HÀ NỘI

Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu Hà Nội: Xã nông thôn mới kiểu mẫu phải đi đầu trong chuyển đổi số

16:35:16 | 29/9/2022

Đây là chia sẻ của Ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp – Kỳ Vietnam Business Forum.

Tính đến nay, TP Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 (đạt 100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu thuộc huyện Đan Phượng. Trong 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, gồm có: Xã Đan Phượng đạt chuẩn nông thôm mới kiểu mẫu về 5 lĩnh vực: Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tổ chức sản xuất, Du lịch. Xã Liên Hà đạt chuẩn nông thôm mới kiểu mẫu về 3 lĩnh vực: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tổ chức sản xuất. Xã Song Phượng và xã Tân Hội đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về 3 lĩnh vực: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Y tế. Xã Thọ Xuân đạt chuẩn nông thôm mới kiểu mẫu về 2 lĩnh vực: Giáo dục và Đào tạo, Y tế.


Ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội

PV: Hà Nội có 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu,  kết quả trên liệu còn khiêm tốn so với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô Hà Nội khôn,  thưa ông?

Sau 4 năm ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao của TP Hà Nội, đến nay toàn TP có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong đó năm 2018 có 3 xã đạt, năm 2019 có thêm 8 xã đạt, năm 2020 có thêm 18 xã đạt và năm 2021 có thêm 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phải nói thêm rằng, để các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đã khó cần thời gian, nguồn lực rất lớn. Cụ thể, theo Quyết định số 3098/QĐ-UBND ngày 29/8/2022 của UBND TP Hà Nội, Bộ tiêu chí xã nông thôn mới gồm 19 tiêu chí, 60 chỉ tiêu, nhiều hơn 11 chỉ tiêu so với Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020 (49 chỉ tiêu). Còn Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao gồm 19 tiêu chí, 78 chỉ tiêu. Trong đó có một số tiêu chí, chỉ tiêu mới so với Bộ tiêu chí giai đoạn 2016 -2020 và một số chỉ tiêu yêu cầu cao hơn so với quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Đến khi xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu còn khó khăn hơn rất nhiều do yêu cầu tiêu chí càng được nâng lên. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm cao độ và sự chung tay của cả hệ thống chính trị, đến năm 2020, TP Hà Nội có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2021, có 5/29 xã nâng cao được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 17,24%, như vậy tỷ lệ cũng không phải quá thấp.

PV: Trong tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, ngoài thu nhập bình quân đầu người cao hơn 10% so với xã nông thôn mới nâng cao, còn yêu cầu có ít nhất một mô hình thôn thông minh, do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể. Theo ông, yêu cầu này có khó khăn với các xã hiện nay?

 Ngày 29/8/2022, UBND TP ban hành Quyết định số 3098/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu có quy định mô hình thôn thông minh, gồm: Tổ công nghệ số cộng đồng; Giao tiếp thông minh; Thương mại điện tử; Du lịch thông minh; Dịch vụ xã hội. Đây là một trong những nội dung mới trong giai đoạn 2021 -2025. Hiện nay TP đang giao Sở TT&TT chủ trì, xây dựng hướng dẫn để giúp các địa phương triển khai thực hiện.

Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP xác định, đây là một tiêu chí mới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và phải có thời gian để khẳng định hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới. Việc triển khai thực hiện tiêu chí này còn rất nhiều khó khăn do T.Ư không có khung hướng dẫn mà giao cho cấp tỉnh quy định (mỗi tỉnh, TP sẽ quy định riêng). Mặc dù vậy, trên cơ sở Bộ tiêu chí TP đã ban hành, hiện nay các địa phương cũng đã chủ động tiếp cận và triển khai thực hiện xây dựng mô hình thôn thông minh.


Nông thôn mới Hà Nội

PV: Xây dựng mô hình thôn thông minh ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu cần gắn như thế nào với chương trình chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn nói riêng và chuyển đổi số quốc gia hiện nay, thưa ông?

Ngày 2/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 – 2025. Mục tiêu là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn – thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.

Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025 cũng quy định rất rõ mô hình thôn thông minh với các yêu cầu rất cụ thể. Đây chính là tiền đề ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng trên địa bàn một thôn, sau đó triển khai ra địa bàn các thôn, xã khác, hướng tới xây dựng xã nông thôn mới thông minh trong giai đoạn tiếp theo. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của tất cả các ngành, lĩnh vực. Với ngành nông nghiệp Hà Nội, hiện nay Sở NN&PTNT đã phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã kinh tế số Việt Nam xây dựng kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 và kế hoạch hàng năm. Trong đó yêu cầu các đơn vị trong ngành chủ động triển khai chương trình kinh tế số, từ sản xuất đến phân phối tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, Sở tiếp tục tham mưu với TP có cơ chế, chính sách thúc đẩy tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển các nền tảng số, dữ liệu số, tạo ra những dịch vụ nội dung số về nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ nông dân phát huy vai trò làm chủ trong nền nông nghiệp số. Vì vậy, xây dựng mô hình thôn thông minh cũng chính là một phần của chuyển đổi ngành nông nghiệp cũng như chương trình chuyển đổi số quốc gia.


Nông thôn mới HN

PV: TP Hà Nội đã chọn hai xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) và Hồng Vân (huyện Thường Tín) để xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô, ông có thể cho biết tiến độ thực hiện đến đâu?

Thực hiện Thông báo số 1886-TB/TU ngày 5/4/2019 của Thành ủy Hà Nội kết luận của đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khóa XVI tại Tọa đàm “Nữ tri thức Hà Nội tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030”, giao Hội Nữ tri thức TP xây dựng Đề án thí điểm xây dựng mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó chọn hai xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) và Hồng Vân (huyện Thường Tín) để làm điểm theo hướng hai xã này sẽ xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu cả 7 lĩnh vực, gồm: Sản xuất, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Du lịch, Môi trường, An ninh trật tự, Y tế (nông thôn mới toàn diện).

Tuy nhiên, hết năm 2020, Đề án vẫn chưa được phê duyệt, trong khi căn cứ để xây dựng đề án là Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày 5/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3745/QĐ-UBND ngày 11/7/2019 của UBND TP chỉ áp dụng đến hết năm 2020. Tiếp đó, ngày 29/8/2022, UBND TP ban hành Quyết định số 3098/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025 để triển khai áp dụng trên địa bàn TP. Trong đó thêm một lĩnh vực mới là chuyển đổi số. Kết quả đến năm 2021, xã Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về 5 lĩnh vực: Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tổ chức sản xuất, Du lịch. Còn xã Hồng Vân huyện Thường Tín đang triển khai xây dựng và trình TP công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2022.

PV: Năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu có thêm 15 xã về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Theo ông, cần giải pháp như thế nào để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thành công?

 Để đạt mục tiêu trên, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ TP đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự ủng hộ của người dân. Cùng với đó, tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó các xã cần xác định rõ lĩnh vực thế mạnh của địa phương để tập trung đầu tư, tránh đầu tư dàn trải.Đồng thời tăng cường tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức cho người dân. Kịp thời phổ biến, tuyên truyền đầy đủ các văn bản của cấp trên, thông qua các hội nghị và các phương tiện truyền thông hiện có của địa phương, đặc biệt là những vấn đề, những nội dung mang tính bức thiết, nhằm động viên, huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng thuận trong Nhân dân.

Pv: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Thành phố Hà Nội

Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)