Bám sát định hướng phát triển của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và của tỉnh, NHNN Chi nhánh Lạng Sơn đã chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ, cung ứng kịp thời nguồn vốn và các dịch vụ ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Những nỗ lực trên góp phần cải thiện Chỉ số “Tiếp cận nguồn vốn” trong Chỉ số PCI; đồng thời đóng góp đắc lực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Trương Thu Hòa - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh về nội dung này.
Một vài chia sẻ của bà về sự phát triển của hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM), TCTD trên địa bàn tỉnh đến nay? Kết quả hoạt động của ngành trong năm 2023?
Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có tổng cộng 16 chi nhánh TCTD cấp I, 12 chi nhánh cấp II, 56 phòng giao dịch. Hoạt động của các chi nhánh, TCTD trên địa bàn ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân
Đến ngày 31/12/2023, tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn đạt 43.827 tỷ đồng (tăng 18,1%) so với ngày 31/12/2022. Tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng đạt 43.738 tỷ đồng, (tăng 11,0%); tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,15% tổng dư nợ.
Dư nợ cho vay ngắn hạn 05 lĩnh vực ưu tiên đạt 91,8 tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn. Trong đó, cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 91,3%; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 8,7%.
Dư nợ cho vay phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 12.343 tỷ đồng, chiếm 28,2% dư nợ trên toàn địa bàn, với 84.389 khách hàng còn dư nợ. Dư nợ cho vay theo các chương trình tín dụng chính sách tại Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh là 4.406 tỷ đồng, chiếm 10,1% dư nợ toàn địa bàn, tăng 17,4% so với ngày 31/12/2022, với 68.961 khách hàng còn dư nợ.
Nguồn vốn vay ngân hàng đã góp phần quan trọng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
VietinBank Lạng Sơn tổ chức khai trương Phòng giao dịch Bắc Sơn
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng, thời gian qua NHNN Chi nhánh tỉnh đã thực hiện các cơ chế, chính sách, đổi mới quy trình, đa dạng hóa các sản phẩm, loại hình và phối hợp, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp,… thế nào, thưa bà?
Trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, ngành Ngân hàng đã tập trung triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của nền kinh tế.
Cụ thể, NHNN Chi nhánh tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị tăng cường các giải pháp tín dụng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã; cử lãnh đạo dự Hội nghị đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh nắm bắt thông tin về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến tiếp cận vốn và sử dụng dịch vụ ngân hàng để kịp thời tháo gỡ; thông tin các cơ chế, chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi và các giải pháp hỗ trợ khách hàng. Bên cạnh đó, thiết lập và duy trì đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Đồng thời, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; giảm mặt bằng lãi suất trên cơ sở bám sát diễn biến thị trường và định hướng của NHNN.
Ngoài ra, tích cực rà soát lại quy trình, thủ tục cho vay và các loại phí, lệ phí đang áp dụng; đẩy mạnh thực hiện các chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất của Chính phủ và địa phương.
Kết quả, dư nợ cho vay Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ NSNN đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ là 180,6 tỷ đồng, với 22 khách hàng được hỗ trợ, số tiền hỗ trợ lãi suất là 2,7 tỷ đồng.
Dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN là 634 tỷ đồng, với 54 khách hàng. Dư nợ đang được các NNTM cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN (sửa đổi bởi Thông tư 03/2021/TT-NHNN, Thông tư 14/2021/TT-NHNN) là 41 tỷ đồng với 73 khách hàng; dư nợ được miễn, giảm, hạ lãi suất vay vốn là 470 tỷ đồng với 268 khách hàng.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, thời gian qua, các NHTM, TCTD trên địa bàn đã tăng cường mở rộng các dịch vụ ngân hàng điện tử, tiện ích thông minh, thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt,… với kết quả đáng chú ý nào?
NHNN Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo sát sao tới các chi nhánh, TCTD tích cực, chủ động triển khai, ứng dụng các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại theo xu hướng phát triển ngân hàng số; mở rộng ứng dụng thanh toán điện tử phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại như: Chuyển tiền nhanh 24/7, sử dụng mã QR, ví điện tử; mở tài khoản trực tuyến, gửi tiết kiệm online trên ứng dụng mobile banking, smart banking,…
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 89 máy ATM đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt của người dân; 440 máy POS với doanh số thanh toán qua POS là 3.546 tỷ đồng. Lượng tiền mặt giao dịch qua ngân hàng tại quầy giảm 70%; các quy trình nghiệp vụ được số hóa, giảm được lượng giấy tờ, hồ sơ, chứng từ, thủ tục hành chính đối với khách hàng.
Số tiền nộp thuế điện tử chiếm 97% tổng số tiền thuế nộp NSNN; thu tiền điện qua ngân hàng chiếm 90% trên tổng số tiền điện thu được; thanh toán học phí không dùng tiền mặt đạt trên 70%; doanh số thanh toán tiền nước qua ngân hàng chiếm 33,5% tổng doanh số; 100% cơ sở y tế trên địa bàn sử dụng mã QR, thanh toán không dùng tiền mặt;...
Thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nói riêng và cải thiện chỉ số “Tiếp cận nguồn vốn”, nâng cao Chỉ số PCI nói chung và DDCI của đơn vị nói riêng?
Năm 2024, dự báo triển vọng kinh tế và thị trường tiếp tục diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều khó khăn đối với ngành Ngân hàng.
Thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp. Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đảm bảo an toàn, tiện ích. Cải tiến, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân bình đẳng, thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng.
Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi, góp phần củng cố niềm tin và tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với hoạt động ngân hàng,...
Trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn: Vietnam Business Forum