11:21:42 | 25/10/2017
Chăm sóc sức khỏe của người dân và sự hài lòng của người bệnh là mục tiêu lớn nhất mà ngành y tế Đà Nẵng hướng tới. Đi theo đó thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ y tế, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của địa phương cũng đang dần được cải thiện đáng kể.
Trong năm 2016 và những năm trước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, các đơn vị ngành y tế TP. Đà Nẵng đã quán triệt chủ trương “Phát triển đồng thời y tế phổ cập và y tế chuyên sâu”, thực hiện quan điểm “kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc”. Các đơn vị đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm với chất lượng ngày càng tăng. “Đặc biệt, ngành cũng đã chủ trương triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 06/2007/CT-BYT và Chương trình 527/Ctr-BYT về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh vì mục tiêu hài lòng của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế. Không chỉ có thế, các đơn vị cũng thực hiện các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT vào quản lý, rút ngắn thời gian chờ đợi, giảm phiền hà cho bệnh nhân” – bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP. Đà Nẵng cho biết.
Song song với đó, với tinh thần nêu cao “Y đức”, đơn vị đã thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động mang tính tuyên truyền, đi sâu vào thực tiễn như “Người thầy thuốc nói lời hay, làm việc thiện”; hay “Hễ còn bệnh nhân than phiền là chưa thương yêu bệnh nhân hết lòng”… Chính nhờ vậy mà, trong năm 2016, ngành đã đạt một số chỉ tiêu đáng khích lệ như mức giảm tỷ lệ sinh đạt 0,20%; tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 – 2020 là 100%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,3%....
Đà Nẵng là thành phố đang trên đà phát triển toàn diện, đi liền với đó là mức sống của người dân cũng ngày càng được nâng lên. Điều đó tất yếu đòi hỏi ngành y tế không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh mà còn phải đáp ứng những yêu cầu khác hết sức khắt khe. Và cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng Thành phố vẫn còn nhiều khó khăn khi tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Yến nhấn mạnh: “Chúng ta chưa có mô hình y tế tiền lệ phù hợp nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đối mặt với cơ chế thị trường, người thầy thuốc bên cạnh động cơ nhân đạo và khoa học còn có động cơ về lợi ích. Nhưng trong khi đó chính sách động viên, khuyến khích cho thầy thuốc còn hạn chế; chưa có chế độ đãi ngộ, chế độ tiền lương không bảo đảm tái đầu tư sức lao động, làm giảm sút tinh thần cống hiến. Sự tiến bộ như vũ bão của khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong chẩn đoán điều trị; sự chuyển đổi mô hình bệnh tật cộng với sự xuất hiện các bệnh dịch mới nổi và nguy hiểm, những yếu tố này đòi hỏi, người thầy thuốc phải không ngừng học tập, cập nhật kiến thức và kỹ năng chuyên môn”.
Chính vì nhận thức được điều này, bản thân ngành y tế Đà Nẵng phải chú trọng vào 4 nhóm cơ bản. Trước hết là giáo dục tư tưởng, để kết hợp giáo dục y đức - tính chuyên môn trong y học. Nâng cao yếu tố Tổ chức - Nhân lực - Đào tạo; cụ thể, nâng qui mô và hoàn thiện hệ thống bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, bảo đảm nguồn nhân lực đủ về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng; phối hợp với các cơ sở đào tạo khác tổ chức các lớp đào tạo cán bộ sau đại học, cán bộ y tế chuyên ngành nhằm đáp ứng nhu cầu về cán bộ y tế tại thành phố...
Đến nay, kinh nghiệm nối tiếp kinh nghiệm, thực tiễn bổ sung lý luận, y tế Đà Nẵng dần khẳng định mình trong nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân bằng con đường xã hội hóa. Điểm đáng nói đầu tiên là các đoàn thể chính trị xã hội cũng luôn quan tâm hỗ trợ, nhất là sự đóng góp của cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Người dân đã có kiến thức và ý thức hơn trong việc chăm lo, tự bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Cùng với đó là qui mô của thực hiện liên doanh, liên kết trong các đơn vị y tế công lập đã được thực hiện từ thành phố đến quận huyện, góp phần hiện đại hóa trang thiết bị trong chẩn đoán. Không thể không kể đến Đề án 1816 của Bộ Y tế chính là bước ngoặt quan trọng và cấp thiết trong tình hình hoạt động hiện nay. Nhờ vậy các tuyến bệnh viện tại địa phương có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, không ngừng lớn mạnh và phát huy được năng lực vốn có.