QUẢNG NINH

Hải Hà phát triển sản phẩm OCOP, định hướng xuất khẩu tại chỗ

16:37:29 | 23/11/2021

Tỉnh Quảng Ninh nói chung và huyện Hải Hà nói riêng bắt đầu triển khai Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) từ năm 2013. Ngay sau khi khi tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định phê duyệt Đề án thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2017 – 2020 thì UBND huyện Hải Hà cũng căn cứ vào kế hoạch của UBND tỉnh để ban hành kế hoạch thực hiện chương trình OCOP hàng năm của huyện và đề ra các mục tiêu cụ thể.

Tính đến hết năm 2019, huyện Hải Hà đã có 23 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn huyện có tổng số 37 sản phẩm OCOP; trong đó có 16 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên. Các sản phẩm chủ yếu theo 2 hướng: Phát triển, nâng cấp các sản phẩm đã có (chủ yếu là các sản phẩm truyền thống) và phát triển từ các ý tưởng sản phẩm mới theo hướng khai thác, phát huy thế mạnh của các địa phương cũng như từng bước hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, mẫu mã, đã được người tiêu dùng đón nhận. Các sản phẩm địa phương đã tham gia chu trình OCOP luôn được duy trì và nâng cao chất lượng, quy mô như: Chanh đào mật ong, mật ong HoàngViệt, khau nhục, chè Đường Hoa, bánh kẹo Xuân Thế, mực cấp đông, tôm cấp đông...sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm - ẩm thực, đồ uống đều được cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm.

Gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện luôn ưu tiêu bố trí nguồn lực để thực hiện chương trình OCOP,trong đó ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp nông thôn (trong đó có đầu tư nguồn vốn phát triển sản phẩm OCOP); tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về OCOP; hỗ trợ giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP…

Huyện đã tập trung hỗ trợ kết nối thương mại cho sản phẩm để từng bước xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và từng bước nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm OCOP. Qua đó, một số sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng,giúp các tổ chức, cá nhân ổn định sản xuất và từng bước mở rộng quy mô, cụ thể như: Sản phẩm chè Đường Hoa, chè HoaVàng, chanh đào mật ong, trứng vịt trời Duy Khương....

Trong các sản phẩm được huyện Hải Hà tập trung xây dựng thương hiệu OCOP phải kể đến chè. Để nâng cao chất lượng sản phẩm chè, với sự vận động của huyện, người dân đã thay thế dần chè trung du lá nhỏ bằng những giống chè có chất lượng cao hơn, như:Chè lai LDP1, chè Ô Long, PhúcVânTiên, Ngọc Thuý…Trên địa bàn huyện đã có quy hoạch định hướng 17 vùng sản xuất tập trung, đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ  sở và dây chuyền chế biến chè theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng cơ giới hoá trong chăm sóc, thu hái chè; thâm canh,chăm sóc chè theo VietGAP. Sau 4 năm thực hiện, tổng diện tích chè trồng mới và trồng thay thế là 66,04ha, trong đó diện tích chè trồng mới 38,04 ha, diện tích chè thay thế 28 ha; hỗ trợ 32 máy hái chè cho người dân 2 xã Quảng Long, QuảngThịnh; nâng cấp 4 xưởng chế biếnvà lắp đặt 3 dây chuyền chế biến tiên tiến; đầu tư thâm canh hơn 60ha chè theo VietGAP; hỗ trợ hoàn thiện mẫu mã bao bì, mã số mã vạch, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm cho sản phẩm chè. Sản phẩm chè được xếp hạng 4 sao trong chuỗi sản phẩm OCOP và được nằm trong danh mục 12 nhóm sản phẩm mang thương hiệu cấp tỉnh, cấp quốc gia giai đoạn 2018 – 2020.

Không chỉ có chè, từ năm 2017 - 2019, huyện triển khai dự án hỗ trợ phát triển,mở rộng diện tích trồng các giống  cam  Vinh, cam V2, đầu tư thâm canh cam theo VietGAP. Trong 3 năm thực hiện đã trồng được 19,5ha tại 3 xã QuảngThành (10 ha camVinh, cam Ca ra); Quảng Thịnh (3,5 ha cam Vinh), Quảng Chính (6 ha cam Vinh); lắp đặt hệ thống tưới và thâm canh 2 ha cam theo VietGAP tại xã QuảngThành.

Năm 2018, huyện triển khai dự án phá ttriển đàn gà râu với quy mô 10.000 con giống hỗ trợ cho người dân các xã Quảng Chính, Quảng Thịnh, Quảng Long. Ngoài ra Sở Khoa học và Công nghệ đầu tư triển khai dự áp xây dựng lò ấp cung cấp giống gà râu. Mục đích của dự án là bảo tồn và phát triển giống gà râu bản địa.

Đến nay, toàn huyện có tổng số 37 sản phẩm của 23 tổ chức kinh tế tham gia chương trìnhOCOP. Huyện cũng tập trung đào tạo kỹ năng quản trị sản xuất cho đội ngũ lãnh đạo các tổ chức OCOP theo hướng có thể quản trị sản xuất ở quy mô lớn hơn,  tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia các lớp đào đạo quản trị sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, tham gia đầy đủ hội chợ OCOP của tỉnh QuảngNinh, hội chợ OCOP tại HàNội, Hải Phòng; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầy đủ hội chợ thường niên quốc tế Việt-Trung; tạo điều kiện tham gia trưng bày sản phẩm OCOP của huyện gắn với các sự kiện chính trị, xã hội của huyện.

Huyện Hải Hà luôn chú trọng mở rộng hệ thống bán hàng tại địa bàn huyện và các vùng lân cận, không chỉ thu hút khách đến thu mua trao đổi hàng hoá, đặc biệt là các sản phẩm OCOP theo định hướng xuất khẩu tại chỗ mà còn gắn với phát triển du lịch địa phương. Hiện nay huyện đã đưa vào sử dụng Trung tâm OCOP cấp huyện và tiếp tục hỗ trợ xây dựng nhà xưởng gắn với điểm trưng bày sản phẩm tại xã Quảng Minh, Quảng Thành, Quảng Long, đồng thời xây dựng được một gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm rau an toàn tại các chợ trung tâm huyện; xã Quảng Thành xây dựng một điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, xã Cái Chiên mở điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của huyện.

Nguồn: DDDN