GIA LAI

Ứng dụng khoa học và công nghệ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân

13:16:49 | 14/12/2020

Xác định việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ vào sản xuất, đời sống là nhiệm vụ then chốt, tỉnh Gia Lai đã có nhiều chính sách khuyến khích thúc đẩy hoạt động này và đã mang lại thành tựu quan trọng. Nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, làm cơ sở cho việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và khai thác tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Nổi bật nhất trong kết quả triển khai nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh Gia Lai là đã tác động rất tích cực đến sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh. Trong đó, tập trung vào việc hỗ trợ và phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thực hiện các Nghị quyết phát triển rau, hoa, cây ăn trái và cây dược liệu, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng nông sản, tổ chức lại và thúc đẩy sản xuất hàng hóa, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Các kết quả nghiên cứu nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ cho việc dự báo, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, khai thác tài nguyên hợp lý, tạo lập cơ sở dữ liệu về đất đai, khí tượng thủy văn; trữ lượng và chất lượng nguồn nước, cảnh báo nguy cơ hạn hán, lũ quét, sạt lở đất và thiên tai trên địa bàn tỉnh.  Những kết quả nghiên cứu này đã được chuyển giao cho ngành nông nghiệp và các ngành địa phương có liên quan tiếp nhận và ứng dụng trong việc định hướng, quy hoạch phát triển sản xuất phù hợp với đặc điểm của địa phương và trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu tác động rất lớn đến sản xuất.

Bên cạnh những kết quả nghiên cứu nhằm tạo cơ sở khoa học phục vụ cho định hướng phát triển sản xuất thì công tác ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất cũng đã được chú trọng. Nhiều mô hình áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ đã được triển khai thực hiện, góp phần tích cực phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các mô hình trình diễn từ nhiều hình thức khác nhau, các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào tiềm năng, lợi thế, nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp mang lại hiệu quả cao. Các dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã góp phần cải thiện hạ tầng kinh tế, văn hóa, môi trường sinh thái, thay đổi tập quán sản xuất, sinh hoạt ở vùng sâu, vùng xa theo hướng tăng năng suất, chất lượng bền vững, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.

Hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả thiết thực. Điển hình, trong công tác giống, đã triển khai nghiên cứu chọn lọc một số giống, dòng bổ sung vào danh mục giống cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh, như: Lúa lai, lúa cạn bản địa, giống cây dược liệu, các loại giống cây lâm nghiệp, giống cây ăn quả, giống vật nuôi, giống thủy sản có giá trị kinh tế cao... Thông qua các hoạt động nghiên cứu, lực lượng cán bộ kỹ thuật cũng đã tiếp cận, nâng cao kỹ năng, kiến thức thực hành đối với một số công nghệ cao và phức tạp trong công tác nghiên cứu giống. Hiện tỉnh đang tiếp tục tập trung nghiên cứu và áp dụng các thành tựu tiến bộ khoa học và công nghệ để phát triển mạnh mẽ giống cây dược liệu, nghề trồng hoa, trồng rau, cây ăn quả,... theo hướng áp dụng công nghệ cao về giống và kỹ thuật canh tác để tăng năng suất, chất lượng,  góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm.

Cùng với việc tập trung đầu tư cho công tác giống, thời gian qua Gia Lai đã đầu tư mạnh cho nội dung nâng cao kỹ thuật canh tác cây trồng, vật nuôi. Thông qua nhiều loại hình đầu tư, tỉnh đã tổ chức cho người dân và doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thâm canh, từng bước tổ chức phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn như: VietGAP, hữu cơ... nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh một cách bền vững.

Về hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với ưu thế của tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp, Gia Lai đã đầu tư một số mô hình sản xuất giống, nuôi trồng một số sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, sản phẩm hữu cơ... áp dụng các công nghệ tiên tiến và đem lại hiệu quả rõ rệt.

Song song đó, hoạt động sở hữu trí tuệ luôn được quan tâm. Tỉnh đã tích cực hướng dẫn hỗ trợ các địa phương tiến hành tạo lập, đăng ký, bảo hộ và phát triển các nhãn hiệu, chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý liên quan đến các sản phẩm thế mạnh, các đặc sản địa phương, như: Gạo Phú Thiện, Rau An Khê, Thuốc lá Krông Pa, Rau An Sơn - Đắk Pơ, Chôm chôm Ia Sao- Ia Grai, Chè Bàu Cạn, Mật nhân Kbang, Mật ong Gia Lai.

Trên địa bàn tỉnh có 01 nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Chư Sê được cấp văn bằng bảo hộ; có 02 nhãn hiệu chứng nhận (Rau An Khê – Gia Lai và Gạo Phú Thiện - Gia Lai) được cấp văn bằng bảo hộ và 01 nhãn hiệu chứng nhận có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ đối với sản phẩm Rau An Sơn - Đắk Pơ. Và hiện Sở Khoa học và Công nghệ đang tác phối hợp với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp tham mưu cho tỉnh đề xuất 04 dự án tham gia Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2019-2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.n

Nguyễn Nam Hải
Giám đốc Sở khoa học và công nghệ Gia Lai

Nguồn: Vietnam Business Forum