ĐIỆN BIÊN

Huyện Điện Biên Đông: Hướng đi mới để phát triển kinh tế

09:52:01 | 14/12/2012

Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao, những năm qua huyện Điện Biên Đông nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước và các cấp ngành tỉnh Điện Biên. Xác định được lợi thế của huyện vùng cao thích hợp cho phát triển nông – lâm nghiệp đặc biệt là chăn nuôi, huyện Điện Biên Đông cũng tận dụng và khai thác những tiềm năng đó và đặt mục tiêu phát triển chăn nuôi là một trong những định hướng góp phần xóa đói giảm nghèo của huyện nhà.

Những năm gần đây, cán bộ và nhân dân trong toàn huyện đã quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển ngành chăn nuôi. Hiện chăn nuôi chiếm trên 30% tỷ trọng trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Tổng đàn gia súc gần 80.000 con, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2011.

Có được kết quả đó, trước hết là do trong năm qua, huyện đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ từ con giống thuộc các chương trình dự án cho các hộ gia đình, thức ăn đến hỗ trợ kinh phí xây dựng chuồng trại, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ thuốc, vắc xin tiêm phòng, bảo vệ đàn gia súc. Tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân về hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Đồng thời, chú trọng trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. Xác định đây là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả trong phát triển chăn nuôi, huyện đã tích cực phối hợp, liên kết với các ngành, đơn vị chuyên môn mở lớp đào tạo, tập huấn kiến thức. Trong năm 2011, UBND huyện đã phối hợp với Trường Cao đẳng nghề, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, Công ty cổ phần Sao Diệu… mở hơn 10 lớp tập huấn kỹ thuật cho gần 500 nông dân về phòng, chữa bệnh cho lợn.

Thời gian qua, có thể khẳng định ngành chăn nuôi của Điện Biên Đông đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế huyện (thời điểm hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện còn 57,78%, giảm 4,03% so với cùng kỳ năm 2011). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc vẫn chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế trên địa bàn. Chưa có nhiều hộ phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn. Nhiều khu vực, người dân vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa đầu tư, quy hoạch phát triển có chiều sâu. Bên cạnh đó, một bộ phận dân cư sống rải rác, chăn thả gia súc theo tập quán thả rông gây khó khăn trong việc phát hiện và phòng trừ dịch, bệnh.

Từ những hiệu quả tích cực mà ngành chăn nuôi đem lại trong những năm qua, huyện Điện Biên Đông đặt mục tiêu phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa với tốc độ tăng trưởng đàn gia súc hàng năm đạt trên 4%. Qua đó góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn như mục tiêu Nghị quyết 30a đã đề ra. Trong thời gian tới, huyện cần có những kế hoạch cụ thể để chăn nuôi gia súc, với tiềm năng vốn có sẽ góp phần giúp Điện Biên Đông, thoát khỏi tình trạng “đặc biệt khó khăn” trong tương lai không xa.

PV