![]() Ông Nguyễn Minh Nam, Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ |
Tam Kỳ hôm nay có diện mạo khang trang, văn minh, hạ tầng kỹ thuật - xã hội ngày càng đồng bộ, được Hiệp hội các đô thị Việt Nam tặng danh hiệu “Đô thị xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng Đô thị - xanh - sạch - đẹp” năm 2023. Đây là kết quả của sự kiên trì nỗ lực từ nhiều năm qua, nhất là trong 3 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 04/5/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển đô thị loại I trực thuộc tỉnh Quảng Nam. Hiện cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn đang quyết tâm phấn đấu đưa Tam Kỳ trở thành đô thị đặc thù với nền tảng xanh, thông minh và đa dạng sinh học (ĐDSH).
Dấu ấn riêng về đô thị thông minh
Bắt nhịp “cuộc chơi lớn” về phát triển đô thị thông minh (ĐTTM), TP.Tam Kỳ với tầm nhìn chiến lược rõ ràng, cách làm bài bản và nhận được sự trợ lực tích cực nên đã tạo được dấu ấn đáng kể trong việc xây dựng ĐTTM.
Theo ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Dự án Xây dựng ĐTTM tỉnh Quảng Nam (Tam Kỳ) được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 4/2021 với vốn đầu tư 10 triệu USD, trong đó Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA) tài trợ 09 triệu USD, thời gian triển khai từ năm 2021 - 2025. Mục tiêu dự án xây dựng các chiến lược, kế hoạch và hạ tầng, dịch vụ thông minh cho đô thị Tam Kỳ. Dự án có 7 hợp phần gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL), phát triển nền tảng dữ liệu ĐTTM; dịch vụ thí điểm ĐTTM; xây dựng, vận hành Trung tâm Điều hành ĐTTM,… Từ đó, thành phố đã tích cực phối hợp với KOICA, đơn vị tư vấn; các sở, ngành, doanh nghiệp tập trung hoàn thiện hạ tầng mạng, công nghệ thông tin (CNTT), hệ thống bảo mật,… nhằm từng bước xây dựng các hợp phần cho đến khi hoàn thành với mục tiêu cao nhất Tam Kỳ trở thành hình mẫu về ĐTTM tại Việt Nam.
Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, đến nay, hạ tầng ĐTTM Tam Kỳ đã triển khai đạt kết quả ấn tượng: 100% xã, phường có cáp quang mạng internet băng rộng, sóng 3G/4G/5G phủ rộng 100% địa bàn; đến tháng 12/2023 có 25.175 thuê bao internet băng rộng; trên 108.600 thuê bao di động 3G/4G; 85/85 nhà văn hóa thôn, khối phố lắp đặt Wifi công cộng; 05 trạm phát Wifi tại các điểm di tích, du lịch và công viên. Thành phố cũng triển khai 60 vị trí giám sát tại các ngã tư, trục đường chính với 300 camera có độ phân giải cao (05 camera/điểm) nhằm ghi nhận hoạt động tại các tuyến đường 24/24 giờ, trong đó có 06 camera giám sát giao thông có hỗ trợ chức năng “phạt nguội”; đồng thời triển khai 3 vị trí lắp đặt hệ thống cảnh báo ngập lụt sông ngòi, có chức năng giám sát nước các con sông trong mùa mưa lũ.
Hạ tầng CNTT các cơ quan, đơn vị, địa phương đáp ứng tốt yêu cầu triển khai chính quyền số; 100% cán bộ, công - viên chức và người lao động có máy tính, xử lý công việc trên hệ thống Q-office; 100% lãnh đạo thành phố và xã, phường được cấp chứng thư số chuyên dùng. Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối thông suốt với các điểm cầu thành phố, tỉnh và Trung ương. Hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông (Truyền thanh IP) đã được đầu tư tại 100% xã, phường với 146 cụm loa thu, phát sóng. Đặc biệt, thành phố đã quyết liệt chỉ đạo việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử thông qua Dịch vụ công trực tuyến. Đến ngày 15/3/2024, tỷ lệ hồ sơ, thủ tục xử lý trực tuyến đạt 80,72%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 47,15%; tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt 99,6%,...
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo TP.Tam Kỳ thả cá giống ra môi trường
Thành phố đã đưa vào vận hành Hệ thống phần mềm tổng hợp, phân tích, báo cáo IOC mềm đã cập nhật đầy đủ CSDL năm 2022, 2023 về các lĩnh vực: Thu - chi ngân sách; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công; kinh tế doanh nghiệp; các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, môi trường,... đồng thời được tích hợp thử nghiệm lên trên app IOC Quảng Nam để truy cập trên điện thoại thông minh. Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đang được đẩy mạnh triển khai: Lĩnh vực y tế đang xây dựng CSDL thông tin hiệu thuốc, bệnh viện, phòng khám, y học dự phòng,... Lĩnh vực giáo dục đào tạo đưa vào sử dụng phần mềm tuyển sinh đầu cấp trong năm học 2023 - 2024 với tỷ lệ đạt trên 94%/tổng hồ sơ tiếp nhận, đưa vào sử dụng phần mềm giáo án và hồ sơ điện tử; lĩnh vực quản lý đô thị đang triển khai thực hiện CSDL cấp phép xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị, thông tin quy hoạch, trật tự đô thị, xây dựng,…
Điểm nổi bật trong phát triển kinh tế số là đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Các địa phương đã phối hợp với doanh nghiệp viễn thông và ngân hàng thương mại tổ chức các đợt ra quân hướng dẫn, cài đặt, tạo tài khoản smartbanking, mã QR thanh toán điện tử, ví điện tử cho các cơ sở, hộ kinh doanh và người dân,... Hiện toàn thành phố có trên 15.000 tài khoản smartbanking với trên 14.000 mã QR thanh toán điện tử và trên 10.000 ví điện tử. Bên cạnh đó, đến nay, toàn thành phố có 21 sản phẩm OCOP, hộ sản xuất nông nghiệp được đưa lên các sàn thương mại điện tử,…
Về phát triển xã hội số, các địa phương đã tích cực triển khai các tổ chức mô hình “Ngày thứ 7 - Ngày công dân số” để phổ biến, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử, biên lai điện tử, thương mại điện tử và các ứng dụng xã hội số tiện ích khác như: Bảo hiểm xã hội -VssID, Sổ sức khoẻ điện tử,…
TP.Tam Kỳ triển khai lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống camera giao thông trên các trục đường chính trong thành phố
Xây dựng đô thị xanh và sinh thái
Tam Kỳ là một trong số ít đô thị hội tụ đầy đủ núi, biển, sông, hồ. Để phát huy lợi thế này, trong các kế hoạch, đề án phát triển thành phố đều bám sát với định hướng sinh thái, theo đồi núi, sông, hồ, đầm, biển; hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, cộng sinh với môi trường và giữ được bản sắc văn hóa. Diện mạo Tam Kỳ hôm nay có sự ngăn nắp của quy hoạch, hiện đại của đầu tư bài bản nhưng vẫn giữ nét nguyên sơ: Con phố rộng lớn gắn liền với dòng sông chạy cắt ngang; những khu đô thị khang trang, hiện đại nằm kế bên vùng sông Đầm đẹp như tranh vẽ và cả một đại đô thị như đang soi mình bên vùng Tam Thanh rộng lớn biển trời.
Bên cạnh phát triển kinh tế, Tam Kỳ luôn quan tâm đến phát triển lĩnh vực hạ tầng đô thị đồng bộ. Các tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ đoạn chạy ngang qua địa bàn thành phố được mở rộng, đường ven biển nối từ Đà Nẵng - Hội An - Tam Kỳ, đường từ trung tâm lên huyện Phú Ninh, đường nối từ biển Tam Thanh lên Tiên Phước, Trà My đến Tây Nguyên được kết nối và nhiều tuyến nội thị được đầu tư mới, mở rộng. Tất cả đều gắn liền với hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng, vỉa hè, cung cấp nước sinh hoạt, hồ điều hòa, xử lý nước thải,... nhằm tạo cảnh quan và môi trường đô thị ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Một góc TP.Tam Kỳ
Đặc biệt, thành phố luôn chú trọng việc trồng và chăm sóc cây xanh và phát triển trồng rừng đô thị. Đến nay, nhiều chương trình, dự án về trồng cây, gây rừng được các cấp, ngành ban hành triển khai có hiệu quả và tạo được sự lan tỏa trong nhân dân. Chỉ tính riêng từ năm 2020 - 2023, thành phố đã bố trí hơn 24 tỷ đồng trồng cây xanh với 800.000 cây trên diện tích 240ha được trồng mới.
Quảng Nam là một trong những tỉnh tiên phong trong công tác bảo tồn ĐDSH. Địa phương đã sớm ban hành Chiến lược bảo tồn ĐDSH hệ sinh thái rừng phía Tây, phê duyệt Kế hoạch hành động ĐDSH tỉnh. Kế thừa và phát huy chủ trương của tỉnh, Tam Kỳ đã luôn đề cao nhận thức, thực hiện nhiều hướng đi, giải pháp và hoạt động bảo tồn ĐDSH, nổi bật là việc bảo tồn thành công hệ sinh thái vùng sông Đầm nơi hiện có 500 loài động, thực vật sinh sống, đóng vai trò rất lớn về môi trường, cảnh quan và được ví là “lá phổi xanh” của cả tỉnh.
![]() |
![]() |
Hệ sinh thái quý hiếm sông Đầm, TP.Tam Kỳ
Theo Đồ án quy hoạch chung TP.Tam Kỳ đã được UBND tỉnh phê duyệt, thành phố xác định xây dựng hướng về phía Đông sông Bàn Thạch và sông Tam Kỳ theo định hướng đô thị xanh, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di tích lịch sử với phát triển kinh tế. Đồng thời định hướng đến năm 2050, Tam Kỳ sẽ kết nối với Khu kinh tế mở Chu Lai, Núi Thành và Phú Ninh trở thành đô thị loại I. Một trong những điểm quan trọng trong quy hoạch chung và các quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu của TP.Tam Kỳ là xây dựng một thành phố “đô thị xanh”, phát huy lợi thế những “lá phổi” từ các hồ, sông, đầm, núi vốn là “đặc sản” của Tam Kỳ để tạo nên cảnh quan sinh thái “phố trong làng - làng trong phố”. Đồng thời, trở thành đô thị trung tâm tổng hợp của tỉnh, đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng liên tỉnh. Mở rộng không gian nội thị của đô thị, với khả năng quy nạp 170.000 dân. Thành phố cũng đã xác định rõ lộ trình, nguồn lực đầu tư xây dựng và huy động tối đa sự tham gia của người dân trong quá trình quản lý, xây dựng đô thị.
Phó Chủ tịch Nguyễn Minh Nam cho biết thêm: Thiên nhiên đã ban tặng cho tỉnh Quảng Nam và TP.Tam Kỳ một lợi thế là sự ĐDSH. Đây là tài nguyên quý giá và là tiềm năng phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh, bản sắc riêng. Tuy vậy, để biến tiềm năng này thành hiện thực, nhất là bảo đảm sự hài hòa giữa ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững, cần có sự chung tay, nỗ lực tích cực của cả chính quyền và người dân địa phương.
Bình Minh (Vietnam Business Forum)