Qua 25 năm dựng xây và phát triển, trên địa bàn Tp.HCM có 3 Khu chế xuất (KCX) và 16 Khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích 4.532 ha; trong đó 17 KCX - KCN đang hoạt động, diện tích 2.571,64 ha.Với cơ chế linh hoạt, môi trường đầu tư thông thoáng, các KCX - KCN đã thu hút nhiều DN lớn đến đầu tư tạo ra sản phẩm chủ lực, tạo nguồn thu chủ yếu, ổn định và lâu dài cho ngân sách; đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng giá trị công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của Thành phố. Nội dung trao đổi với Trưởng Ban Quản lý (BQL) các KCX&KCN - ông Nguyễn Hoàng Năng cũng phần nào phản ánh được sự phát triển cả về lượng lẫn chất của các KCX - KCN trên địa bàn Thành phố. Anh Đào - Bích Thuỷ thực hiện.
Xin ông cho biết thành quả thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh tại các KCX-KCN trên địa bàn Tp.HCM tính đến thời điểm hiện nay cũng như sự chuyển dịch cơ cấu ngành nghề đầu tư trong các KCX-KCN hiện nay?
Tính đến quý I/2017, tại các KCX - KCN Thành phố có 1.537 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 10,02tỷ USD, trong đó có: 563 dự án FDI, vốn đầu tư đăng ký 5,78 tỷ USD; 974dự án đầu tư trong nước, vốn đầu tư đăng ký 66.717 tỷ VNĐ (tương đương 4,39 tỷ USD). Các dự án đầu tư đa dạng về ngành nghề, quy mô và trình độ công nghệ. Các ngành nghề chiếm tỷ trọng vốn đầu tư cao nhất là: cơ khí (17,95%), điện tử (16,20%), hóa nhựa (15,69%), dệt may (11,53%), dịch vụ (10,55%), thực phẩm (10,28%) (số liệu đến cuối năm 2016).
Đến nay các KCX, KCN đã giải quyết việc làm cho hơn 290.000 lao động, thu hút hơn 20.000 chuyên gia nước ngoài đến làm việc. Được làm việc trong môi trường khoa học, người lao động trở nên năng động, có ý thức học tập, nâng cao tay nghề, trình độ văn hóa, có ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp và hiểu biết pháp luật; một số DNcó tỷ lệ lao động trình độ đại học từ 90% - 100%. Sự chuyển dịch cơ cấu ngành nghề đầu tư theo hướng tập trung vào 4 ngành công nghiệp chủ lực (cơ khí, điện - điện tử, hóa dược, chế biến tinh lương thực thực phẩm) đã kéo theo sự chuyển dịch lao động từ các ngành thâm dụng lao động sang 4 ngành công nghiệp mũi nhọn này.
Mặt bằng công nghệ sản xuất của các ngành công nghiệp đã được nâng lên đáng kể, các nhà đầu tư nâng cao trình độ công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại, tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao để sản xuất các sản phẩm có độ chính xác cao trong các lĩnh vực điện tử, cáp quang, vi mạch, bán dẫn, pin năng lượng mặt trời... như: Công ty Furukawa, Nikkiso, Saigon Precision, Chubu Rika, Nidec Tosok, Nissei Electric, First Solar... . Một số nhà đầu tư bắt đầu đi vào công nghệ của nền kinh tế tri thức như: nghiên cứu thiết kế con chíp, phần mềm điện toán của Công ty Renesas, AMCC…
Với việc nêu cao khẩu hiệu "đồng hành cùng nhà đầu tư", thời gian qua vấn đề tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách TTHC, triển khai các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư được HEPZA chú trọng ra sao?
Để thuận tiện cho DN, nhà đầu tư, BQL đã sắp xếp lại Bộ phận tiếp nhận&Trả kết quả; từ ngày 1/6/2017, Văn phòng BQL tiếp nhận và trả hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận&Trả kết quả. TTHCđược niêm yết công khai tại Bộ phận tiếp nhận&Trả kết quả và trên Trang thông tin điện tử. Duy trì Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 đối với việc giải quyết các TTHC; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết 22 TTHC trên tổng số 89 TTHC so với quy định trong các lĩnh vực: đầu tư, môi trường, xây dựng, lao động.
Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước, từ ngày 1/10/2017, BQL đã đưa vào sử dụng phần mềm ISO điện tử tại Bộ phận tiếp nhận&Trả kết quả; xây dựng hoàn thành Trang thông tin điện tử tiếng Nhật; đang xây dựng phần mềm quản lý DN sau cấp phép; phối hợp với Trung tâm GIS - Sở Khoa học&Công nghệ xây dựng hệ thống GIS tại các KCX, KCN; triển khai phần mềm cấp Giấy phép lao động nước ngoài trực tuyến của Bộ LĐ, TB&XH; đang cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O mẫu D (Phần mềm của Bộ Công Thương) và 6 TTHC liên quan đến cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài (Phần mềm của Bộ LĐ, TB&XH), chiếm 7,8% trong tổng số 89 TTHC đang thực hiện tại BQL. Đến nay BQL được các Bộ ngành, UBND Thành phố ủy quyền hầu hết các nhiệm vụ trên các lĩnh vực: đầu tư, xây dựng, môi trường, lao động, thương mại; tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong việc giải quyết các TTHC được nhanh chóng, thuận tiện.
Về chính sách hỗ trợ DN, BQL phối hợp với các Sở ngành xét duyệt DN tham gia Chương trình kích cầu đầu tư theo định số 50/2015/QĐ-UBND và Chương trình hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất theo Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND của UBND Thành phố. Kết quả năm 2016, có 9 dự án CNHT được phê duyệt hỗ trợ lãi suất từ 5-7 năm với tổng vốn vay 297.368 tỷ đồng; năm 2017 có 2 dự án được phê duyệt hỗ trợ lãi suất trong 7 năm với tổng vốn vay 110.000 tỷ đồng, 5 dự án đề xuất được hỗ trợ lãi suất vay từ 5-7 năm với tổng số vốn vay là 200.476 tỷ đồng. Ngoài ra BQL còn phối hợp với Sở Công Thương, các ngân hàng thương mại rà soát nhu cầu vay vốn của DN trong KCX, KCN và kết nối DN với ngân hàng. Kết quả năm 2015 BQL kết nối được 11 DN với hạn mức tín dụng được hưởng ưu đãi 1.384,5 tỷ đồng; năm 2016 kết nối cho 29 DN ký kết với các ngân hàng với số tiền cho vay 2.238,96 tỷ đồng; năm 2017 phối hợp các ngân hàng tổ chức 3 cuộc tiếp xúc trực tiếp với khoảng 120 DN trong nước thuộc lĩnh vực CNHT có nhu cầu vay vốn tại KCN Tân Tạo, Tân Bình, Vĩnh Lộc.
Vậy nhiệm vụ trọng tâm của các KCX - KCN Thành phố giai đoạn từ nay đến năm 2025 là gì, thưa ông?
Trước bối cảnh hàng loạt hiệp định thương mại được ký kết và có hiệu lực, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang trong giai đoạn khởi phát; theo Quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH Tp.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 thì cơ cấu kinh tế Thành phố chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; Tp.HCM đi đầu trong sự nghiệp CNH - HĐH, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực và cả nước. Nhiệm vụ trọng tâm của các KCX - KCN Thành phố từ nay đến năm 2025 là chuyển dần các KCX - KCN hiện hữu thành KCN xanh, sạch và KCN ứng dụng công nghệ cao; xây dựng các KCN mới theo hướng phát triển các ngành công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ cho phát triển công nghệ cao.
Để thực hiện mục tiêu trên, BQL sẽ ưu tiên thu hút đầu tư và khuyến khích các DN hiện hữu đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ cơ bản của CMCN 4.0. và các ngành công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ phục vụ công nghiệp để tạo các sản phẩm giá trị gia tăng cao. Giai đoạn 2016 - 2025, phấn đấu thu hút đầu tư đạt từ 6- 8 tỷ USD.
Ngoài ra để bắt nhịp và tiếp cận CMCN 4.0, Ban sẽ nghiên cứu đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ DN về tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ; xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng KCX, KCN. Về lâu dài sẽ nghiên cứu mô hình KCX, KCN mới để phát huy hơn nữa vai trò của KCX, KCN trong phát triển KT - XH với những thuận lợi, hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư; khắc phục những tồn tại, hạn chế của mô hình hiện nay.
Nhân đây BQL cũng kiến nghị UBND Tp.HCM cần luật hóa quy định về KCX, KCN để xác định rõ chức năng nhiệm vụ của BQL các KCX&KCN. Đồng thời thí điểm 1 KCN được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoặc một phần để thực hiện đền bù giải tỏa và xây dựng cơ sở hạ tầng; qua đó đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp, thu hút những ngành chiến lược, trọng điểm và điều tiết được giá cho thuê đất phù hợp với nhu cầu vận động đầu tư trọng điểm.
Trân trọng cảm ơn ông!