QUẢNG NINH

Doanh nghiệp là động lực của sự phát triển

15:58:32 | 7/2/2012

Trong thời gian vừa qua Liên minh Hợp tác xã và Doanh nghiệp ngoài quốc doanh ( HTX- DNNQD) tỉnh Quảng Ninh đã làm tốt vai trò của mình trong việc hỗ trợ các DN, HTX trên địa bàn tỉnh nói chung và các đơn vị thành viên nói riêng phát triển. Nhân dịp tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, tạp chí Vietnam business forum đã có cuộc trao đổi đồng chí Nguyễn Lương Tá, Chủ tịch Liên minh HTX-DNNQD, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Tỉnh. Lê Sáng thực hiện.

Ông đánh giá như thế nào về tình hình hoạt độngcủa các đơn vị thuộc liên minh trong thời gian qua? Theo ông, đâu là những mặt được và chưa được?

Vâng như anh đã biết Quảng Ninh được coi là động lực của vùng kinh tế Đông bắc, chứa đựng nhiều cơ hội phát triển, đầu tư. Với các tài nguyên than, đất sét, rừng và biển, đặc biệt là thế mạnh phát triển du lịch. Quảng Ninh cũng có một vị trí địa lý rất “đắc địa”, tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc, có 3 cửa khẩu và cảng biển nước sâu. Những yếu tố đó tạo điều kiện rất tốt để phát triển công nghiệp, thương mại và du lịch. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận trong thời gian qua các doanh nghiệp tại Quảng Ninh đang vướng vào thực trạng phát triển bề rộng chưa có chiều sâu, dẫn đến những khó khăn về môi trường, hạ tầng và nguồn nhân lực.Trong quá trình phát triển, nhiều nguồn tài nguyên vẫn chưa được khai thác hiệu quả, chủ yếu là khai thác các tài nguyên không tái tạo, nhiều khi là “lợi bất cập hại”.

Theo ông, những yếu tố giúp các doanh nhiệp nói riêng và kinh tế Quảng Ninh nói chung phát triển bền vững, hiệu quả đã được đáp ứng ra sao?

Vấn đề phát triển bền vững luôn là bài toán lớn không chỉ với Quảng Ninh mà đó là vấn đề mang tầm quốc gia. Tại Quảng Ninh, trong những năm vừa qua, các yếu tố mang tính chất nền tảng cho sự phát triển như hạ tầng, nguồn nhân lực, chiến lược phát triển đã được chú trọng và có những sự cải thiện tích cực. Tuy nhiên, xét về tổng thể thì bài toán phát triển bền vững của Quảng Ninh vẫn cần những lời giải mạch lạc và mang tầm chiến lược hơn. Yếu tố đầu tiên là hạ tầng của Quảng Ninh vẫn chưa đảm bảo “đi trước một bước”, là động lực kéo cả nền kinh tế đi lên. Vấn đề còn yếu và thiếu là kiến thức quản lý kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân, nguồn nhân lực, lao động có trình độ chưa cao, trong khi lao động phổ thông lại quá nhiều, có khi lao động được đào tạo ra lại không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, đó là bài toán về chất lượng đào tạo nguồn lực.

Hiện tại, các doanh nghiệp tại Quảng Ninh, bên cạnh những doanh nghiệp nhà nước lớn như than, điện, xi măng,… phát triển từ việc khai thác nguồn tài nguyên không tái tạo, còn lại chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, buôn bán nhỏ, san gạt mặt bằng,… Số doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp có hàm lượng chất xám tỷ trọng thấp. Từ đó, dẫn đến một thực trạng bề nổi thì rất phát triển nhưng thực chất thu nội địa của Quảng Ninh còn thấp.

Từ thực trạng đó, vấn đề phát triển bền vững tại Quảng Ninh được đặt ra là xuất phát từ điều kiện cụ thể từ nguồn tài nguyên có thể tái tạo là rừng, biển, các di sản thiên nhiên và văn hóa. Vì vậy, cần có những chính sách, phương pháp cụ thể để khai thác nguồn tài nguyên này để thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhìn xa hơn, việc phát triển kinh tế của Quảng Ninh, yếu tố quan trọng nhất là tạo điều kiện, môi trường cho các doanh nghiệp, chính họ mới là động lực, là nhân vật chính của phát triển kinh tế. Vì vậy cần có những chính sách phù hợp, xuất phát từ thực tế của vùng miền. Và yếu tố lớn nhất đặt ra ở đây chính là con người, từ nguồn nhân lực đến những nhà quản lý hoạch định chính sách, chính họ quyết định sự phát triển.

Trong thời gian tới Liên minh có những chủ trương và đề xuất cụ thể gì để hỗ trợ các đơn vị trong liên minh phát triển?

Trong thời gian tới Liên minh tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các DN, HTX. Với phương châm “Luôn lắng nghe và hành động kịp thời vì sự phát triển của DN, HTX”. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển HTX, DN như: Hỗ trợ công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức quản trị kinh doanh, kiến thức pháp luật, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ cho doanh nhân, doanh nghiệp; hỗ trợ tìm kiếm các nguồn vốn, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường; tăng cường sự hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động đối thoại, tham vấn ý kiến của các doanh nhân trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, tham gia đánh giá tác động của chính sách đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Liên minh tiếp tục kiến nghị với UBND tỉnh sớm thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển DNVVN, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; đề xuất, xây dựng và triển khai chương trình phát triển làng nghề trong khu vực nông thôn, các dự án đào tạo nghề nông thôn, xây dựng các mô hình HTX kiểu mẫu, mô hình HTX liên kết với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX xây dựng thương hiệu sản phẩm thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn sản xuất với thị trường của doanh nghiệp.