và thứ bậc được xếp hạng cao trong khu vực và cả nước,… Những kết quả này là nền tảng và động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh tiếp tục vững bước trên chặng đường mới.
Ông Phạm Quang Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình |
Phát triển mạnh mẽ, toàn diện
Nằm phía Nam Đồng bằng sông Hồng, với diện tích 1.412km2, 8 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 2 thành phố và 6 huyện, Ninh Bình từng là kinh đô của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam. Đây cũng là nơi duy nhất trong khu vực Đông Nam Á sở hữu di sản kép, được tổ chức UNESCO ghi danh Quần thể Danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Hơn 30 năm từ khi tái lập, trong mỗi giai đoạn, Ninh Bình luôn có những điều chỉnh chiến lược quan trọng trong các chính sách phát triển nhằm phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn lực sẵn có; không ngừng nỗ lực, chủ động, sáng tạo và quyết tâm phát triển đi lên.
Từ một tỉnh thuần nông, quy mô nhỏ, tốc độ tăng trưởng chậm và không vững chắc, đến nay Ninh Bình duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao qua các thời kỳ, giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 8,9%/năm. Đặc biệt, các năm 2020 và 2021, mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng Ninh Bình vẫn thuộc nhóm ít các tỉnh đạt tăng trưởng dương, với tốc độ tăng trưởng lần lượt 7,5% và 5,71%. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng đạt 8,8%; 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,56%, đứng thứ 12 toàn quốc và đứng thứ 6 vùng Đồng bằng sông Hồng.
Quy mô nền kinh tế của tỉnh không ngừng được mở rộng, đến hết năm 2022, GRDP đạt gần 3,5 tỷ USD.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp, dịch vụ; đến hết năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 10,6%; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 45,2%; khu vực dịch vụ đạt 44,2%.
Thu ngân sách của tỉnh tăng trưởng cao, năm 2022 là năm đầu tiên Ninh Bình thực hiện tự chủ về ngân sách và cũng là năm có tổng thu ngân sách nhà nước lớn nhất từ trước đến nay, ước đạt 24.300 tỷ đồng, tăng 21,4% so với dự toán, đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố cả nước.
Ngoài ra, nền kinh tế đã hình thành được một số ngành, sản phẩm chủ lực có đóng góp lớn cho tăng trưởng, nổi bật như: Công nghiệp lắp ráp ô tô, công nghiệp phụ trợ ô tô với đầu tàu là liên doanh ô tô Hyundai và Tập đoàn Thành Công sản xuất lắp ráp ô tô với công suất đạt 195.000 xe/năm, đưa Ninh Bình trở thành một trong ba trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất cả nước.
Đoàn đại biểu Việt Nam - Pháp thăm quan, khảo sát các di sản Ninh Bình vào tháng 4/2023
gành du lịch phát triển nhanh và hiệu quả gắn với Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, văn hóa và con người vùng đất Cô đô Hoa Lư,... Năm 2022, Ninh Bình đón 3,69 triệu lượt khách, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ, doanh thu đạt 3.450 tỷ đồng, tăng gấp 3,7 lần so với cùng kỳ. Qua đó, đưa Ninh Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam (nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước), được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế (tripadvisor, telegraph, business insider,...) đánh giá và bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn nhất.
Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, có 17 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nâng cấp, mở rộng, đồng bộ và hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược kết nối vùng, liên vùng.
Toàn tỉnh có 942 dự án đang hoạt động với tổng mức đầu tư 171.713 tỷ đồng. Trong đó, có 93 dự án FDI đang hoạt động với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 1.578,82 triệu USD với các nhà đầu tư đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, văn hóa - xã hội được quan tâm, phát triển toàn diện. Công tác đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, đến hết năm 2022 lần lượt là 2,45% và 2,81%;… Quốc phòng, quân sự được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại mở rộng.
Phát triển nhanh và bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội, trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của địa phương, cốt lõi là lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá - lịch sử, cảnh quan thiên nhiên cùng truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô làm nguồn lực và động lực phát triển. Ông Phạm Quang Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình |
Quyết tâm cao, nỗ lực bứt phá
Ninh Bình đang bước vào một chặng đường phát triển mới với mục tiêu trở thành trung tâm du lịch của cả nước và phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh phát triển trung bình khá, năm 2030 trở thành tỉnh khá của khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế. Đặc biệt, xác định phát triển bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển nhưng gắn với giữ gìn môi trường sinh thái xanh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, Ninh Bình đã quy hoạch, định hướng phát triển hệ thống các khu, điểm du lịch khép kín, đồng bộ. Tỉnh đang tập trung thu hút những dự án dịch vụ, thương mại gắn liền với du lịch và phục vụ phát triển du lịch, tạo sức hấp dẫn và giữ chân du khách.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, phát triển theo hướng xanh, sạch, hữu cơ gắn với phát triển các sản phẩm đặc hữu riêng có (OCOP); tập trung ưu tiên các dự án theo chuỗi khép kín, ứng dụng nông nghiệp số.
Về định hướng thu hút đầu tư, tỉnh tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các dự án sử dụng công nghệ cao, hiện đại, sạch, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách; sử dụng tiết kiệm đất và ít thâm dụng lao động; có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Thu hút nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ; công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, công nghệ phụ trợ, logistics phục vụ công nghiệp sản xuất điện tử, ô tô, công nghiệp chế tạo,…
Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển đô thị hiện đại, tập trung cao cho việc thực hiện các dự án, công trình trọng tâm giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện tốt công tác quy hoạch, sớm hoàn thành quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát huy lợi thế về vị trí chiến lược, trung điểm Vùng kinh tế Bắc bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa) làm cơ sở hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển gắn với đổi mới cơ chế, chính sách quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng hành cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư, tỉnh sẽ đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh. Xây dựng và công khai hệ thống cơ sở dữ liệu về quy hoạch; vị trí, quỹ đất; hạ tầng kỹ thuật; các hình thức hỗ trợ, ưu đãi đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực, danh mục dự án thu hút đầu tư,… để cung cấp cho các nhà đầu tư có nhu cầu tìm hiểu. Định kỳ 6 tháng tỉnh sẽ tổ chức hội nghị đối thoại với các nhà đầu tư nhằm đồng hành, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện nhanh nhất về thủ tục đầu tư đối với các dự án đang nghiên cứu tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh.
Định kỳ thứ 5 cuối cùng hàng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Tỉnh cũng công khai đường dây nóng để tiếp nhận đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp thông qua các số Hotline: 0948.517.111 - 0986.237.111 |
Chặng đường mới sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với quyết tâm cao và những giải pháp quyết liệt, đột phá, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng; khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển quê hương; quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra, đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của cả nước và là tỉnh phát triển khá của khu vực Đồng bằng sông Hồng vào năm 2030.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI