NINH BÌNH

Gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới

15:02:04 | 9/8/2024

Thời gian tới, Ninh Bình tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, đa giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tạo nền tảng cho phát triển đô thị di sản.


Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP

Không có thế mạnh về sản xuất hàng hóa lớn nhưng nông nghiệp Ninh Bình lại có sự đa dạng về sản phẩm với 05 tiểu vùng kinh tế sinh thái: Tiểu vùng núi bán sơn địa, tiểu vùng trũng, tiểu vùng ven đô thị, tiểu vùng đồng bằng, tiểu vùng ven biển. Mỗi tiểu vùng có sản phẩm chủ lực định hướng tập trung đầu tư, phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ.

6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp tỉnh đạt 3,3% (trong đó thủy sản có tốc độ tăng bình quân trên 6%/năm); giá trị sản xuất/ha canh tác đạt trên 150 triệu đồng. Cơ cấu ngành Nông nghiệp ổn định (khoảng 10%) trong nền kinh tế, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đến hết năm 2023 đạt 61,26 triệu đồng/năm (bình quân chung của tỉnh 63,99 triệu đồng/năm).

Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tập trung chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đồng bộ, nhiều cách làm hay, sáng tạo. Hiện có 119/119 xã đạt chuẩn NTM, 50/119 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 18/119 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 8/8 huyện, thành phố hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM; 01 huyện Yên Khánh vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM nâng cao. Ninh Bình sẽ hoàn thiện hồ sơ để cuối năm trình công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đảm bảo đúng theo kế hoạch.

Việc xây dựng các sản phẩm OCOP tham gia sâu rộng vào các chuỗi giá trị có hàm lượng giá trị gia tăng cao gắn với bảo vệ di sản và môi trường được chú trọng. Riêng năm 2023, toàn tỉnh phát triển thêm được 70 sản phẩm OCOP, tăng 28 sản phẩm so với năm 2022. Đến nay, toàn tỉnh có 181 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó 101 sản phẩm 3 sao và 70 sản phẩm 4 sao. Hệ thống hạ tầng nông nghiệp nông thôn tiếp tục được cải tạo, nâng cấp đầu tư đồng bộ, hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn.

Ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Thời gian tới, Ninh Bình tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững; sản xuất nông nghiệp hữu cơ với các sản phẩm chủ lực theo vùng sinh thái, đặc trưng phục vụ du lịch; xây dựng và thực hiện các dự án liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Để hoàn thành các nhiệm vụ trên, ngành sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tiêu chí NTM, nhất là các tiêu chí liên quan trực tiếp đến chất lượng đời sống dân sinh. Tập trung chỉ đạo 15 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, 05 xã đăng ký đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và huyện Yên Mô đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí, đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch năm 2024.

Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần cải cách hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Hướng dẫn các địa phương triển khai hiệu quả đề án sắp xếp các đơn vị hành chính gắn với rà soát, đánh giá công nhận mức đạt chuẩn NTM.

Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM; đôn đốc các cấp, các ngành phối hợp hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM đáp ứng lộ trình đã đề ra.

Đẩy mạnh cải cách hành chính

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình có 145 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi quản lý. 6 tháng đầu năm 2024, Sở tiếp nhận, giải quyết 367 hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Tất cả các hồ sơ đã được số hóa. 

Sở đã lựa chọn và đề xuất UBND tỉnh rút ngắn thời gian giải quyết 115 giờ của 18 dịch vụ công thuộc 06 lĩnh vực. Đồng thời, cập nhật, chuẩn hóa danh mục tài liệu, hồ sơ TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia; rà soát, tái cấu trúc quy trình, điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai, kết quả giải quyết TTHC. 

Năm 2023, kết quả xếp hạng cải cách hành chính của Sở tăng 3 bậc so với năm 2022, xếp thứ 5/18 sở, ban, ngành.

Ngô San (Vietnam Business Forum)