BÀ RỊA- VŨNG TÀU

Bà Rịa – Vũng Tàu: Đô thị cảng trong tương lai

15:17:26 | 11/10/2011

Sau chặng đường 20 năm không ngừng nỗ lực, Bà Rịa – Vũng Tàu đã thay da đổi thịt, chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Phát huy những thành quả đã đạt được, Bà Rịa – Vũng Tàu hôm nay đang đón nhận những thời cơ và vận hội mới nhằm thay đổi một cách toàn diện, vươn lên tầm cao mới. Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Minh Sanh - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngọc Trang thực hiện.

Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong 5 qua (2006-2010)?

Trong 5 năm tập trung xây dựng và phát triển, kinh tế của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có những bước phát triển ngoạn mục trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh....Cụ thể tổng giá trị gia tăng năm 2010 gấp 2,27 lần so với năm 2005; GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 5.000 USD, tăng gấp 2,28 lần; Giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 2,31 lần; Tổng doanh thu thương mại - dịch vụ tăng gấp 3,25 lần. Dịch vụ du lịch, dịch vụ cảng, dịch vụ dầu khí chiếm tỷ trọng trên 50% doanh thu dịch vụ; các dịch vụ khác như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin truyền thông… phát triển mạnh cả về số lượng và nâng cao chất lượng phục vụ.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng lĩnh vực công nghiệp – dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu (trdầu khí) 5 năm đạt khoảng 4 tỷ USD. Một số mặt hàng xuất khẩu mới: tháp gió, da thuộc, vải giả da, thép… đã góp phần quan trọng vào sự chuyển dịch cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh; thị trường xuất khẩu được mở rộng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 5 năm đạt hơn 402.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,93% tổng thu ngân sách cả nước; tổng vốn đầu tư phát triển đạt hơn 94.800 tỷ đồngTình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh tăng mạnh, đặc biệt là đầu tư FDI. Tính đến tháng 8/2011, toàn tỉnh có 290 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 28 tỷ USD và 340 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 176.000 tỷ đồng.

Để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế bảo đảm an sinh xã hội, tỉnh có những giải pháp cụ thể gì, thưa ông?

Ngay sau khi Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ ban hành, tỉnh đã thành lập "Ban chỉ đạo kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh" và 3 tổ công tác giúp việc cho Ban chỉ đạo. Các tổ công tác đã xây dựng kế hoạch và tổ chức giao ban, kiểm điểm, thường xuyên đánh giá tình hình thực hiện chính sách về tài chính, tiền tệ và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu; đầu tư công, tiết kiệm năng lượng; bảo đảm an sinh xã hội.

Trên cơ sở đó, đã tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP đến toàn thể cơ quan, đoàn thể trên địa bàn. Các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các công việc cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Ủy ban Mặt trận tổ quốc đã xây dựng kế hoạch "phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội".

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hiệu quả kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể về chính sách tiền tệ, các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục xây dựng giải pháp cụ thể thực hiện việc điều chỉnh cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung cho vay lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; đặc biệt tiếp tục thực hiện tốt chương trình cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.Về thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, bình ổn giá, tỉnh tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu trên địa bàn; chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính… để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

Ngoài ra tỉnh cũng sẽ chủ động rà soát các chính sách đã ban hành, đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ các chính sách về giải quyết việc làm, hỗ trợ hộ nghèo, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc và triển khai thực hiện các chính sách mới được Chính phủ ban hành.

Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương giàu tiềm năng phát triển cảng biển, vậy việc đầu tư, khai thác lợi thế cảng biển đã được triển khai như thế nào?

Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc nhóm cảng Đông Nam Bộ, trong đó cụm cảng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA), cảng trung chuyển của khu vực và quốc tế, có khả năng tiếp nhận tàu cỡ từ 80.000 ¸ 200.000 DWT hoặc 6.000 ¸ 15.000 TEU và tàu khách 10.000 GRT.

Triển khai thực hiện quy hoạch nêu trên, tỉnh đã, đang và sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư về thủ tục đầu tư và đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án, hiện tại đang đầu tư xây dựng tuyến đường liên cảng dài khoảng 21 km chạy dọc theo hệ thống cảng Thị Vải – Cái Mép. Đồng thời tiếp tục kiến nghị TW hỗ trợ nguồn vốn đầu tư các tuyến giao thông đường bộ khác để kết nối hệ thống cảng với các tuyến quốc lộ, các đô thị trong vùng cũng như kết nối vào giao thông liên vùng đi Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Đến nay Bà Rịa-Vũng Tàu đã có 22 cảng đang hoạt động, trong năm 2010 sản lượng hàng hóa thông quan qua hệ thống cảng biển của tỉnh đạt khoảng 37 triệu tấn; các cảng còn lại đang trong quá trình triển khai xây dựng. Trong số các cảng đang hoạt động, có nhiều cảng lớn như: Cảng Quốc tế SP-PSA, Cảng Tân Cảng Cái Mép, Cảng SITV, Cảng Sài Gòn SSA,... đã tiếp nhận tàu đến 130.000 DWT đưa hàng hóa xuất nhập khẩu đã đi trực tiếp từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và cả nước nói chung sang Hoa Kỳ và một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác không qua cảng trung chuyển từ năm 2009.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư các cảng đã khởi công xây dựng; tập trung khai thác các tiềm năng lợi thế về phát triển dịch vụ cảng và dịch vụ logistics, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất ngày càng lớn. Với quy hoạch, định hướng phát triển như trên, Bà Rịa – Vũng Tàu đang từng bước xây dựng, phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành một đô thị cảng trong tương lai.

Năm 2010, PCI của Bà Rịa – Vũng Tàu đã tụt dốc từ vị trí thứ 8 xuống vị trí thứ 19 trên bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành. Dù vẫn đứng trong top các tỉnh, thành phố điều hành tốt, tuy nhiên đây là một nước thụt lùi đáng ngại trong bối cảnh tỉnh đang nỗ lực thu hút đầu tư. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này? Để cải thiện chỉ số PCI trong năm tới, Bà Rịa – Vũng Tàu có những chủ trương quyết sách nào?

Trong thời gian qua, tỉnh đã thực hiện hàng loạt các giải pháp nhằm tạo môi trường đầu tư, sản xuất - kinh doanh thuận lợi thông qua việc chỉ đạo tiếp tục triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới thiết bị, áp dụng khoa học công nghệ... Về phía cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo báo cáo kết quả chỉ số PCI năm 2010, đối với Bà Rịa – Vũng Tàu, môi trường đầu tư và kinh doanh trên một số mặt vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp. Để cải thiện chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian tới, tỉnh đã tổ chức hội thảo để tìm ra các giải pháp khắc phục và cũng đã tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế, hải quan và các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngày 20/7/2011, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có Chỉ thị số 13/CT-UBND về cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2011, theo đó yêu cầu các Sở ngành liên quan xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao và định kỳ hàng quý có báo cáo về các nội dung liên quan đã thực hiện.