VĨNH PHÚC

Vĩnh Phúc: Công nghiệp điện tử tiếp tục giữ vai trò động lực tăng trưởng ngành công nghiệp

09:10:31 | 16/8/2024

Là lĩnh vực chủ lực chiếm khoảng 50% tăng trưởng toàn ngành công nghiệp của tỉnh, những tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất linh kiện điện tử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều khởi sắc khi đơn hàng quay trở lại với số lượng lớn. Doanh thu sản xuất linh kiện điện tử đạt hơn 116.000 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2023. Công nghiệp điện tử tiếp tục khẳng định vai trò động lực tăng trưởng ngành công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc.


Công ty TNHH JAHWAVINA, 100% vốn Hàn Quốc chuyên sản xuất linh kiện điện tử

Hiện Vĩnh Phúc thu hút được hơn 200 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chiếm 60% tổng số dự án công nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp, trong đó nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao. Những năm gần đây, công nghiệp điện tử của tỉnh luôn có mức tăng trưởng cao nhất trong cơ cấu giá trị ngành công nghiệp và trở thành ngành có số lượng lao động đông đảo nhất trong các nhóm ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. 7 tháng đầu năm 2024, ngành công nghiệp điện tử có nhiều khởi sắc khi đơn hàng quay trở lại với số lượng lớn; doanh thu sản xuất tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2023, tiếp tục giữ vai trò động lực tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và nền kinh tế của tỉnh, đóng góp lớn cho thu ngân sách và giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Có được kết quả này, bên cạnh những giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn và khuyến khích sản xuất, tiêu dùng của các cấp, ngành, ngay từ đầu năm, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thuộc các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đều chủ động sử dụng dây chuyền công nghệ, trang thiết bị hiện đại, tự động hóa nhiều công đoạn. Nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nên dù sử dụng ít lao động, nhưng năng suất vẫn tăng, chất lượng sản phẩm tốt, đáp ứng nhiều đơn hàng lớn trong thời gian ngắn của các đối tác nước ngoài; nhiều mặt hàng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và được các tập đoàn đa quốc gia đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.

Mặt khác, từ đầu năm đến nay, đã có một số dự án, nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc bắt đầu đi vào hoạt động, góp phần gia tăng sản lượng và doanh thu cho ngành như dự án Mitrastar Việt Nam (sản xuất thiết bị kết nối mạng); dự án Universal Microwave Technology (sản xuất linh kiện truyền dữ liệu); dự án Acc Technologies (sản xuất 4 loa, micro cho điện thoại di động)...

Trên cơ sở các ngành công nghiệp đã được hình thành và đầu tư trên địa bàn tỉnh, cùng quá trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của tỉnh, sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng (Đồng bằng sông Hồng và kinh tế trọng điểm Bắc Bộ) và đặc biệt là từ mục tiêu xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước, theo đó, giai đoạn 2020-2030, tỉnh tập trung ưu tiên phát triển một số ngành như công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là công nghiệp cơ điện tử, chíp bán dẫn, sản phẩm công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, sản xuất robot để đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác...

Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phát triển các sản phẩm linh kiện, phụ kiện điện tử theo hướng gắn kết vào chuỗi sản xuất, cung ứng quốc tế, Vĩnh Phúc tăng cường mối liên kết, quan hệ sản xuất, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp nội địa trên địa bản tỉnh với doanh nghiệp FDI. Khuyến khích doanh nghiệp phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hình thành cụm ngành công nghiệp, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp nội địa chuyên sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cung ứng cho các ngành đang có thế mạnh phát triển trên địa bàn tỉnh và địa phương lân cận, trước hết là phục vụ ngành công nghiệp điện tử và cơ khí, sản xuất kim loại để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi sản xuất cung ứng linh phụ kiện cho thị trường trong và ngoài nước.

Tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp duy trì hoạt động ổn định và phát huy tối đa công suất; tạo mọi điều kiện đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tập trung phát triển khu công nghiệp theo hướng chuyên sâu, công nghệ cao, bảo đảm điều kiện hạ tầng kỹ thuật thu hút các dự án sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, các dự án sản xuất thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng lớn.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch và công bằng, đạt mục tiêu “3 tốt” của tỉnh Vĩnh Phúc gồm: Môi trường pháp lý tốt và toàn diện; hạ tầng kỹ thuật tốt; phục vụ doanh nghiệp tốt. Tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các thị trường truyền thống Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hướng tới các thị trường mới có thế mạnh về vốn, công nghệ như Châu Âu, Hoa Kỳ…

Thanh Loan (Vietnam Business Forum)