Năm 2023, ngành Tài chính tỉnh Tuyên Quang phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 3.200,5 tỷ đồng. Thực hiện mục tiêu trên, ngành đã tích cực tham mưu, chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, chủ động tham mưu các giải pháp cụ thể để quản lý chi ngân sách tiết kiệm, dành nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án của tỉnh.
Hội nghị giao ban quý II năm 2023 của Sở Tài chính tỉnh Tuyên Quang
Kết quả thực hiện thu NSNN 9 tháng đầu năm 2023 là 1.733.848 triệu đồng, đạt 54,2% dự toán HĐND tỉnh giao, đạt 43,3% mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, đạt 53,8% nhiệm vụ thu NSNN năm 2023 theo Đề án phát triển nguồn thu và tăng cường quản lý NSNN giai đoạn 2021 - 2025, bằng 93,7% so với cùng kỳ năm trước. Riêng thu nội địa đạt 1.640.660 triệu đồng, đạt 51,9% dự toán HĐND tỉnh giao; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 202,2% dự toán HĐND tỉnh giao.
Tổng chi ngân sách địa phương thực hiện 8 tháng năm 2023 là 8.234.807 triệu đồng, bằng 61,6% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 105,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, các nhiệm vụ chi ngân sách địa phương được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội trên địa bàn. Sở Tài chính cũng đã chủ trì phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu trình UBND tỉnh phân bổ vốn sự nghiệp của 03 chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo đúng quy định.
Để phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN trên địa bàn tỉnh, các cơ quan tài chính, thuế đã tích cực tham mưu, chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định của pháp luật, chống chuyển giá, trốn thuế, giảm tỷ lệ nợ thuế. Theo dõi sát tình hình phát triển kinh tế theo từng lĩnh vực, ngành nghề để xác định mức tăng trưởng, thu nộp ngân sách chính xác. Kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp dây dưa, chây ỳ nộp thuế, đảm bảo hoàn thành tốt chỉ tiêu thu nợ Tổng cục Thuế giao. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ đối với người nộp thuế, tập trung tuyên truyền, giới thiệu nội dung các chính sách thuế mới. Tăng cường cả về số lượng và chất lượng các hội nghị đối thoại trực tiếp với người nộp thuế, hướng dẫn, hỗ trợ, giải đáp, kịp thời các vướng mắc trong thực hiện chính sách thuế.
Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) trong lĩnh vực tài chính, triển khai có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách của Sở Tài chính. Sở thường xuyên rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC), 100% TTHC được triển khai dịch vụ công mức độ 4. Trong nhiều năm liền, Sở Tài chính thuộc 1 trong 4 cơ quan, đơn vị đứng đầu về chỉ số CCHC cấp tỉnh.
Song song đó, ngành Tài chính tỉnh Tuyên Quang đã chủ động tham mưu các giải pháp cụ thể để quản lý chi ngân sách tiết kiệm, tránh lãng phí và tăng cường quản lý chi đầu tư, xử lý nợ xây dựng cơ bản để dành nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án của tỉnh.
Cụ thể, ngành tham mưu thực hiện tốt công tác xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo đúng thẩm quyền được giao hoặc theo phân cấp, đảm bảo đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Về công tác tham mưu điều hành chi ngân sách địa phương, ngay từ đầu năm ngân sách, hàng quý, 6 tháng và những tháng cuối năm, Sở Tài chính chủ động trong việc ban hành văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thành phố và các đơn vị dự toán khối tỉnh tổ chức thực hiện dự toán chi NSNN, đảm bảo đúng quy định của Luật NSNN, phù hợp với thực tế, tiết kiệm và phát huy được hiệu quả trong sử dụng nguồn kinh phí.
Đồng thời, Sở thường xuyên rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, các huyện, thành phố thực hiện quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn NSNN trên địa bàn tỉnh đảm bảo tiến độ, chất lượng theo quy định. Tích cực phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và UBND các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của từng dự án. Phát huy hơn nữa vai trò đôn đốc, kiểm tra, giám sát và tăng cường xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công; phối hợp đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cắt giảm, điều chuyển kế hoạch đầu tư công đảm bảo theo quy định và đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Nguồn: Vietnam Business Forum