Nhận thấy giá trị của bài thuốc nam của người Dao Ba Vì, lương y Lý Thị Bích Phượng và Lý Thị Bích Huệ đã vận động cộng đồng người Dao cùng thành lập Hợp tác xã thảo dược dân tộc Dao Phượng Huệ vào năm 2016 đến nay Hợp tác xã đã thành công trong việc phát triển và bào chế 4 loại trà đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao Hà Nội gồm: Trà thìa canh, trà cà gai leo, trà lá khôi, trà dây gắm.
Trên địa bàn huyện Ba Vì có gần 2.000 người Dao sinh sống, việc dựa vào thảm thực vật phong phú của núi Ba Vì để làm thuốc nam trở thành truyền thống từ lâu đời. Qua hàng trăm năm, người Dao nơi đây đã biết tận dụng các loại cây cỏ từ thiên nhiên để bào chế thuốc chữa bệnh, được nhiều người tin dùng.
Theo chị Lý Bích Huệ - Giám đốc HTX Dao Phương Huệ: Người Dao Ba Vì thường tranh thủ lúc nhàn rỗi lên núi hái lá, tìm cây thuốc mang về trữ và bán cho các hàng thuốc nam. Bản thân chị cũng nhận thấy việc sử dụng thuốc nam thường lành tính, nên nảy sinh ý tưởng biến lợi thế địa phương thành cơ hội phát triển kinh tế. Tuy nhiên, từ những loại cây mọc sẵn trong tự nhiên trở thành sản phẩm thảo mộc mang nhãn hiệu HTX Dao Phương Huệ là một hành trình dài, phải bỏ nhiều công sức tìm hiểu, nghiên cứu. Qua nhiều thất bại mới tạo nên nhóm sản phẩm tiện lợi, hiệu quả cho khách hàng sử dụng.
Với lợi thế nền tảng kiến thức về đông y cũng như thế mạnh về nguồn nguyên liệu, nguồn lao động dồi dào tại địa phương, chị Huệ đã đẩy mạnh việc đưa thảo dược trở thành sản phẩm hàng hóa cung ứng ra thị trường. Nhiều sản phẩm an toàn có nguồn gốc tự nhiên không chỉ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc mà còn mang lại lợi ích sức khỏe, góp phần nâng cao đời sống cộng đồng địa phương.
Cũng theo chị Huệ, trước kia, người Dao Ba Vì thường sử dụng thảo dược bằng cách phơi khô nấu nước để tắm và uống. Hiện nay, HTX đã đưa những tiến bộ khoa học vào quá trình sản xuất sản phẩm, cũng như đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của ngành y dược và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhà máy chế biến thảo dược của Hợp tác xã được đầu tư trang thiết bị hiện đại, sản xuất với quy trình khép kín theo tiêu chuẩn, bảo đảm sản phẩm đến với người bệnh luôn đạt chất lượng và hiệu quả cao và đang hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Y tế thẩm định đạt chuẩn GMP (Good Manufacturing Practice). Nhờ nguồn nguyên liệu thảo dược quý cùng bài thuốc cổ truyền, Hợp tác xã thảo dược dân tộc Dao Phượng Huệ sản xuất thành công các loại trà đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Đặc biệt, trà lá khôi là một trong những sản phẩm tiêu biểu của hợp tác xã với công dụng điều trị bệnh dạ dày. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh lợi ích của lá khôi trong việc cải thiện triệu chứng đau rát họng, viêm họng, thanh nhiệt, giải độc và làm mát cơ thể. Trà dây gắm, một sản phẩm độc đáo khác, được làm từ cây gắm - một loại dược liệu quý có tính bình, vị đắng, công năng khu phong, trừ thấp, tán hàn, tiêu viêm và sát trùng, điều trị các bệnh phong thấp, thống phong, giúp giảm đau nhức, tiêu viêm...Sản phẩm trà của Hợp tác xã không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Dao mà còn giúp tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Chị Nguyễn Phương Oanh, Văn Quán - Hà Đông, thường xuyên sử dụng các loại trà của Hợp tác xã, chia sẻ: "Tôi rất ấn tượng với các loại trà đạt tiêu chuẩn OCOP của Hợp tác xã thảo dược dân tộc Dao Phượng Huệ. Những sản phẩm này không chỉ đơn thuần là trà để thưởng thức mà còn hỗ trợ sức khỏe. Trà lá khôi giúp tôi cải thiện tình trạng đau dạ dày; trà dây gắm giảm đau nhức do phong thấp...".
Ông Dương Trung Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì, huyện Ba Vì nhận xét: Sản phẩm OCOP, đặc biệt là 4 loại trà từ dược liệu quý của Hợp tác xã thảo dược dân tộc Dao Phượng Huệ, thể hiện sự khéo léo, tinh hoa trong bào chế của bà con dân tộc Dao và là niềm tự hào của xã Ba Vì. Sản phẩm này không chỉ giúp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo thêm sinh kế cho người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế vùng núi Ba Vì.
Đình Bảo (Vietnam Business Forum)
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI