ĐÀ NẴNG

KCN Liên Chiểu: Sẵn sàng cùng Đà Nẵng đón làn sóng đầu tư hậu Covid-19

09:17:27 | 19/1/2022

Bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, TP.Đà Nẵng vẫn liên tục đón những làn sóng đầu tư mới với tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp (KCN) ngày càng tăng, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa thành phố bên sông Hàn vươn lên trở thành địa phương đứng đầu khu vực miền Trung về thu hút vốn FDI, trong đó KCN Liên Chiểu là một trong những điểm đến hấp dẫn được các nhà đầu tư quan tâm, lựa chọn.

Ông Trần Ngọc Điệp, Tổng Giám đốc Công ty

Lót tổ đón “đại bàng”

Theo báo cáo của UBND TP.Đà Nẵng tại kỳ họp thứ 4 nhiệm kỳ 2021-2026, lũy kế đến ngày 15/11/2021 trên địa bàn Thành phố có 345 dự án đầu tư trong nước ngoài KCN với tổng vốn đầu tư 123.686 tỷ đồng; 376 dự án đầu tư trong nước trong các KCN, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin với tổng vốn đầu tư 27.607,9 tỷ đồng và 911 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 3,866 tỷ USD. Hiện nay, đất tại 6 KCN của TP.Đà Nẵng (KCN Hòa Khánh, KCN Đà Nẵng, KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, KCN Hòa Cầm giai đoạn 1, KCN Hòa Khánh, KCN Liên Chiểu) gần như lấp đầy với tỷ lệ đạt hơn 86%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ lấp đầy trung bình của các KCN trên toàn quốc (60%).

Trong số 6 KCN tại Đà Nẵng, KCN Liên Chiểu dù đạt tỷ lệ lấp đầy thấp hơn song lại được đánh giá là KCN mang lại giá trị gia tăng lớn cho nhà đầu tư, xuất phát từ các lợi thế về: vị trí đắc địa (nằm trên các trục đường giao thông quan trọng, nối liền các trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam như Hà Nội; đi miền Trung - Tây Nguyên, đi TP.Hồ Chí Minh rất thuận lợi cho việc vận chuyển xuất nhập khẩu hàng hóa); hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nguồn nhân lực dồi dào; môi trường đầu tư thông thoáng; dịch vụ - tiện ích đa dạng; chính sách giá cạnh tranh, phương thức thanh toán linh động….

Hội tụ đầy đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" tích hợp cùng các dịch vụ đa dạng, chuẩn mực, hỗ trợ hiệu quả quá trình đầu tư đã giúp KCN Liên Chiểu sớm lọt vào “mắt xanh” của các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước. Tính đến nay, tổng vốn đầu tư KCN Liên Chiểu thu hút đạt 326 triệu USD. Nổi bật có thể kể đến các nhà đầu tư lớn đã tin tưởng chọn KCN Liên Chiểu làm cứ điểm sản xuất như: Công ty TNHH Bao bì nước giải khát Crown Đà Nẵng, Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty CP Nhựa Đà Nẵng, Công ty TNHH SSLV…

Ông Trần Ngọc Điệp - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (SDN), chủ đầu tư KCN Liên Chiểu cho biết với mục tiêu giai đoạn 2021-2025 thu hút vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 3 tỷ USD, giai đoạn 2026-2030 đạt khoảng 4 tỷ USD, TP.Đà Nẵng đang thực hiện chiến lược lót tổ đón "đại bàng" và SDN luôn kỳ vọng các KCN của mình sẽ trở thành điểm đến an toàn, vững chãi, mang lại giá trị gia tăng lớn nhất cho nhà đầu tư. Với tâm thế đó, để thu hút được những nhà đầu tư tốt nhất cho Thành phố, SDN luôn chuẩn bị sẵn mặt bằng hoàn thiện, đồng bộ để bàn giao đất ngay khi nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư và ký hợp đồng với Công ty. 

Ngoài ra đồng hành cùng chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc của TP.Đà Nẵng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài, giữ vững danh hiệu "Thành phố đáng sống", trong quá trình thu hút đầu tư, SDN cũng chú trọng lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, dự án thân thiện môi trường, công nghệ hiện đại; ưu tiên các lĩnh vực ít tác động đến môi trường như du lịch, dịch vụ, công nghệ thông tin, điện tử, linh kiện, cơ khí chính xác, logistics, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ…. Đến nay định hướng thu hút đầu tư "quý hồ tinh bất quý hồ đa" không chỉ giúp KCN Liên Chiểu nói riêng - TP.Đà Nẵng nói chung thu hút được nhiều nhà đầu tư chất lượng, phù hợp với chủ trương phát triển của Thành phố mà còn góp phần hình thành môi trường công nghiệp bền vững, mang lợi ích thiết thực cho các nhà đầu tư trong KCN. Đây cũng chính là những viên gạch nền tảng hướng tới xây dựng hệ sinh thái KCN Liên Chiểu đa dạng, hài hòa và bền vững, nơi nhà đầu tư có thể sống tốt, sống khỏe để cùng cống hiến hết mình cho sự phát triển đi lên của Thành phố.

Động lực từ chiến lược phát triển logistics

Với vị trí địa lý thuận lợi (cửa ngõ của Hành lang Kinh tế Đông - Tây, là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với đầy đủ các loại hình, đầu mối giao thông trọng điểm) cùng hệ thống cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh đầu tư xây dựng, TP.Đà Nẵng được đánh giá sở hữu tiềm năng rất lớn cho phát triển ngành logistics. 

Đặc biệt, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chương trình số 41-CTr/TU để triển khai thực hiện chuyên đề "Tập trung phát triển dịch vụ logistics, cảng biển, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước", qua đó tạo cơ chế thông thoáng cho Đà Nẵng phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có logistics, tạo bệ phóng cho sự bứt tốc mạnh mẽ của nền kinh tế Thành phố trong thời gian tới.

Để đón đầu và khai thác tốt cơ hội này, vươn lên trở thành một trong những cực tăng trưởng quan trọng và là trung tâm logistics của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, ngày 13/8/2021 UBND TP.Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 2780/QĐ-UBND phê duyệt Đề cương nhiệm vụ Đề án "Phát triển dịch vụ logistics TP. Đà Nẵng kết nối hiệu quả với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045". UBND Thành phố cũng đã dành 2.326ha để quy hoạch phát triển công nghiệp - logistics, ưu tiên những ngành sản xuất công nghệ cao. Đồng thời xây dựng Quy hoạch phát triển công nghiệp - logistics và kho bãi tại Đà Nẵng nhằm phục vụ các trụ cột logistic và kinh tế biển, được định hướng đặt tại các trung tâm nằm gần mỗi cụm công nghiệp nhằm phục vụ cho từng KCN, trong đó: Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu sẽ được mở rộng để hình thành một cụm logistics lớn vào năm 2045; cảng Liên Chiêu sẽ trở thành cảng hàng hóa chính của Đà Nẵng.

Cùng với cơ hội lớn mở ra, TP.Đà Nẵng cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm để kết nối vùng và tạo ra những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư; đồng thời chú trọng tận dụng các ưu thế của địa phương để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng logistics đồng bộ, liên thông, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu dịch chuyển, xử lý dòng hàng hóa phát sinh của Thành phố, của các địa phương lân cận và một phần luồng hàng hóa trên Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Theo Tổng Giám đốc Trần Ngọc Điệp, mục tiêu vươn lên trở thành trung tâm logistics của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung của TP.Đà Nẵng mở ra cơ hội thu hút đầu tư rất lớn cho các KCN của SDN nói chung, KCN Liên Chiểu nói riêng. 

"Với vai trò một mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh thu hút đầu tư của Thành phố, KCN Liên Chiểu cũng đang chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón làn sóng chuyển hướng đầu tư hậu Covid-19, nhất là trong lĩnh vực logistics; tích cực đồng hành phát triển dịch vụ logistics của Thành phố tương xứng với tiềm năng thế mạnh sẵn có; từ đó tiếp thêm động lực cho phát triển công nghiệp sản xuất và thương mại dịch vụ tại địa phương, thu hút thêm các nhà đầu tư lớn trên thế giới, sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước" - ông Điệp nhấn mạnh.

Nguồn: Vietnam Business Forum