Với những thành tựu đã đạt được, Khánh Hòa đã trở thành một trong 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian tới Khánh Hòa sẽ đẩy mạnh phát triển tổng hợp kinh tế biển để đến năm 2020 sẽ trở thành địa phương mạnh về kinh tế biển. Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Chiến Thắng – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhằm tìm hiểu rõ hơn về những kết quả và định hướng của tỉnh trong giai đoạn mới. Hà Linh – Thanh Tâm thực hiện.
Xin ông cho biết những thành quả phát triển kinh tế xã hội mà Khánh Hòa đã đạt được trong 2010?
Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng của lạm phát, thêm vào đó là tình hình thiên tai, dịch bệnh…Mặc dù vậy, Khánh Hòa không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đạt được những thành tựu khá quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy không đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP theo quy hoạch song Khánh Hòa vẫn luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, là một trong 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế, là một trong những tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam. Vị thế, hình ảnh của Khánh Hòa được khẳng định, nâng cao đối với trong nước và quốc tế.
Cơ cấu kinh tế tỉnh Khánh Hòa chuyển dịch theo hướng hiện đại và đạt được những chuyển biến vượt bậc. Năm 2010, tỷ trọng các ngành dịch vụ-du lịch trong cơ cấu GDP đạt 44,19%, công nghiệp-xây dựng 42,23%, nông - lâm - thuỷ sản 13,58%. Dịch vụ-du lịch đang từng bước phát huy lợi thế cạnh tranh của mình, từng bước vươn lên dẫn đầu trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng tăng khá nhanh. Nhiều ngành dịch vụ như hoạt động trung chuyển xăng, dầu đã có đóng góp khá lớn (6,87%) vào GDP của Khánh Hòa.
Về lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, bước đầu đã hình thành một số ngành kinh tế mũi nhọn như đóng tàu, chế biến, xuất khẩu thủy sản... Nhiều sản phẩm mới của công nghiệp địa phương đã tham gia xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu trong nước như đóng mới, sửa chữa tàu thuyền; chế biến thuốc lá, hạt điều, hải sản, yến sào; quần áo may sẵn, sản xuất sợi…
Khu vực nông nghiệp có tỷ trọng ngày một giảm, điều đáng lưu ý là tỷ trọng nông nghiệp giảm song chất lượng tăng trưởng nâng cao nhờ việc chú trọng đầu tư nhiều mặt về giống cây trồng, vật nuôi, cơ sở vật chất kỹ thuật, khoa học công nghệ, thủy lợi...So với mục tiêu quy hoạch, về cơ bản Khánh Hòa đã đạt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Nhiều công trình, dự án quy mô lớn mang ý nghĩa động lực đối với sự phát triển của tỉnh được hoàn thành, đưa vào sử dụng như: sân bay Cam Ranh trở thành cảng hàng không quốc tế, đại lộ Nguyễn Tất Thành, đường Phạm Văn Đồng, Nhà máy thủy điện EaKrong Rou; hệ thống công viên bờ biển và nhiều khu du lịch, khách sạn đã được xây dựng như Vinpearl, Ana Mandara, Sông Lô, Hòn Tằm, Sunrise, Sài Gòn-Yasaka... Một số dự án mới đang được khởi công triển khai hứa hẹn đem lại sức bật mới cho phát triển kinh tế xã hội của Khánh Hòa.
Năm 2010, Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh cho 03 dự án. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 71 dự án đầu tư FDI (trong đó: ngoài KCN/KKT 34 dự án, KCN Suối Dầu 19 dự án, KKT Vân Phong 18 dự án), với tổng vốn đăng ký khoảng 791,6 triệu USD. Đầu tư trong nước ước thực hiện đăng ký kinh doanh cho 773 doanh nghiệp hoạt trên địa bàn với vốn đăng ký 3.503,29 tỷ đồng. Đến hết năm 2010 có khoảng 5.800 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.
Du lịch là một trong những thế mạnh của Khánh Hòa, xin ông cho biết về định hướng phát triển ngành này trong thời gian tới?
Khánh Hòa tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, tạo cơ sở nền tảng hướng tới mục tiêu nâng cấp Khánh Hòa thành thành phố trực thuộc Trung ương. Hoàn thiện hạ tầng thành phố Nha Trang theo hướng đồng bộ, hiện đại phục vụ mở rộng không gian đô thị. Nâng cấp đồng bộ Cảng Nha Trang thành cảng chuyên phục vụ du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Xây dựng tổ hợp hạ tầng Khu kinh tế Vân Phong, khu vực bán đảo Cam Ranh, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, phát huy các tiềm năng thế mạnh trên các địa bàn, bao gồm: cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong và hệ thống cảng biển; nâng cấp hiện đại hóa sân bay Cam Ranh. Xây dựng tuyến đường bộ, đường sắt cao tốc Nha Trang-TP. Hồ Chí Minh. Nâng cấp, cải thiện mạng lưới giao thông liên tỉnh, nội tỉnh; mở rộng mạng lưới điện, hiện đại hóa bưu chính viễn thông.
Đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng, đẳng cấp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất trong tăng trưởng. Xây dựng thành phố Nha Trang thành trung tâm du lịch quốc gia, thành phố sự kiện quốc tế. Đầu tư hình thành và phát triển các trọng điểm du lịch, xây dựng thương hiệu, phát triển đa dạng các loại hình du lịch, đầu tư nâng cấp chất lượng cơ sở hạ tầng, thương mại, dịch vụ, trung tâm mua sắm…. để phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
Công nghiệp cũng được xem là một trong những động lực lớn để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển, ông có thể khái quát về diện mạo ngành công nghiệp Khánh Hòa trong giai đoạn mới?
Khánh Hòa ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng tri thức, chất xám, công nghệ cao, sản xuất những sản phẩm tinh chế, hàng hóa xuất khẩu, từng bước nâng cao thị phần trong thị trường quốc tế. Thu hút đầu tư đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh như công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thuyền; công nghiệp cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng; chế biến nông, lâm, thủy sản; dệt may, da giày; sản xuất bia, nước giải khát … Đặc biệt chú trọng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao như điện tử-tin học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, ứng dụng và sản xuất phần mềm…
Thu hút đầu tư lấp đầy các khu công nghiệp Suối Dầu, Ninh Thuỷ, Vạn Ninh, Nam Cam Ranh và Bắc Cam Ranh và một số khu trong khu kinh tế Vân Phong. Đẩy mạnh tiến độ xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp vừa và nhỏ ở các thị xã Ninh Hòa, các huyện Vạn Ninh, Diên Khánh và hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh tạo mặt bằng thu hút thêm các dự án đầu tư. Chú trọng phát triển công nghiệp-TTCN, ngành nghề khu vực nông thôn, tạo nền tảng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Khánh Hòa cũng đẩy mạnh phát triển tổng hợp kinh tế biển, tập trung ưu tiên đầu tư, trước hết cho phát triển kinh tế hàng hải (vận tải, cảng biển, đóng và sửa chữa tàu biển); tiếp theo là kinh tế du lịch biển-đảo, kinh tế thuỷ sản (nuôi trồng, đánh bắt, chế biến hải sản). Đến năm 2020, sẽ đưa tỉnh Khánh Hòa trở thành địa phương mạnh về kinh tế biển, giá trị kinh tế biển chiếm 55% - 60% GDP toàn tỉnh, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của kinh tế biển chiếm 65% - 70%; đảm bảo vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo...
Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, việc phát triển nguồn nhân lực cũng như tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại sẽ được Khánh Hòa triển khai như thế nào, thưa ông?
Tỉnh Khánh Hòa sẽ chú trọng đào tạo lực lượng lao động khoa học, kỹ thuật có trình độ, đặc biệt trong các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh phát triển; hình thành đội ngũ lao động chất lượng cao. Nâng cao năng lực tổ chức, điều hành, đối ngoại, tầm nhìn xa, trông rộng của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, viên chức nhà nước. Đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật đáp ứng được nhu cầu lao động của các khu công nghiệp và phát triển ngành nghề trên địa bàn tỉnh. Nâng cao tính chuyên nghiệp, phong cách phục vụ văn minh, lịch sự của lực lượng lao động ngành du lịch, dịch vụ.
Tập trung đầu tư đổi mới kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ sạch, công nghệ thông tin.... tạo những đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực tổ chức, quản lý kinh tế-xã hội, khả năng hoạt động đối ngoại, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI