LONG AN

Ứng dụng công nghệ cao, gia tăng giá trị nông sản

14:46:07 | 10/7/2020

Trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0, ngành nông nghiệp (NN) Long An đã không ngừng chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất NN góp phần gia tăng giá trị cho nông sản thế mạnh của địa phương. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Long An. Mạnh Dũng thực hiện.

Ông có thể cho biết kết quả thực hiện các chỉ tiêu về phát triển ngành NN tỉnh thời gian qua?

Tự hào mà nói, thời gian qua dưới sự chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành NN Long An tiếp tục có những đột phá, giữ vai trò “trụ đỡ", góp phần duy trì đà tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Năm 2019, dù đối mặt nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu cũng như dịch bệnh, ngành NN Long An vẫn tăng trưởng 2,64%. Trong đó sản lượng lúa đạt 2.769.000 tấn (riêng lúa chất lượng cao đạt 1.370.000 tấn, tăng 70.000 tấn so với năm 2018). Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa cũng có những chuyển biến tích cực: Chanh đạt 156.000 tấn, tăng 19.000 tấn so với năm 2018; thanh long đạt 317.000 tấn, tăng 53.000 tấn; rau màu các lại đạt 222.000 tấn, tăng 11.000 tấn; thủy sản các loại cũng tăng 4.600 tấn so với năm 2018.

Công tác xây dựng Nông thôn mới (NTM) cũng đạt nhiều kết quả tốt, có 77 xã NTM, chiếm tới 46,4% số xã toàn tỉnh. Năm 2020 Long An sẽ phấn đấu đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM lên thành 83.

Long An xác định ứng dụng công nghệ vào sản xuất để gia tăng giá trị nông sản. Vì vậy, công tác quản lý chất lượng, vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm được tập trung thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 22 điểm bán nông sản an toàn và 17 chuỗi cung cấp thực phẩn an toàn. Long An đã và đang triển khai mở rộng vùng trồng lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Toàn tỉnh có 369,5 ha lúa, 114,11 ha rau và 537,1 ha quả được chứng nhận. Ngoài ra trên địa bàn đã có 3 cơ sở chăn nuôi và 2 hộ nuôi thủy sản được chứng nhận VietGap; 9.897 ha thanh long, 3.362 ha dưa hấu, 190 ha chuối được cấp mã số vùng trồng; 120 cơ sở đóng gói hoa quả được cấp mã số…

Thành quả này được tạo dựng nhờ sự phối hợp có hiệu quả từ các sở, ban ngành và nông dân. Trong đó, khẳng định vai trò người lãnh đạo trong việc đánh giá tầm quan trọng của việc cơ cấu lại ngành NN; xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc; khơi dậy và huy động được các nguồn lực đầu tư của toàn xã hội.Vụ Đông Xuân 2019-2020, mặc dù tình trạng hạn mặn khắc nghiệt nhưng với sự chủ động ứng phó của ngành NN Long An đã hạn chế rất nhiều thiệt hại. Long An luôn đề cao việc tổ chức sản xuất, hướng dẫn, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tế sản xuất. Nhiều mô hình, cách làm hay được nông, ngư dân ứng dụng thành công trong sản xuất. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất, mà còn tạo ra những sản phẩm sạch, mang giá trị tích cực về xã hội và môi trường.

Để tiếp tục phát triển NN, đặc biệt về công tác chuyển giao công nghệ, giống nuôi, giống cây trồng, sản xuất tập trung... ngành đã có những giải pháp gì, thưa ông?

Thực tế mà nói, việc quy hoạch nông ngư nghiệp tỉnh vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Vì sớm nhận thức được điều này, ngành xác định sẽ rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực sản phẩm chủ lực cho phù hợp với thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung xây dựng vùng nguyên liệu tập trung. Nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân trong việc quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch. Tạo sự kết nối sản xuất NN với công nghiệp chế biến, xuất khẩu, đạt các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về an toàn thực phẩm.

Chú trọng vào hoạt động xây dựng vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích phát triển việc liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng gia trại, trang trại, sản xuất hàng hóa lớn. Bên cạnh đó, để đảm bảo hoạt động hiệu quả, không thể bỏ sót công tác đầu tư hạ tầng, cơ sở sản xuất.

Thời gian qua, ngành luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm cho người dân. Cụ thể là thông qua những dự án thiết thực như tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân vùng dự án và lân cận tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng, tăng thu nhập. Hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận nguồn vốn, để có cơ sở thực hiện mô hình. Hình thành nên tổ hợp tác, hợp tác xã - “kênh” đưa sản phẩm địa phương được tăng cao đến gần hơn với khách hàng. Vì vậy mà những nông sản thế mạnh như: lúa gạo chất lượng cao, gạo nàng thơm Chợ Đào, dưa hấu Long Trì, dứa Bến Lức, đậu phộng Đức Hòa, thanh long Tầm Vu Châu Thành.. đã ngày càng được gia tăng giá trị.

Hoạt động hợp tác liên kết với các tổ chức, viện nghiên cứu NN trong nước và quốc tế thời gian qua được tỉnh thực hiện như thế nào?

Để từng bước cải tiến công nghệ đưa vào thực tiễn, ngành cũng đã phối hợp với một số tổ chức, viện nghiên cứu NN trong nước và quốc tế như Trung tâm CAFIS, Tổ chức WWF, Tổ chức FAO, Tổ chức GIZ… thực hiện nhiều dự án quan trọng, tạo điều kiện để cán bộ và người dân tham dự, hướng đến tạo nên những sản phẩm mang tính hiệu quả và bền vững.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum