HẢI PHÒNG

Huyện Vĩnh Bảo: Cực tăng trưởng mới của thành phố Hải Phòng

14:57:15 | 26/10/2023

Vĩnh Bảo sở hữu vị trí địa lý thuận lợi, trên địa bàn huyện có các tuyến đường giao thông kết nối trong và ngoài tỉnh, tạo thành một mắt xích quan trọng trong kết nối liên vùng của TP.Hải Phòng. Thời gian qua, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai đã khiến diện mạo địa phương ngày khởi sắc, đưa huyện đến gần hơn với những khu vực phát triển kinh tế sôi động nhất Đông Bắc Bộ.


Vĩnh Bảo định hướng thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị xanh, sạch, đẹp; thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường

Kinh tế - xã hội phát triển toàn diện

Huyện Vĩnh Bảo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp trong điều kiện có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tuy nhiên phát huy truyền thống, khắc phục khó khăn, sự chung sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, nửa đầu nhiệm kỳ huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 2 năm (2021 - 2022) đạt 13,3%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 đạt 332,649 tỷ đồng, tăng bình quân 2 năm 10,50 %/năm. Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022, trong đó 3 xã (Tân Liên, Tam Đa, Hòa Bình) đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4 xã (Nhân Hòa, Tân Hưng, Liên Am, Vĩnh Phong) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp (năm 2021: Nông nghiệp - thủy sản 22,5%, Công nghiệp - Xây dựng 49,7%, Thương mại - Dịch vụ 27,8%; năm 2022: Nông nghiệp - thủy sản 20,49%, Công nghiệp - Xây dựng 51,43%, Thương mại - Dịch vụ 28,08%).

Huyện phát triển sản xuất nông nghiệp - thủy sản theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, huyện đã triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư và các dự án giao thông trọng điểm, như: Khu công nghiệp Vinh Quang, Khu công nghiệp Giang Biên, cụm công nghiệp Giang Biên; cụm công nghiệp Dũng Tiến - Giang Biên; khu dân cư thị trấn Vĩnh Bảo 9,8ha; dự án khu dân cư nông thôn mới Nhân Hòa (46ha); dự án xây dựng tuyến đường nối từ cầu Lạng Am đến đường bộ ven biển,…

Những chính sách đúng đắn và phù hợp sẽ tạo thành cú hích giúp kinh tế Vĩnh Bảo phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới và giúp huyện “cán đích” các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI đề ra.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, môi trường được quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2010 đạt 14,1 triệu đồng/người, đến năm 2022 đạt 63 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân của các xã giảm dần qua các năm. 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản lượng nông, lâm, thủy sản ước đạt 1.743 tỷ đồng, bằng 52,72% kế hoạch, tăng 1,87% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách đạt 2.001 tỷ đồng, bằng 92,97% dự toán, tăng 153,43% so với cùng kỳ; trong đó, thu thường xuyên đạt 125,3 tỷ đồng, bằng 40,86% dự toán, tăng 34,98% so với cùng kỳ. Huyện tập trung cao, quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng các dự án xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và các dự án giao thông, đê điều, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp Giang Biên, Dự án phát triển khu dân cư tại Thị trấn Vĩnh Bảo,…

Ông Nguyễn Đức Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo cho biết: Những kết quả đạt được là nền tảng và động lực quan trọng để Vĩnh Bảo tiếp tục thực hiện tốt, hoàn thành các mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo, phấn đấu trở thành một trong những cực tăng trưởng mới của thành phố Hải Phòng.


Cụm công nghiệp Tân Liên 2

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, huyện xác định tập trung phát huy các tiềm năng, lợi thế, huy động các nguồn lực đầu tư; phát triển công nghiệp, xây dựng đô thị và kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại làm bước đột phá.

Theo đó, Vĩnh Bảo định hướng thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị xanh, sạch, đẹp; thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Trong đó, chú trọng thu hút đầu tư tại các khu, cụm, công nghiệp: Cụm công nghiệp Giang Biên quy mô 50ha, khu công nghiệp Giang Biên 2 quy mô 350ha; khu công nghiệp Vinh Quang; khu công nghiệp An Hòa quy mô 200ha; cụm công nghiệp Dũng Tiến - Giang Biên quy mô 50ha,…

Cùng với đó là thu hút đầu tư vào hai vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau với diện tích khoảng 500 - 600ha (tại 6 xã: Đồng Minh, Vinh Quang, Hưng Nhân, Thanh Lương, Trấn Dương, Vĩnh Tiến), 2 vùng sản xuất hoa cây cảnh ứng dụng công nghệ cao 120ha (tại 3 xã: Hùng Tiến, Vĩnh Long và Hiệp Hòa),…

Ngoài ra, huyện cũng tăng cường liên kết, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình nhằm đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 08/02/2023 của Chính phủ.

Từ nay đến 2025, Vĩnh Bảo quyết tâm đẩy mạnh dịch chuyển cơ cấu kinh tế để phát triển đồng bộ: Khu công nghiệp - thương mại, dịch vụ - tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao,…

Đồng hành cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư, huyện tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện bộ chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương (DDCI), góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của thành phố năm 2022 - 2023.

Xã Tân Liên là một trong những xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu tại huyện Vĩnh Bảo, trên địa bàn xã hiện đang có 14 doanh nghiệp sản xuất tại Cụm công nghiệp Tân Liên rộng 71ha, thu hút khoảng 7.800 lao động. Ngoài ra, Tân Liên có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 95ha cùng với xã Tam Đa trên 120ha đóng trên địa bàn huyện đã tạo công ăn việc làm thu hút được phần lớn lao động nông thôn trong xã tham gia. Hiện xã có 3.100 lao động trong cụm công nghiệp, các doanh nghiệp và 100 lao động làm việc trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với mức lương bình quân từ 6,5 - 10 triệu đồng/tháng, đã mang lại thu nhập ổn định cho nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hoài Nam  (Vietnam Business Forum)