Đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp bền vững và hiệu quả
09:37:59 | 11/6/2018
Tỉnh Tây Ninh nói chung, các khu công nghiệp (KCN) - khu chế xuất (KCX) - khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) trên địa bàn nói riêng luôn nêu cao quan điểm không phát triển bằng mọi giá mà định hướng phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Sau đây là nội dung trao đổi giữa phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum với ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban phụ trách Ban quản lý (BQL) KKT tỉnh. Công Luận thực hiện.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về thành quả thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh tại các KCN, KCX, KKTCK trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tính tới thời điểm hiện nay?
Tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; mức độ thông thoáng, cởi mở của môi trường đầu tư; những năm gần đây bức tranh thu hút đầu tư vào các KCN, KCX,KKTCK trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Hoạt động đầu tư phát triển các KCN, KCX, KKT như: KCN Phước Đông, KCN Thành Thành Công, KCN Trảng Bàng, KCX&CN Linh Trung 3,... có bước chuyển mình đáng kể khi tiếp nhận nhiều dự án mới và nhiều doanh nghiệp (DN) tăng vốn mở rộng sản xuất.
Riêng năm 2017 vừa qua, BQL đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 29 dự án với tổng vốn đầu tư 734,39 triệu USD và 369 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư thu hút (bao gồm điều chỉnh và tăng vốn) đạt 920,41 triệu USD và 164,67 tỷ đồng (tương đương 927,89 triệu USD), vượt 132,56% kế hoạch (700 triệu USD), tăng 17,89% so cùng kỳ (787,11 triệu USD). Trong 3 tháng đầu năm 2018, BQL đã cấp mới 12 dự án với vốn đầu tư 92,7 triệu USD và 122 tỷ đồng; 10 dự án tăng vốn đầu tư với số vốn tăng 141,22 triệu USD và 1.543,87 tỷ đồng.
Luỹ kế đến ngày 31/3/2018, tại các KCN, KCX, KKT tỉnh có 316 dự án đầu tư còn hiệu lực (215 dự án FDI, 101 dự án trong nước) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4.954,68 triệu USD và 16.103,62 tỷ đồng; trong đó có 221 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh.
Với sự đồng hành hỗ trợ của BQL, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN tại các KCN, KCX, KKT Tây Ninh đã đạt được các kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh nhà, tăng trưởng xuất khẩu, tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của DN trong các KCN, KCX, KKT đạt 3 tỷ USD, doanh thu đạt 2,8 tỷ USD, đóng góp ngân sách đạt 763 tỷ đồng, thu hút và tạo việc làm cho 5.091 lao động. Tính đến ngày 31/12/2017, tại các KCN, KCX, KKTCK trên địa bàn tỉnh có 110.073 lao động đang làm việc trong các DN.
Đầu tư phát triển hạ tầng là một trong những nhân tố quan trọng góp phần gia tăng sức hút môi trường đầu tư. Vậy thời gian qua, công tác đầu tư hoàn thiện hạ tầng tại các KCN, KCX, KKT được tỉnh Tây Ninh đẩy mạnh triển khai ra sao?
Đối với các KCN đã đi vào hoạt động, nhà đầu tư hạ tầng đã đầu tư cơ bản hoàn chỉnh hạ tầng trong khu, phục vụ đầy đủ nhu cầu cho các nhà đầu tư thứ cấp. Đối với ngoài hàng rào KCN, tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng kết nối với các KCN, nhất là hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa hướng đến tiết giảm chi phí cho DN.
Đối với KKTCK Mộc Bài, BQL khẩn trương tổ chức giải ngân gói đầu tư hạ tầng từ nguồn vốn ODA, nâng cao khả năng đáp ứng hạ tầng kỹ thuật; đồng thời tham mưu đề xuất Chương trình mục tiêu phát triển công nghiệp và dịch vụ logistics, tạo động lực mới để hình thành Đô thị mới Mộc Bài. Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Mộc Bài; đồng thời sớm hoàn thành Đề án phát triển KKTCK Mộc Bài và Xa Mát nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển KKTCK thời gian tới.
Trong năm 2018 này, BQL KKT sẽ triển khai những giải pháp cụ thể nào nhằm đẩy mạnh hỗ trợ DN trong các KCN, KCX, KKT trên địa bàn tỉnh?
Công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Kế hoạch phát triển KT - XH được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 2/1/2018 nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư kinh doanh, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, tiếp tục nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh.
Theo đó để thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân, DN khi có nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), BQL tiếp tục thực hiện đơn giản hóa TTHC, rút ngắn thời gian xử lý một số TTHC liên quan đến lĩnh vực đầu tư để tạo điều kiện tốt nhất cho DN thực hiện dự án tại KCN, KCX, KKT. Ngoài ra chúng tôi cũng sẽ chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình triển khai dự án của DN; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc; cung cấp những dịch vụ công tốt nhất; hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN hoạt động có hiệu quả. Tất cả những nỗ lực này đều nhằm tạo dựng lòng tin và sự hài lòng nơi các DN, nhà đầu tư, góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.
Xin ông chia sẻ thêm về chiến lược cũng như các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong thu hút đầu tư vào các KCN, KCX, KKT tỉnh Tây Ninh trong năm nay? Những ngành nghề, lĩnh vực kinh tế trọng điểm các KCN, KCX, KKT ưu tiên xúc tiến, thu hút đầu tư?
Mục tiêu trong năm 2018 này, BQL phấn đấu thu hút vốn đầu tư vào các KCN, KCX, KKT đạt 700 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu 1,8 tỷ USD, doanh thu hoạt động sản xuất công nghiệp 2,8 tỷ USD, nộp ngân sách đạt 1.000 tỷ đồng.
Tây Ninh đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu chung nhưng xác định không phát triển bằng mọi giá mà định hướng phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Đối với các KCN, tỉnh chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội (trường học, nhà trẻ…) nhằm phát triển các KCN theo hướng bền vững, ưu tiên thu hút: các ngành công nghiệp phụ trợ (cơ khí, cao su), các ngành ít thâm dụng lao động, ngành công nghiệp phụ trợ sử dụng công nghệ tiên tiến tự động hóa cao; cơ cấu thu hút vốn đầu tư đi vào chiều sâu, chú trọng vào các giá trị tăng thêm, tiết kiệm đất đai, nhân lực và thân thiện với môi trường..