HÀ NỘI

Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống trên địa bàn TP. Hà Nội

13:08:57 | 25/7/2022

Sáng 23/7, Sở Nông nghiệp và PTNT TP Hà Nội, chi cục phát triển nông thôn đã tổ chức hội thảo giải pháp bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống, tháo gỡ khó khăn, kết nối cung cầu, tìm đầu ra cho các sản phẩm làng nghề.

TP Hà Nội có 1.350 làng nghề, trong đó 544 làng nghề bị mai một và 806 làng nghề đang hoạt động, trong đó có 318 làng nghề làng nghề truyền thống được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống. Bao gồm: 67 làng nghề, 48 làng nghề chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản,22 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 16 làng nghề xử lý, chế biến nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn, 196 làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ, 12 làng nghề sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh; 5 làng nghề phục vụ sản xuất, đời sống cư dân nông thôn.

Theo ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục PTNT TP Hà Nội: mặc dù đạt được một số kết quả, tuy nhiên công tác phát triển, bảo tồn nghề và làng nghề trên địa bàn TP vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Hầu hết các doanh nghiệp ở các làng nghề trên địa bàn đều hoạt động với quy mô nhỏ, tự phát và gặp một số khó khăn như: thiếu mặt bằng để sản xuất, tập trung thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao, thiếu vốn đầu tư, thiết bị máy móc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm…

Qua đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 67/LH – UBND về bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn với những nội dung: Xét công nhận 50 danh hiệu: Làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho 100 làng nghề, hỗ trợ đánh giá tác động môi trường làng nghề cho 100 làng nghề, hỗ trợ 50 dự án phát triển ngành nghề nông thôn.

Hà Nội đã tập trung chỉ đạo xây dựng hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao, mua sắm, ẩm thực…

Theo nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung  - Hội trưởng Hội doanh nghiệp mây tre đan huyện Chương Mỹ: Ước tính sản lượng tiêu thụ hàng năm của các đơn vị sản xuất trên địa bàn huyện có mây: 600 tấn; Song 700 tấn, Tre – nứa – giang 500.000 cây…Dự kiến số lượng nguyên liệu cần sử dụng để sản xuất sẽ tăng lên. Tuy nhiên nguồn cung ngày càng thiếu hụt, giá nguyên liệu tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm bị khống chế bởi các doanh nghiệp nhập khẩu. Do vậy, triển khai sản xuất mây tre giang đang gặp nhiều khó khăn. Vì thế chúng ta cần tìm các nguyên liệu khác để thay thế. Trong đó một số nguyên liệu mới được khai thác, chế biến như: thân cây đu đủ già, sơ mướp loại to, già quả, sơ cây chuối…đồng thời các nghệ nhân giỏi làng nghề đang nghiên cứu, sáng tạo các mẫu mã sản phẩm đa dạng từ những nguyên liệu có sẵn trên, đây là giải pháp hữu hiệu để xử lý bài toán thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu sản xuất.

Ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Lụa Vạn Phúc cho rằng để phát triển được nghề dệt lụa điều đầu tiên cần phải tạo được vùng trồng dâu tằm, hỗ trợ người dân trong việc phát triển giống kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm. Lụa Vạn Phúc hiện nay đang bị mai một nên cần có cơ chế quảng bá lại uy tín của lụa Vạn Phúc. Song song cần phải mở rộng làng nghề thành nơi du lịch. Các công ty du lịch lữ hành cần phối hợp với làng nghề tạo ra các tour du lịch sinh thái làng nghề, đồng thời xây dựng một đội ngũ chuyên môn về du lịch là người địa phương để giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người dân.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến – Phó cục trưởng cục kinh tế hợp tác và PTNT: Hiện nay với số lượng hơn 800 làng nghề cần phân loại cụ thể hơn những làng nghề truyền thống cần phải được bảo tồn. Đồng thời phải có giải pháp truyền nghề, nhân cấy nghề; giải pháp về nguồn nguyên liệu, vùng quy hoạch. Đào tạo cho việc phát triển mẫu mã sản phẩm của các làng nghề. Môi trường cho các làng nghề trước tiên cần chú trọng và phát triển các làng nghề theo hướng xanh, bền vững.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị ông Trần Nhật Lam Phó chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới TW ghi nhận những kết quả đạt được đồng thời hi vọng những hội thảo như thế này sẽ tạo tiền đề của sự phát triển các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP trên địa bàn TP Hà Nội. Đồng thời ông đề xuất một số ý kiến như: (i) cần tách bạch sự phát triển của sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP; (ii) đề xuất rõ cấp độ phấn đấu bởi vì sản phẩm làng nghề phát triển trước sản phẩm OCOP, (iii) cơ chế chính sách phát triển các sản phẩm OCOP rất nhiều. Vì vậy Hà Nội với lợi thế của mình nên cần xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, nên có những cơ chế chung và riêng để hình thành khung cơ chế cho thành phố; (iv) việc quan tâm phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, những làng nghề phát triển khác nhau nên cần xây dựng kế hoạch cụ thể đồng thời phát huy được tinh hoa, tính sáng tạo của người dân. Bên cạnh đó, xác định vấn đề xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm Hà Nội cần tập trung vào quảng bá, phát triển các sản phẩm làng nghề. Tuy nhiên cần làm rõ vấn đề liên kết từ khâu nguyên liệu đến tiếp thị sản phẩm, phát triển bền vững, xanh – sạch – đẹp.

Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)