Tập trung kích hoạt tiềm năng lợi thế của các KCN, KKT
Lũy kế đến nay, Khu kinh tế (KKT) Nam Phú Yên và các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh thu hút được 91 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 9.882,66 tỷ đồng và 22,774 triệu USD. Theo ghi nhận của ông Lê Văn Thành - Trưởng Ban Quản lý (BQL) KKT Phú Yên, những năm qua hoạt động của các KCN, KKT không chỉ giúp huy động được lượng vốn FDI lớn trong các lĩnh vực sản xuất mà còn góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hơn 7.000 lao động; nộp ngân sách đến thời điểm hiện nay hơn 1.200 tỷ đồng. Mặt khác, đầu tư phát triển hạ tầng các KCN, KKT đã góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng địa phương, mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển của tỉnh nhà. Duy Anh thực hiện.
Xin ông cho biết công tác đầu tư hoàn thiện hạ tầng tại các KCN, KKT được tỉnh đẩy mạnh triển khai ra sao?
Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Trung ương, nhiều dự án lớn đã và đang đầu tư tại KKT Nam Phú Yên như: Hầm đường bộ Đèo Cả, nâng cấp sân bay Tuy Hòa đạt tiêu chuẩn 4C, nâng cấp QL 1A đoạn qua tỉnh Phú Yên, cầu Hùng Vương, trục động lực ven biển (tiểu dự án 2, 3), QL 29 (đoạn đi qua KKT).... Bước đầu hình thành các khu dân cư, khu đô thị trong KKT: Khu đô thị Nam TP.Tuy Hòa, Khu đô thị Hòa Vinh, Hòa Hiệp Trung; Khu tái định cư Phú Lạc, Hòa Tâm... Đây là dự án có quy mô lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, được Chính phủ đặc biệt khuyến khích đầu tư.
Tuy nhiên, do nguồn lực địa phương còn khó khăn nên đầu tư cơ sở hạ tầng trong KKT Nam Phú Yên chủ yếu vẫn từ nguồn hỗ trợ ngân sách Trung ương. Tính đến nay, mạng lưới hạ tầng kỹ thuật trong KKT chỉ mới hình thành, còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là việc kết nối hạ tầng giữa KKT Nam Phú Yên với tuyến giao thông huyết mạch QL 1A. Trong thời gian tới, để sớm hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng trong KKT, ngoài nguồn lực của địa phương, BQL KKT Phú Yên sẽ phối hợp các ngành, địa phương liên quan tiếp tục tham mưu UBND tỉnh kiến nghị với Trung ương xem xét hỗ trợ các nguồn lực để tiếp tục đầu tư. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi các DN đầu tư hạ tầng tại KKT theo nhiều hình thức khác nhau như: BT, BOT, BTO, BOO….
Cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh nhà. Vậy thời gian qua vấn đề này được BQL chú trọng ra sao?
Chúng tôi đã triển khai công tác hiện đại hóa hành chính, tiến hành phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông ứng dụng "Phần mềm xử lý văn bản và hồ sơ công việc" vào công tác quản lý, điều hành và luân chuyển tài liệu hồ sơ phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan. Đặc biệt, trên Trang thông tin điện tử của BQL cung cấp đầy đủ các thông tin, các dịch vụ hành chính công; công khai bộ thủ tục hành chính (TTHC) chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của BQL KKT đã được UBND tỉnh phê duyệt; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tra cứu thông tin trước khi liên hệ công tác, nộp hồ sơ tại bộ phận "một cửa" (hiện có 46 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của BQL).
Bên cạnh đó, BQL không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, đảm bảo 100% hồ sơ TTHC được giải quyết theo cơ chế một cửa, 100% hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn. Thực hiện nghiêm túc, công khai, đầy đủ, đúng quy định; xin lỗi công dân, tổ chức nếu để hồ sơ giải quyết quá hạn.
Thông qua khảo sát đánh giá sự hài lòng của khách hàng, BQL KKT được các doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao trong công tác cải cách TTHC và tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan đối với tổ chức, doanh nghiệp.
Tỉnh có những chính sách cụ thể nào để đáp ứng hiệu quả nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp trong các KCN, KKT?
Phú Yên có lực lượng lao động dồi dào song phần lớn lao động tỉnh tập trung vùng nông thôn, đa số là lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi còn ít; trong khi đó dự báo những năm tới nhu cầu lao động của các DN KCN sẽ tăng nhanh cả về chất lẫn lượng. Xác định đây là nội dung quan trọng, gắn kết với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngày 8/7/2016, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Quyết định số 1542/QĐ-UBND phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu đến năm 2020, tỉ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 70%.
Ngoài ra, để đáp ứng hiệu quả nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, hiện tại trên địa bàn tỉnh có hai trường đại học, một phân viện, hai trường cao đẳng và một trường trung cấp với hơn 50 ngành nghề đào tạo, sẽ đáp ứng tốt yêu cầu công việc của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp KCN. Tỉnh cũng đã có chủ trương phát triển Trường Đại học Phú Yên trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học của tỉnh và khu vực; hỗ trợ trường Cao đẳng Công thương Miền Trung nâng cấp thành trường đại học; đầu tư có chiều sâu trường cao đẳng nghề, phấn đấu mỗi trường có từ 3 - 5 nghề đào tạo đạt trình độ quốc tế. Hàng năm, các trường đại học và cao đẳng trên sẽ cung cấp cho thị trường nhân lực Phú Yên và các tỉnh miền Trung nói chung hơn 2.000 lao động, kỹ sư chất lượng cao.
Ngoài ra, để thu hút nhân tài, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi các trường đại học từ TP.Hồ Chí Minh về làm việc, cống hiến cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, tỉnh đã "trải thảm" bằng việc ban hành một số chính sách đào tạo sau đại học và chính sách thu hút, sử dụng trí thức về công tác, làm việc tại Phú Yên. Đây là nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao, sẽ tạo thế cạnh tranh lành mạnh trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Đâu là định hướng xúc tiến, thu hút đầu tư vào các KCN, KKT trong thời gian tới, thưa ông?
Chúng tôi xác định, tiềm năng và lợi thế thôi vẫn chưa đủ, vấn đề là lựa chọn giải pháp nào kích hoạt tiềm năng và lợi thế đó để đưa KKT Nam Phú Yên và các KCN tỉnh trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư. Trên tinh thần đó, BQL đang xây dựng hướng đi mới trong xúc tiến đầu tư có trọng điểm và hiệu quả hơn. Trước tiên, chúng tôi xác định cần định vị lại lợi thế của mình và xây dựng danh mục các dự án phù hợp với sự phát triển của KKT Nam Phú Yên và các KCN; từ đó sẽ chọn giải pháp đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư có tiềm lực, gõ cửa doanh nghiệp để mời họ tiếp cận với KKT Nam Phú Yên và các KCN. Đây là việc làm cần thiết, đảm bảo được việc lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực.
Chúng tôi nhận thức rõ vận hội mới luôn đi kèm với thách thức mới, vấn đề quan trọng chính là kích hoạt những lợi thế hiện có của KKT Nam Phú Yên và các KCN với những chính sách và tầm nhìn mang tính dài hạn, thông qua việc giúp nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước tiếp cận và phát huy tiềm năng lợi thế đó, biến nó thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế tỉnh nhà.n
Trân trọng cảm ơn ông!