ĐÀ NẴNG

Tìm phương án tối ưu cho vấn đề quy hoạch cảng biển

09:57:18 | 19/12/2019

Mới đây, UBND TP.Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo Phương án quy hoạch cảng biển trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Hội thảo đã thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước với rất nhiều ý kiến đóng góp, phản biện xung quanh vấn đề: nên đầu tư cảng Liên Chiểu hay mở rộng cảng Tiên Sa.

Tham dự Hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam, các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế bao gồm đại diện thành phố Yokohama, Nhật Bản, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Công ty Royal Haskoning DHV (Hà Lan) cùng với sự tham dự của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, đơn vị tư vấn, quy hoạch trong và ngoài nước, các lãnh đạo sở, ban, ngành thành phố Đà Nẵng.

Đối với phương án quy hoạch cảng biển trên địa bàn TP.Đà Nẵng, Liên danh Subana Jurong Consultants PTE LTD và Công ty Sakae Corporate Advisory - đơn vị tư vấn Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã có báo cáo đề xuất phương án chỉ nên mở rộng cảng Tiên Sa và không phát triển cảng Liên Chiểu. Theo đó là các giải pháp về giao thông gồm giải tỏa để khơi thông âu thuyền Thọ Quang nối qua Sông Hàn; luồng tàu hàng vào âu thuyền Thọ Quang ra sông Hàn đi qua dưới cầu Thuận Phước; kết nối giao thông cảng Tiên Sa vào cao tốc và đường sắt mới thông qua việc hình thành tuyến đường sắt và đường bộ trên cao đi vào khu vực đường Đống Đa nối vào Điện Biên Phủ; phân luồng tàu du lịch đi bên ngoài, tiếp cận đến Cồn Mân Quang là bến tàu du lịch; sử dụng cầu Thuận Phước và đường Nguyễn Tất Thành để lưu thông. Không đề xuất cảng Liên Chiểu do nguy cơ cao hủy hoại môi trường sinh thái Vịnh Đà Nẵng bởi 2 luồng tàu ra vào các cảng, nạo vét luồng tàu nối thông 2 cảng, cản trở tầm nhìn vào thành phố từ đèo Hải Vân.

Tại Hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đã có nhiều ý kiến xung quanh đề xuất này. Đại diện Bộ Giao thông Vận tải đã phát biểu: Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 đã xác định tập trung phát triển 3 trụ cột chính: Du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển; chú trọng phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn của thành phố trong đó bao gồm cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics .

Ngoài ra, Cảng Liên Chiểu đã được quy hoạch trong quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển Trung Trung bộ (Nhóm 3) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 2369/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 của Bộ Giao thông Vận tải với mục tiêu phát triển khu bến Liên Chiểu đảm nhận vai trò khu bến chính của cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực miền Trung, tiếp nhận tàu trọng tải 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 TEU đến 8.000 TEU. Đơn vị tư vấn cần phân tích các yếu tố khác như: dự báo hàng hóa, năng lực thông quan, đầu tư từ Nhà nước, đầu tư từ địa phương cho các giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2045, đánh giá các vấn đề liên quan đến logistics, giao thông, môi trường, an ninh - quốc phòng... trước khi đề xuất phương án lựa chọn về việc phát triển cảng biển Đà Nẵng.

Cũng tại Hội thảo, ý kiến các đại biểu tham dự cho rằng, chưa nghiên cứu, phân tích một cách toàn diện, kỹ càng, chưa đưa ra các luận chứng, chứng cứ, dữ liệu khoa học đầy đủ để so sánh giữa 2 cảng biển, vì vậy phương án đề xuất phát triển cảng Tiên Sa chưa đầy đủ thông tin, thiếu luận cứ để thuyết phục về tính khả thi. Với tình hình thực tế hiện nay về cơ sở hạ tầng hiện hữu xung quanh cảng Tiên Sa, đơn vị tư vấn cần làm rõ tính khả thi của phương án tiếp tục mở rộng cảng Tiên Sa để đảm bảo mục tiêu xây dựng cảng này phát triển trở thành cảng trung chuyển quốc tế của khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể, quy mô của cảng tại Tiên Sa khó đáp ứng cho quy mô quy hoạch cảng Đà Nẵng là cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung loại IA do không có quỹ đất phục vụ dịch vụ logistics, cũng như không đáp ứng được mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng, cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá. Việc mở rộng quỹ đất hậu cần cảng đảm bảo cho việc phát triển Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm, đáp ứng lượng hàng thông qua gần 28 triệu tấn/năm vào năm 2030 và các năm tiếp theo đặt ra vấn đề giải tỏa dân cư rất lớn. Cần phân tích rõ tính khả thi về nguồn vốn để thực hiện việc mở rộng khu hậu cần cảng cho cảng Tiên Sa (kinh phí di dời, đền bù giải tỏa, tái định cư, kinh phí xây dựng hạ tầng giao thông…).

Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cũng đã có ý kiến ủng hộ thành phố Đà Nẵng triển khai xây dựng cảng Liên Chiểu. Ông Phan Văn Chương, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật thành phố Đà Nẵng khẳng định thành phố đã nghiên cứu cảng Liên Chiểu từ rất lâu, Nhà nước, Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư rồi thì đây là cơ hội để thành phố triển khai thực hiện ngay.

Còn ông Nguyễn Hữu Sia, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng cho rằng:“Muốn làm giàu thì nhắm tới logistics, chắc chắn thu nhiều hơn nguồn thu từ du lịch bội phần. Và đã nhắm logistics thì phải triển khai dự án cảng Liên Chiểu ngay và luôn, để đến năm 2025, chuyển hàng hoá từ cảng Tiên Sa sang cảng Liên Chiểu, khi cảng hiện nay sắp chạm ngưỡng “quá tải” công suất của một cảng đã “già”.

Cảng Liên Chiểu được quy hoạch kết nối trực tiếp với tuyến hành lang kinh tế Đông -Tây, làm động lực cho phát triển khu vực Tây Bắc của thành phố, tạo thuận lợi cho việc phát triển khu đô thị cảng với những dịch vụ tài chính ngân hàng, bảo hiểm, logistic… Về mặt pháp lý, cảng Liên Chiểu đã có trong quy hoạch của Trung ương và đã được đưa vào Nghị quyết của thành phố. Nhưng theo ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng thì việc quan trọng không phải là cảng Liên Chiểu đã đưa vào Nghị quyết thì không thể bỏ được. Nếu cần thì vẫn phải thay đổi. Quan trọng là cần phương án nào tối ưu với tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế biển của vùng chứ không phải riêng cho Đà Nẵng; phát triển cảng biển phải liên kết với các địa phương trong khu vực, nên bỏ tư duy mạnh ai nấy làm như lâu nay.

Ông Đặng Việt Dũng cũng khẳng định, cảng Đà Nẵng là một cụm cảng, là cửa ngõ mang tính quốc tế, việc phát triển cảng Đà Nẵng ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, cấu trúc đô thị, mạng lưới giao thông và nhiều vấn đề liên quan. Vì vậy, ông đề nghị đơn vị tư vấn cần bổ sung các luận cứ để lựa chọn phương án tối ưu đưa vào quy hoạch chung của thành phố.n

Duy Hạnh