ĐẮK LẮK

Xây dựng nông thôn mới ở Đăk Lăk: Hiệu quả, bền vững

09:01:42 | 7/6/2022

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Đăk Lăk đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, chất lượng cuộc sống người dân ngày nâng cao. Việc triển khai Chương trình không chỉ làm thay đổi bộ mặt nông thôn tại các địa phương mà còn góp phần làm thay đổi nhận thức của đa số người dân.

Trong giai đoạn 2021-2025, Đăk  Lăk sẽ chú trọng hoàn thiện các tiêu chí về nông thôn mới, nâng cao thu nhập của người dân và chú trọng phát triển chương trình ở vùng sâu.

Nông thôn khởi sắc

Năm 2011, Đăk Lăk mới có 3 xã đạt từ 10 - 12 tiêu chí NTM và còn đến 81 xã đạt dưới 5 tiêu chí, toàn tỉnh chỉ mới đạt 508/2.888 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 17,6%; bình quân toàn tỉnh chỉ mới đạt 3,34 tiêu chí/xã. Nhiều xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện khó khăn, huyện biên giới chỉ đạt 1 - 2 tiêu chí. Sau 10 năm thực hiện phong trào xây dựng NTM đã lan tỏa mạnh mẽ trong toàn dân. Toàn tỉnh huy động hơn 42.000 tỷ đồng để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn như: đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, sân thể thao, nhà văn hóa...).

Toàn tỉnh có 66 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; không còn xã đạt dưới 7 tiêu chí, bình quân chung hơn 15 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân đầu người gấp 1,67 lần so với năm 2015. Đối với chương trình mỗi xã một sản phẩm (sản phẩm OCOP) đã công nhận và gắn sao cho 35 sản phẩm cấp tỉnh; trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao, 31 sản phẩm đạt 3 sao. Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025 có trên 65% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tương ứng 100/152 xã); có 4/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có từ 1 đến 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng 1,3 lần so với năm 2020; có 200 sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên.

Để đạt được mục tiêu này, ông Nguyễn Đình Trung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đề nghị các cấp uỷ đảng xem việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân là nhiệm vụ ưu tiên của hệ thống chính trị và trách nhiệm của toàn xã hội; nâng cao hơn nữa nhận thức, đổi mới tư duy trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong xây dựng nông thôn mới. “Mục tiêu cuối cùng trong phát triển kinh tế xã hội cũng là đảm bảo nông thôn được tốt hơn. Đời sống bà con ở các vùng nông thôn được nâng cao hơn. Hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh hơn. Do vậy việc tỉnh, huyện phải hỗ trợ xã. Cụ thể xã nào thiếu tiêu chí gì thì tỉnh làm việc cụ thể với từng xã để từ đó có 1 lộ trình kế hoạch xây dựng các tiêu chí đó để thực hiện”, ông Trung khẳng định.

Ưu tiên vùng sâu vùng xa

Tại Đắk Lắk, việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi, đây là những nơi có địa bàn rộng, dân cư phân tán, thường xuyên chịu tác động của thiên tai… nên đời sống bà con còn rất nhiều khó khăn.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Đăk Lăk sẽ tập trung thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, địa phương sẽ kiện toàn tổ chức làm công tác xây dựng NTM; Xác định rõ vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức và người dân trong xây dựng NTM; Nâng cao hơn nữa chất lượng quy hoạch, quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các địa phương; Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn; Phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững; Định hướng chuyển đổi số trong xây dựng NTM trên địa bàn. Thúc đẩy quá trình số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xây dựng NTM; Bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp…

Đối với các địa bàn miền núi, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, sản xuất nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao, tập quán canh tác vẫn còn lạc hậu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ; đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao…

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đăk Lăk cho biết: Để tập trung xây dựng NTM ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi rất cần có sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước để triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; Chương trình tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực có chất lượng là người dân tộc thiểu số. Ngoài ra cần huy động mọi nguồn lực để đầu tư, gắn phát triển với giải quyết hài hòa lợi ích giữa các vùng, các dân tộc.

Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)