QUẢNG BÌNH

Huyện Bố Trạch: Vững nền tảng, chắc tương lai

10:22:03 | 29/7/2020

Nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế và làm bật dậy lợi thế, tiềm năng, trong nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Bố Trạch đã triển khai đồng bộ, hiệu quả 3 chương trình, 9 đề án phát triển kinh tế - xã hội và đạt được kết quả đáng khích lệ; qua đó tạo được nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.

Hiệu quả từ các chương trình, đề án

Là huyện có diện tích rộng thứ 3 cả nước (2.115,5 km2), Bố Trạch như một Quảng Bình, một Việt Nam thu nhỏ, nằm trải rộng từ Tây sang Đông với 54km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Lào (có cửa khẩu Cà Roòng - Noọng Ma), 24km bờ biển (có bãi tắm Đá Nhảy, Thanh Trạch cảnh quan tươi đẹp, có Cảng Gianh sầm uất). Không chỉ nằm giữa 2 đô thị năng động của tỉnh là thành phố Đồng Hới và thị xã Ba Đồn, Bố Trạch còn hội tụ nhiều tuyến đường huyết mạch chạy qua như: Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc-Nam và các tuyến đường tỉnh, huyện tạo nên mạng lưới giao thông ngang - dọc liên hoàn. Đặc biệt, với danh thắng nổi tiếng Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng từng được UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới lần 2, Bố Trạch như một bức tranh sơn thủy vốn hữu tình lại có thêm điểm nhấn sinh động.

Tuy vậy, với xuất phát điểm thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên khát vọng làm bật dậy lợi thế, tiềm năng giúp người dân thoát nghèo và đưa Bố Trạch giàu mạnh được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện quan tâm thực hiện nhiều năm qua. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, huyện đã triển khai 3 chương trình hành động: Chương trình 05 về phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020;Chương trình 06 về phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020;Chương trình 07về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội huyện, giai đoạn 2016-2020... Đây là 3 chương trình đề cập đến các vấn đề phát triển then chốt hiện nay được huyện tập trung thực hiện cùng 9 kế hoạch, đề án trọng tâm, đột phá giai đoạn 2016-2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới.

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong 5 năm qua triển khai, các chương trình, đề án đều đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể với Chương trình phát triển sản xuất, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững, bình quân hàng năm giải quyết việc làm mới cho 3.780 lao động, đưa 6.000 người xuất khẩu lao động, hỗ trợ 9,6 tỷ đồng tiền điện; cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho 100% hộ nghèo...; qua đó giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4% và hộ cận nghèo còn 5,8%. Đối với chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện đã tập trung huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư xây dựng hơn 400 công trình với nguồn vốn trên 1.560 tỷ đồng, tạo nên hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại có tính kết nối cao giữa các vùng, miền.

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, huyện đã quyết liệt thực hiện 2 đề án về Phát triển chăn nuôi và Chuyển đổi cơ cấu cây trồng và con nuôi thủy sản giai đoạn 2016 - 2020. Sau gần 5 năm triển khai, tình hình phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và chuyển đổi cơ cấu cây trồng có nhiều kết quả tích cực; diện tích thực hiện cánh đồng lớn đạt 3.980 ha, lợi nhuận tăng 20%; đã chuyển đổi hàng trăm ha diện tích đất lúa kém hiệu quả vùng gò đồi sang các loại cây trồng có hiệu quả; cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm 71% diện tích. Toàn huyện cũng phát triển được 79 trang trại chăn nuôi theo tiêu chí mới.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, các đề án phát triển đô thị được quan tâm, thực hiện có hiệu quả. Đến nay, diện mạo kinh tế- xã hội của 28 xã, thị trấn trên địa bàn đều có sự chuyển biến tích cực; 15/25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, khu vực thị trấn Hoàn Lão mở rộng được nâng cấp đô thị loại IV và thành lập thị trấn Phong Nha. Thu nhập bình quân đầu người đạt 48,1 triệu đồng/năm; thu ngân sách năm 2019 đạt 526 tỷ đồng (đạt 163% kế hoạch); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội (2016-2020) đạt 18.060 tỷ đồng...

Bí thư Huyện ủy Bố Trạch Đinh Hữu Thành nhấn mạnh: Việc triển khai thành công các chương trình, kế hoạch hành động trong nhiệm kỳ lần này sẽ tạo nền tảng thúc đẩy nền kinh tế - xã hội huyện nhà trong những năm tới.

Tạo đột phá phát triển du lịch

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bố Trạch lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã khẳng định: “phát triển dịch vụ là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, trong đó phát triển du lịch là hướng đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời kỳ mới”. Thời gian qua, cùng với thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Chương trình hành động về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020, huyện cũng đề xuất UBND tỉnh và các sở, ngành thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi; kêu gọi đầu tư và liên kết các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch.

Bố Trạch đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch với nhiều hình thức đa dạng như: Phối hợp tổ chức Lễ hội hang động Quảng Bình năm 2017, 2018, 2019; tổ chức thành công đêm thi trang phục dân tộc; thực hiện quảng bá trên trang điện tử du lịch lớn nhất thế giới TripAdvisor…; tổ chức các lễ hội đua thuyền trên Sông Son, Sông Lý Hòa…; phối hợp với đoàn làm phim VTV, VTC1, QBTV và các đoàn làm phim quốc tế thực hiện các cảnh quay trong ký sự sông Son, sông Gianh, sông Lý Hòa, Hành trình di sản, các cảnh đẹp ở Phong Nha - Kẻ Bàng, Đá Nhảy… nhằm giới thiệu đất, người Bố Trạch đến với du khách trong nước và quốc tế.

Huyện cũng chú trọng đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên cơ sở tiếp tục phát huy các tài nguyên ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, du lịch sinh thái gắn với hoạt động bảo tồn (suối nước Moọc, Sông Chày - Hang Tối, Thung Lũng Sinh Tồn, Thác Gió,...); du lịch văn hóa - lịch sử (hệ thống di tích đường 20 Quyết Thắng, các lễ hội của các bản làng dân tộc...); du lịch mạo hiểm…. Bên cạnh duy trì sản phẩm du lịch truyền thống, các đặc sản làng nghề như rượu Vạn Lộc, nón lá Mỹ Trạch, tiêu Phú Quý…, huyện đã thành lập 4 câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật truyền thống gồm CLB dân ca truyền thống xã Phú Trạch, CLB dân ca huyện Bố Trạch, CLB Tuồng bội Khương Hà, CLB văn hóa dân gian xã Nhân Trạch. Các hình thức du lịch cộng đồng homestay, farmstay được khuyến khích và ngày càng phát triển mạnh, đã thu hút nhiều du khách quốc tế.

Bên cạnh đó, huyện quan tâm đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phát triển du lịch; thường xuyên kiện toàn, bố trí lại cán bộ có đủ năng lực, tiêu chuẩn và trách nhiệm để quản lý, điều hành về lĩnh vực dịch vụ, du lịch. 

Đặc biệt, Bố Trạch chú trọng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, dịch vụ ngân hàng..., đồng thời khuyến khích, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch - dịch vụ, nhất là các cơ sở nhà hàng, lưu trú, các công trình phục vụ du lịch, chơi giải trí, mua sắm,… Hiện toàn huyện có 171 cơ sở lưu trú với 1.619 phòng, 3.363 giường và 7 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, đảm bảo tốt nhu cầu du khách đến với Bố Trạch. Hoạt động du lịch trên địa bàn ngày càng khởi sắc: giai đoạn 2016-2020, Bố Trạch đã đón gần 3 triệu lượt khách đến du lịch; tổng doanh thu du lịch hơn 1.200 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm 12%.

Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Trần Quang Vũ khẳng định: Từ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp cùng kết quả đạt được trong thời gian qua, tin tưởng rằng hoạt động du lịch sẽ có nhiều khởi sắc hơn, góp phần thúc kinh tế - xã hội của Bố Trạch phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Nguồn: Vietnam Business Forum