Chiều ngày 19/9, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Trung ương và Vụ KHCN và Môi trường đã tổ chức Tọa đàm “Phát huy vai trò của KHCN trong xây dựng nông thôn mới” nhằm đánh giá, phân tích kết quả đóng góp của KHCN trong xây dựng nông thôn mới trong 10 năm qua và giải pháp định hướng cho giai đoạn tới.
Quang cảnh hội nghị
Nhiều giải pháp công nghệ đã được chuyển giao
Thực hiện khung nội dung chương trình Quyết định số 27/QĐ-TTg và Quyết định số 45/QĐ-TTg, sau 10 năm thực hiện, Chương trình KHCN đã thực hiện 15 đề tài nghiên cứu hoàn thiện cơ sở lý luận của mô hình NTM; 26 đề tài nghiên cứu cơ chế, chính sách; 45 đề tài nghiên cứu giải pháp KHCN và 66 đề tài, dự án xây dựng mô hình NTM ứng dụng kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, Chương trình KHCN đã điều chỉnh nội dung nghiên cứu theo nhu cầu mới của xây dựng nông thôn mới bền vững.
Theo GS.TS Nguyễn Tuấn Anh - Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây NTM - Giai đoạn 2016-2021: Chương trình (KHCN) đã huy động và nhận được “sự ủng hộ rộng rãi và phối hợp khá chặt chẽ của các Bộ, ngành và địa phương…bám sát các mục tiêu và nội dung của Chương trình, cơ bản phù hợp với yêu cầu của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới…giúp các địa phương, hợp tác xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đạt hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt. Các kết quả nghiên cứu và xây dựng mô hình có sức lan tỏa rộng, được nhiều địa phương, doanh nghiệp và nông dân tiếp nhận, tham gia có hiệu quả”. Không những vậy chương trình đã góp phần thiết kế được hệ thống khung khổ, thể chế, chính sách của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; thu được kết quả về cơ sở lý luận và ứng dụng thực tiễn trong lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học công nghệ; các giải pháp có tính liên ngành và các mô hình liên kết trình diễn cụ thể trong sản xuất; thu hút đông đảo lực lượng khoa học công nghệ cả nước, có nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã tham gia.
Theo GS.TS Nguyễn Tuấn Anh - Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây NTM - Giai đoạn 2016-2021
Chương trình KHCN giai đoạn II còn tập trung nghiên cứu những vấn đề mới trong xây dựng NTM bền vững như: dịch chuyển lao động, tạo việc làm tại chỗ; phát triển kinh tế tập thể; sản phẩm OCOP; nông nghiệp số, xây dựng NTM thông minh; làng nông thuận thiên; NTM ven đô…Đến nay, với hơn 200 quy trình và giải pháp công nghệ, 1.735 công trình kỹ thuật, máy móc, thiết bị được chuyển giao, Chương trình KHCN thể hiện được những tác động thiết thực đến kết quả xây dựng NTM thông qua việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế nông nghiệp. GS.TS Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ them.
Là đơn vị trực tiếp hưởng thụ từ các dự án của chương trình, Hồ Sỹ Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn (Nghệ An) chia sẻ: Việc ứng dụng KHCN vào chương trình xây dựng NTM tại Nam Đàn đã có nhiều kết quả nổi trội như: mô hình rau dưa lưới tại xã Kim Liên có hiệu quả, mô hình gà trọi, mô hình hồng; sen… Nam Đàn cũng đã có những sản phẩm OCOP về lĩnh vực du lịch từ đó góp phần thay đổi bộ mặt cảnh quan nông thôn, đời sống người dân được cải thiện
Đề xuất giải pháp
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại hội thảo các đại biểu đã chỉ ra cần phải được khắc phục trong thời gian tới. Theo GS.TS Nguyễn Tuấn Anh, vấn đề trọng tâm then chốt, nan giải, đột xuất của xây dựng NTM giai đoạn vừa qua vẫn chưa huy động được nhiều đề tài nghiên cứu, như: chính sách đất đai, lao động; chuyển đổi số trong phát triển kinh tế và quản trị xã hội NTM … Một số kết quả nghiên cứu, chuyển giao cũng chưa tạo được tác động như mong muốn, còn hạn chế về quy mô và hiệu quả kinh tế - xã hội…
Phát biểu tại toạ đàm, Bà Vi Thanh Hoài- Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở - Bộ Văn Hoá thì cho rằng, giai đoạn vừa qua vấn đề mang tính chất liên ngành chưa được áp dụng chặt chẽ vì vậy trong giai đoạn tới cần khắc phục để phát huy tối đa hiệu quả của các dự án."Đặc biệt, cần xác định xây dựng nông thôn mới phải gắn với văn hóa địa phương. Qua đó vấn đề bảo vệ môi trường, cảnh quan nông thôn cần phải có những đề tài nghiên cứu sâu, nâng cao ý thức người dân hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, phát huy hệ thống cơ sở vật chất văn hóa của địa phương. " bà Hoài nhấn mạnh.
Bà Vi Thanh Hoài – Phó Cục trưởng, Cục Văn Hóa cơ sở - Bộ Văn hóa
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Chương trình Khoa học công nghệ và chương trình NTM cần có sự gắn kết chặt chẽ hơn trong giai đoạn sau. Sản phẩm KH- CN phải xuất phải từ nông nghiệp, người dân có sự tham gia của các nhà khoa học phải gắn với thực tiễn người dân cần gì? Cần có sự kế thừa cũng như sự vào cuộc của người dân. Đặc biệt tính xã hội hóa, bền vững của các sản phẩm do các doanh nghiệp cần quan tâm hơn. Trong thời gian tới, để thực hiện tốt chương trình Bộ Nông nghiệp Nông thôn cần lựa chọn được những giải pháp để mang lại được mục tiêu của chương trình trên tất cả các lĩnh vực từ thể chế, đến lý luận. Tôi đề nghị văn phòng Điều phối NTM TW nên có những hội thảo, chuyên gia nhóm, chúng ta khảo sát được những kế thừa phục vụ cho chương trình từ cấp xã trở lên.
3 mục tiêu về KHCN phục vụ xây dựng NTM được đề ra
Tại toạ đàm một số bài học kinh nghiệm cũng đã được trao đổi, thảo luận rất sôi nổi: cần có cơ chế liên kết liên ngành với nhiều lĩnh vực để giải quyết các vấn đề vì NTM là đa lĩnh vực; cần lồng ghép hoạt động, tiếp nhận kết quả nghiên cứu các chương trình khác; cần gắn kết chặt chẽ kết quả nghiên cứu lý luận với ứng dụng thực tiễn trên các địa bàn cụ thể; gắn việc triển khai các đề tài, dự án với với cộng đồng nông thôn. Đặc biệt, cần ưu tiên xây dựng, nhân rộng các mô hình, lấy nhu cầu thực tiễn làm thước đo hiệu quả của đề tài, dự án.
Từ các ý kiến trao đổi, thảo luận tại toạ đàm, Ông Ngô Trường Sơn, Chánh VP Điều phối NTM Trung ương cho biết, chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM sẽ tập trung vào 3 mục tiêu đó là: Tiếp tục hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời đề xuất được các giải pháp khoa học, công nghệ phục vụ phát triển nền nông nghiệp có trách nhiệm theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; giải pháp tổng hợp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường và cảnh quan nông thôn… Xây dựng và nhân rộng được các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn phù hợp với điều kiện đặc thù, phát huy được thế mạnh của từng địa phương, vùng, miền trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, thúc đẩy liên kết sản xuất và phát triển thị trường theo chuỗi giá trị nhóm sản phẩm chủ lực.
"Để thực hiện được các mục tiêu trên, Chương trình cũng sẽ tập trung vào các nội dung, Nghiên cứu hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách; giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn bền vững; Xây dựng các mô hình nông thôn mới trên cơ sở ứng dụng các giải pháp KHCNđể phát triển kinh tế, xã hội; Thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức xã hội và quảng bá thành tựu khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM", Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương cho biết thêm.
Minh Ngọc(Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI