Mỹ Hào trong những năm qua trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư, trở thành địa bàn trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh Hưng Yên, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ cũng như quá trình đô thị hoá nhanh chóng. Mỹ Hào đã được Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV từ cuối năm 2014 và đang tích cực thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đạt tiêu chuẩn đô thị loại 3. Ông Đỗ Minh Tuân - Chủ tịch UBND huyện Mỹ Hào có buổi trao đổi với phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum xung quanh vấn đề này.
Mỹ Hào đang tích cực triển khai các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần XXV nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó trọng tâm là sớm hoàn thành Đề án xây dựng Mỹ Hào thành thị xã công nghiệp - dịch vụ; phấn đấu đến năm 2020, đủ các tiêu chí của một đô thị loại 3. Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, chính quyền huyện đang tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp nào?
Để triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXV nhiệm kỳ 2015-2020, UBND huyện hiện đang tích cực tham mưu cho Huyện ủy xây dựng 5 Chương trình, 8 Đề án phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đặc biệt xây dựng thị xã Mỹ Hào thành đô thị loại III vào năm 2020. UBND huyện cũng giao các phòng, ban, ngành rà soát các quy hoạch để bổ sung, điều chỉnh từng giai đoạn, đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm phù hợp.
Trước hết, Mỹ Hào sẽ tập trung việc hoàn thiện quy hoạch đất đai, làm cơ sở cho việc triển khai các quy hoạch khác, trọng tâm là rà soát, bố trí lại các khu đô thị, công nghiệp, nông nghiệp tập trung. Huyện đang tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực và kinh nghiệm như Hòa Phát, HUD, Lạc Hồng, Yên Sơn,… cùng tham gia vào việc quy hoạch cũng như đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các khu đô thị đã được phê duyệt. Song hành với đó là việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đôn đốc nhà đầu tư bố trí các nguồn lực tài chính, phương tiện, nhân lực hoàn thiện hạ tầng các khu đô thị, tạo điểm nhấn cho sự phát triển thị xã trong tương lai.
Đối với việc phát triển công nghiệp và các KCN, bên cạnh thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư dự án mới, trên địa bàn huyện hiện đã hình thành một số KCN tập trung như: Phố Nối A, Thăng Long II, Dệt may, Minh Quang, Minh Đức và một số cụm, điểm CN, đã thu hút 188 doanh nghiệp đầu tư. Để tiếp tục tạo thuận lợi cho quá trình triển khai dự án, huyện tiếp tục tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời giải quyết các vấn đề về lao động, giao thông, môi trường tốt nhất để doanh nghiệp triển khai các dự án. Bên cạnh đó, huyện cũng phối hợp các sở, ngành, nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên giám sát chặt chẽ đồng thời kiến nghị có chế tài mạnh đối với doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.
Trong thời gian tới, Mỹ Hào cũng đẩy mạnh việc tái cơ cấu, quy hoạch lại phát triển lĩnh vực nông nghiệp phục vụ cho công nghiệp và đô thị. Đối với các vùng đã được xác định quy hoạch phát triển nông nghiệp, huyện sẽ đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đặc biệt là xây dựng và thực hiện đề án sản xuất nông nghiệp hàng hóa; tập trung vào giống lúa chất lượng cao như nếp Hưng Yên, Bắc thơm số 7, RVT… (đến nay diện tích lúa chất lượng cao đã đạt 85%). Trong thời gian gần đây, 5 trạm bơm với tổng công suất 300 nghìn m3/h cũng đã được đầu tư, phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dân sinh.
Một nhiệm vụ trọng tâm nữa cũng được triển khai là việc rà soát, đầu tư hệ thống tiêu thoát nước cho các khu vực đô thị và nông thôn. Huyện sẽ tập trung chỉnh trang hạ tầng một số thôn, xã tại thị trấn Bần Yên Nhân, Nhân Hoà, Dị sử, Phùng Chí Kiên để làm mô hình điểm đạt tiêu chí để trở thành đô thị loại III. Việc lập dự án tiêu thoát nước cho các khu vực dân cư, công nghiệp tại khu trung tâm được tiến hành đồng thời với việc tiêu thoát nước và tưới tiêu cho nông nghiệp. Mỹ Hào cũng đã đầu tư mua sắm các loại máy, trang thiết bị thành lập tổ vệ sinh môi trường các xã, đã tổ chức 77 tổ vệ sinh môi trường tự quản và 95 điểm tập trung rác thải, tạo thuận lợi cho việc quản lý môi trường sạch đẹp hơn.
Ngoài ra, Mỹ Hào sẽ huy động các nguồn lực đầu tư các công trình phúc lợi: điện, nước sạch, cây xanh, ánh sáng và hoàn thiện các dự án như nâng cấp vỉa hè, cây xanh, hoàn thiện nhà văn hóa các thôn xã, tiếp tục triển khai chương trình kiên cố hóa trường lớp học, trạm y tế và Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới,.. góp phần hoàn thiện tiêu chí đô thị loại III vào năm 2020.
Mỹ Hào nằm trên trục kinh tế trọng điểm Hà Nội-Hải Phòng, liền kề với nhiều đô thị lớn Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương,.. Vậy vị trí, vai trò và đặc trưng của thị xã Mỹ Hào trong tương lai được xác định ra sao?
Từ một vùng đất thuần nông, giờ đây trên địa bàn huyện có 188 dự án được phê duyệt đầu tư, trong đó 150 dự án đã hoạt động, thu hút 25 nghìn lao động. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 của huyện đạt 11.163,8 tỷ đồng; tổng thu ngân sách trên địa bàn (cả thu xuất nhập khẩu của Hải quan) là 3.800 tỷ đồng, chiếm 50% số thu của tỉnh. Đại hội Đảng bộ huyện Mỹ Hào nhiệm kỳ 2015-2020 đánh giá, tỷ trọng sản xuất công nghiệp những năm qua đã ở ngưỡng cao, cho nên nhiệm kỳ này cần có sự điều chỉnh hợp lý, đó là nâng tỷ trọng dịch vụ; trong phát triển công nghiệp phải gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm tốt các vấn đề an sinh, trật tự an toàn xã hội. Từ đó, cơ cấu kinh tế của huyện được xác định là công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 58%, dịch vụ 38%, nông nghiệp còn 4%. So với nhiệm kỳ trước, huyện đã điều chỉnh giảm 9% tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; nâng tỷ trọng dịch vụ thêm gần 10%.
Thị trấn Bần Yên Nhân được thành lập năm 1989. Địa danh Mỹ Hào với lõi Bần Yên Nhân có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển không chỉ của tỉnh Hưng Yên mà còn của cả vùng Đồng bằng Bắc Bộ, được biết đến là vùng đất trù phú, có những nghề gia truyền đặc sắc (tương Bần, đồ mộc Hòa Phong); là vùng đất giàu truyền thống hiếu học, truyền thống cách mạng. Thị xã Mỹ Hào trong tương lai với nền tảng là thị trấn Bần Yên Nhân mở rộng (thị trấn Bần Yên Nhân; 05 xã Nhân Hòa, Dị Sử, Phùng Chí Kiên, Bạch Sam, Minh Đức và một phần của xã Phan Đình Phùng) đã phát triển nhanh chóng, gắn kết các khu vực lân cận huyện thành một vùng đô thị có vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại dịch vụ, chịu ảnh hưởng tích cực của các đô thị động lực xung quanh như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương thông qua các hành lang kinh tế, các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất; là đầu mối giao thông của vùng Đồng bằng Bắc bộ với các tuyến Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cảng Hải Phòng và cảng hàng không Nội Bài.