BẮC GIANG

Hướng tới nông thôn hiện đại, nông nghiệp bền vững, giá trị cao

10:52:57 | 28/12/2021

Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Giang vẫn đạt 38.310 tỷ đồng, tăng 4,4%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đây là nền tảng để tỉnh đề ra các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong giai đoạn mới.


Trồng dưa trong nhà màng ở huyện Yên Dũng

Lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh ngày càng khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 2%/năm. Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 nhưng hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản của tỉnh Bắc Giang vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.

Bắc Giang đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung với tổng diện tích trên 50.000ha. Trong đó, diện tích trồng vải thiều đạt trên 28.000ha (lớn nhất cả nước); tổng đàn gà trên 16 triệu con, đàn lợn trên 1,1 triệu con (đứng thứ 4 cả nước). Các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, chất lượng cao ngày càng phát triển. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã khẳng định được thương hiệu ở cả thị trường trong và ngoài nước.


Mô hình nuôi cá “Sông trong ao” của nông dân Tô Hiến Thành (huyện Hiệp Hòa)

Riêng sản phẩm chủ lực vải thiều đã tạo nên hình ảnh, thương hiệu của tỉnh, sản phẩm được xuất khẩu sang hơn 30 nước trên thế giới và trở thành nông sản đầu tiên của Việt Nam chính thức được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Đặc biệt, ngay trong lúc đỉnh điểm của dịch bệnh Covid-19, tháng 7/2021, tỉnh Bắc Giang tích cực hỗ trợ nhân dân tiêu thụ vải thiều thành công, với 3 điểm “nhất”: Sản lượng lớn nhất từ trước tới nay (215.000 tấn, tăng 30% so với năm 2020); chất lượng tốt nhất; thị trường tiêu thụ rộng nhất (trong cả nước và xuất khẩu); qua đó, khẳng định thương hiệu và mở ra cơ hội, hướng đi mới cho các nông sản khác.

Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể như: Không gian phát triển nông nghiệp ngày càng hẹp, ngày càng ít vùng có lợi thế do phát triển công nghiệp, đô thị nhanh; nhu cầu lương thực, thực phẩm thế giới chuyển sang sản phẩm chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc, hướng đến các sản phẩm hữu cơ, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường và trách nhiệm xã hội; cùng với đó là các tiêu chuẩn kỹ thuật có xu hướng ngày càng siết lại. Cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là công nghệ số tác động ngày càng sâu rộng, làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất, kinh doanh và lối sống hàng ngày của mỗi người... đòi hỏi người nông dân phải nhạy bén tiếp cận các kênh tiêu thụ theo phương thức mới. Thêm vào đó, tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa bền vững, đầu vào sản xuất phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu, công tác bảo quản chế biến kém phát triển, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường bấp bênh,…

Để vượt qua các khó khăn, thách thức và tiến tới xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp bền vững, giá trị cao, thời gian tới Bắc Giang sẽ tập trung hoàn thiện, bổ sung chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nghiên cứu tổ chức không gian phát triển nông thôn khoa học, hài hòa giữa khu vực thành thị và nông thôn; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại ở nông thôn đảm bảo ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu sản xuất đồng bộ trong giai đoạn tới.

Mặt khác, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp tạo dư địa cho tăng trưởng thông qua số hóa vùng sản xuất, xây dựng cơ sở dữ liệu vùng sản xuất, quản lý mã số vùng trồng, mã định danh gắn với thương mại điện tử, ứng dụng thiết bị 4.0 trong sản xuất.

Chuẩn hóa quy trình sản xuất (Viet Gap, Global Gap, sản xuất hữu cơ, an toàn sinh học); ứng dụng khoa học công nghệ về giống, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản để tiết giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả chất lượng nông sản sau thu hoạch.

Nguồn: Vietnam Business Forum