HƯNG YÊN

Phù Cừ với bài toán phát triển bền vững và hiệu quả

14:23:22 | 3/8/2016

Khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, Phù Cừ đang đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Huyện cũng đang quy hoạch một số cụm công nghiệp (CCN), khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Xung quanh bài toán phát triển bền vững và hiệu quả, Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Trần Minh Hải-Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ. Ngô Khuyến thực hiện.

Xin ông cho biết những điểm nhấn phát triển nổi bật của huyện Phù Cừ đến năm 2020 ?

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phù Cừ lần thứ 25, nhiệm kỳ 2015-2020, UBND huyện đã, đang tham mưu triển khai 5 Chương trình và 3 Đề án phát triển. Các Chương trình, Đề án đề cập tương đối toàn diện các lĩnh vực KT-XH song trọng tâm là Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị hàng hóa với nội dung cốt lõi: Tăng cường chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến nông và cơ giới hóa gắn với phát huy hiệu quả trong thực hiện dồn thửa đổi ruộng, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa sạch, chất lượng cao, vùng chuyên canh cây rau màu củ quả có giá trị kinh tế cao và bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn 2016-2020, Phù Cừ cũng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Một điểm nhấn nữa là Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ giai đoạn 2015-2020 với mục tiêu đề ra đến năm 2020 lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm 37% GDRP (tăng 23%/năm), thương mại dịch vụ chiếm 38% GDRP (21%/năm) trong cơ cấu kinh tế, đồng thời xây dựng 1-2 CCN và thu hút thêm trên 15 dự án đầu tư mới.


Ông có thể cho biết quá trình triển khai, kết quả đạt được về cải cách hành chính (CCHC) sau 4 năm thực hiện Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 20/02/2012 về CCHC Nhà nước tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2012-2015 và 2 năm thực hiện Chỉ thị 06/CT-UBND ngày 18/7/2014 về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020?

Với tinh thần chủ động và sự vào cuộc sát sao nên đến nay công tác CCHC của huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Bộ máy làm công tác thực hiện cải cách TTHC từ huyện đến cơ sở được kiện toàn, nâng cao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu giải quyết công việc của công dân và tổ chức. Các hoạt động khác về cải cách thể chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 được triển khai nghiêm túc, có hiệu quả. Song hành với các TTHC được công khai minh bạch, kỷ luật kỷ cương hành chính được nâng cao, cơ chế một cửa hoạt động có hiệu quả cao. Trong giai đoạn 2011-2014, huyện chỉ có chỉ số CCHC thuộc trung bình của tỉnh nhưng đến năm 2015 được UBND tỉnh đánh giá là huyện đứng đầu khối các huyện, thành phố trong tỉnh về chỉ số CCHC.

Ngày 7/6/2016, "Vải lai chín sớm Phù Cừ" trở thành sản phẩm nông nghiệp thứ sáu của tỉnh Hưng Yên được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá, là tín hiệu tích cực cho nền nông nghiệp huyện nhà. Vậy huyện đang thực hiện giải pháp nào để tiếp tục mở rộng sản xuất, đưa sản phẩm “Vải lai chín sớm Phù Cừ” cũng như các sản phẩm nông nghiệp đem lại giá trị và hiệu quả kinh tế lớn hơn nữa?

Để nhãn hiệu “Vải lai chín sớm Phù Cừ” và các sản phẩm nông nghiệp của địa phương được phát huy hiệu quả và phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung vào một số giải pháp sau:

Trước hết là tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; đồng thời giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các yêu cầu về quy trình kỹ thuật sản xuất vải được khuyến cáo, cũng như việc đảm bảo về đặc tính, chất lượng của vải quả khi sử dụng nhãn hiệu được chứng nhận,  tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Huyện cũng tiếp tục hỗ trợ chuyển giao, hướng dẫn người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch sản phẩm nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của các sản phẩm gắn với tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu và lựa chọn những loại cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để tập trung mở rộng diện tích;  tạo điều kiện thuận lợi cho các DN chế biến, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Ngoài ra, Phù Cừ sẽ tích cực thực hiện quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, quy mô lớn theo mô hình cánh đồng mẫu, chăn nuôi trang trại an toàn sinh học... để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với việc mở rộng diện tích gieo trồng các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, có thế mạnh và giá trị kinh tế cao của huyện.

Ngày 22/6/2016, huyện Phù Cừ tổ chức công bố quy hoạch CCN Trần Cao - Quang Hưng.  Vậy DN đầu tư vào địa bàn sẽ được huyện tạo thuận lợi ra sao, thưa ông?

Việc CCN Trần Cao-Quang Hưng được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết là điều kiện quan trọng để huyện đẩy mạnh thu hút phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp,  tạo việc làm cho lao động.

Lãnh đạo huyện luôn xác định: sự phát triển lớn mạnh của DN và đội ngũ doanh nhân chính là sự phát triển của huyện với quan điểm “DN phát tài, địa phương phát triển”. Khi đầu tư vào địa bàn huyện, DN như được hưởng các ưu đãi về chính sách tiền thuê đất, tiền thuế; được sự hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan để đầu tư vào địa bàn; được đảm bảo về an ninh, trật tự an toàn xã hội...

Đối với những khó khăn, vướng mắc của DN, trong phạm vi thẩm quyền, UBND huyện sẽ tập trung chỉ đạo các ngành chức năng giải quyết nhanh chóng, kịp thời để các DN yên tâm sản xuất kinh doanh; các vấn đề vượt thẩm quyền, huyện sẽ tiếp thu, tổng hợp và có kiến, kiến nghị kịp thời với các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh.