Tỉnh Bình Định tiếp tục tập trung mời gọi các nhà đầu tư có tiềm lực, thương hiệu vào những dự án then chốt với 05 trụ cột chính: Công nghiệp; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ cảng và logistics; kinh tế gắn với đô thị hóa. Tỉnh cam kết tiếp tục đổi mới và nâng cao vai trò kiến tạo của chính quyền, hướng đến xây dựng tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn và bền vững cho các nhà đầu tư. Hướng đến 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có trao đổi với phóng viên xung quanh nội dung này.
![]() |
Để lập thành tích chào mừng các sự kiện lớn của đất nước, Bình Định đang đề ra và nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nào trong năm 2025 nói riêng và giai đoạn 2020 - 2025 tầm nhìn 2030 nói chung về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp?
Năm 2025 được xác định là năm “tăng tốc”, “bứt phá”, tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021-2025, tạo dư địa, động lực cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới. Kế thừa những thành quả đã đạt được trong năm 2024, tỉnh tập trung phát huy tinh thần “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá” và “5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”; triển khai thực hiện có hiệu quả những mục tiêu nhiệm vụ:
Phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao (tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 7,6 - 8,5%, phấn đấu đạt trên 8,5%).
Tập trung triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm các quy hoạch vùng huyện, quy hoạch quản lý kiến trúc đô thị và quy hoạch chi tiết; phấn đấu hoàn thành mục tiêu đưa thị xã An Nhơn lên thành phố trong năm 2025, thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Quy Nhơn đến năm 2050,…
Xây dựng kế hoạch định hướng phát triển hạ tầng giao thông với tầm nhìn dài hạn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu hoàn thành các công trình trọng điểm như: Các tuyến đường địa phương (An Nhơn, Phù Mỹ) kết nối với đường ven biển, đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong, đường nối từ quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định kết nối với cảng Quy Nhơn, đường Điện Biên Phủ nối dài đến Khu đô thị Diêm Vân,… Tập trung nghiên cứu, chuẩn bị các dự án giao thông huyết mạch như: Nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Phù Cát, đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku,… nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định - ông Hồ Quốc Dũng (bên phải) báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính (đứng giữa hàng đầu) về tình hình thực hiện dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định, tháng 4/2024
Đẩy mạnh xúc tiến và thu hút đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, logistics, công nghệ cao và nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn.
Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, triển khai hiệu quả công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu năm 2025 đạt 10 triệu lượt khách đến tỉnh, doanh thu đạt 26.000 tỷ đồng.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; phát triển kinh tế số gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Cuối cùng là triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập, nâng cao mức độ tự chủ, đẩy mạnh xã hội hóa và Kế hoạch đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức lại đơn vị sư nghiệp công lập; rà soát thực hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức giai đoạn 2023 - 2025.
Những mục tiêu này không chỉ nhằm tạo dấu ấn mạnh mẽ để chào mừng các sự kiện kỷ niệm, mà còn góp phần đưa tỉnh Bình Định phát triển trở thành một trung tâm kinh tế năng động và bền vững ở khu vực miền Trung và cả nước.
Phấn đấu đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế. Kinh tế phát triển nhanh, bền vững dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đô thị hóa.
Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Tập trung phát triển đô thị Quy Nhơn hiện đại về không gian, kiến trúc, khai thác tiềm năng, lợi thế đặc biệt về cảnh quan và khí hậu khu vực ven đầm Thị Nại; quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội; phát triển Khu Đô thị khoa học mang tầm cỡ quốc gia.
Kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo tồn và phát huy tốt bản sắc, các nét đẹp văn hóa các dân tộc; đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, nhất là sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn đã phát triển ra sao? Từ nền tảng này, tỉnh đang vào cuộc triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị như thế nào?
Qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, nhất là sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị, số lượng, quy mô và mật độ doanh nghiệp, quy mô lao động của doanh nghiệp tăng nhanh; chất lượng và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp được nâng lên,… đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Từ nền tảng này, tỉnh đang vào cuộc triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị như sau:
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo môi trường thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nghiệp.
Triển khai, thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp nhất là trong các lĩnh vực mới; ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ, doanh nhân trẻ, doanh nhân hoạt động ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện, nâng cao kết quả các chỉ số PAPI, PCI, DDCI, PAR INDEX và SIPAS theo Kế hoạch số 107/UBND-KH ngày 08/6/2023 của UBND tỉnh.
Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Quyết định số 510/QĐ-UBND ngày 22/02/2023 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 52-KH/TU ngày 06/01/2023 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 20- NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát doanh nghiệp trong việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ bảo đảm chất lượng; giữ gìn uy tín, thương hiệu doanh nghiệp; chú trọng bảo vệ môi trường. Khuyến khích doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội.
Hướng đến 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ông có chia sẻ, cam kết gì về sự kiến tạo, đồng hành của chính quyền tỉnh với các doanh nghiệp, nhà đầu tư?
Bình Định tiếp tục tập trung mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh để đầu tư các dự án then chốt vào 5 trụ cột chính, gồm: Công nghiệp; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ cảng và logistics; kinh tế gắn với quá trình đô thị hóa. Cụ thể:
Tỉnh cam kết tiếp tục đổi mới và nâng cao vai trò kiến tạo của chính quyền, hướng đến xây dựng tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn và bền vững cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả. Thiết lập các kênh đối thoại thường xuyên giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp để tiếp nhận ý kiến và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế tạo tiền đề thu hút các dự án lớn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, logistics, và du lịch. Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh. Áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật và xây dựng thêm các chương trình hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn.
Chính quyền tỉnh sẽ luôn là người bạn đồng hành đáng tin cậy của doanh nghiệp. Chúng tôi cam kết tạo ra một môi trường đầu tư ổn định, minh bạch và thuận lợi nhất để các nhà đầu tư có thể phát huy tối đa tiềm năng và giá trị tại tỉnh.
Trân trọng cảm ơn ông!
Duy Bình (Vietnam Business Forum)
03/4/2025
Khách sạn New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc