ĐẮK LẮK

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động

11:34:44 | 28/12/2022

Đó là chia sẻ của ông Phạm Văn Tịch, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và biến động của nền kinh tế. Thời gian qua, Ban quản lý luôn theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để kịp thời phối hợp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Ông có thể cho biết thông tin quy hoạch các KCN trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk?

Hiện tại tỉnh Đắk Lắk có KCN Hòa Phú đang hoạt động với diện tích theo quy hoạch là 181,73 ha. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 1110/TTg-CN ngày 28/7/2017, về Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển các KCN tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 thì KCN Hòa Phú được mở rộng với diện tích tăng thêm là 150 ha (tổng diện tích KCN sau khi mở rộng là 331,73 ha), bổ sung KCN Phú Xuân tại xã Ea Drơng, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 325,6 ha vào Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2020.

Về Phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp tích hợp vào quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.  Giai đoạn 2021-2030 tỉnh tập trung đầu tư hạ tầng KCN Hòa Phú, đồng thời hoàn tất các thủ tục đầu tư đối với KCN Phú Xuân.

Giai đoạn sau 2030 tỉnh bổ sung thêm 03 Khu công nghiệp, gồm KCN huyện Ea H’Leo (xã Ea H’Leo, huyện Ea H’Leo) diện tích khoảng gần 500 ha; KCN Ea Kar (xã Ea Ô, huyện Ea Kar) diện tích khoảng 200ha và KCN huyện M’Đrắk, diện tích khoảng 500ha.

Đến nay, công tác đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?

Về công tác đầu tư hạ tầng, KCN Hòa Phú được đầu tư hạ tầng theo 02 Quyết định phê duyệt dự án đầu tư: Quyết định 370/QĐ-UBND ngày 19/02/2008 của UBND tỉnh, về việc phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN Hòa Phú, tỉnh Đắk Lắk (tổng mức đầu tư: 278.044 triệu đồng); Quyết định 2930/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 của UBND tỉnh, về phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống giao thông trong hàng rào KCN Hòa Phú (tổng mức đầu tư: 80.000 triệu đồng). Phần mở rộng KCN Hòa Phú thêm 150 ha theo chủ trương của Chính phủ đang thực hiện kêu gọi và thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Bên cạnh đó, để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, nhu cầu đi lại của các doanh nghiệp cũng như công tác quản lý và đảm bảo an ninh trật tự, môi trường, thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Hòa Phú. Ban Quản lý đã đề xuất chủ trương đầu tư dự án Đường giao thông trục chính vào Khu công nghiệp Hòa Phú tại Báo cáo số 144/BC-KCN và trình thẩm định tại Tờ trình số 145/TTr-KCN ngày 15/3/2021, sau đó đã phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định. Ngày 24/9/2021, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2647/QĐ-UBND, về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án: Đường giao thông trục chính vào Khu công nghiệp Hòa Phú. Trong đó, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư dự án. Sau khi thực hiện các thủ tục theo quy định để lựa chọn nhà thầu thi công, Chủ đầu tư dự án đã bàn giao mặt bằng cho Nhà thầu thi công vào ngày 27/7/2022. Hiện nay dự án đang triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.

Khu công nghiệp Phú Xuân, đến thời điểm hiện nay, hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư đự án đầu tư phát triển kết hạ tầng KCN Phú Xuân đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về kết quả thu hút đầu tư. Trong quá trình thực hiện đầu tư dự án tại KCN Hòa Phú, các doanh nghiệp luôn được Ban Quản lý tạo điều kiện về cung cấp đầy đủ các thông tin, chính sách, thủ tục đầu tư để doanh nghiệp nắm bắt, triển khai dự án nhanh chóng và thuận lợi nhất. Tính đến thời điểm hiện nay, trong KCN Hòa Phú có 53 dự án còn hiệu lực, trong đó có 52 dự án của nhà đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 4.485 tỷ đồng; 01 dự án của nhà đầu tư nước ngoài (100% vốn FDI Hàn Quốc) với vốn đăng ký đầu tư khoảng 22,6 triệu USD; với ngành, nghề chủ yếu là sản xuất thép, chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, sản xuất phân bón, sản xuất bán thành phẩm của giày… góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 2.400 lao động (năm 2023 dự kiến khoảng 7.000 lao động) với thu nhập bình quân từ 5,5 đến 6,6 triệu đồng mỗi tháng.

Thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được đánh giá là chưa thật tốt. Xin ông đánh giá về những nguyên nhân?

Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế là chưa thu hút được nhiều các dự án FDI, nguyên nhân chủ yếu là do: Đắk Lắk vẫn là tỉnh miền núi, không có cảng biển, chưa có hệ thống giao thông đường sắt, vận chuyển hàng hóa chủ yếu là đường bộ. Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội KCN Hòa Phú chưa được quan tâm đúng mức, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào đặt vấn đề đầu tư nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được nên nhà đầu tư bỏ đi nơi khác.

Mặc dù là địa phương có dân số đông, nguồn lao động dồi dào, đa dạng nhưng nguồn nhân lực qua đào tạo, lao động có tay nghề, lao động kỹ thuật cao còn thiếu hụt, chưa đáp ứng được các dự án đòi hỏi nguồn lao động có chất lượng cao, đặc biệt là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Ban quản lý các KCN tỉnh có giải pháp gì để thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, thưa ông?

Nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, Ban Quản lý sẽ tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Theo đó, tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, chú trọng cải cách hành chính, rút ngắn thời hạn giải quyết thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, xác định doanh nghiệp là đối tượng phục vụ; Thường xuyên tuyên truyền, quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, các lợi thế của tỉnh. Ưu tiên thu hút các dự án lớn, có tiềm lực kinh tế, các dự án có công nghệ tiên tiến, có giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường, theo hướng xác định rõ ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm, nhà đầu tư chiến lược và các dự án có tính động lực lan tỏa cao; Theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để kịp thời phối hợp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Kịp thời phát hiện sai sót để xử lý và tháo gỡ các dự án chậm đầu tư làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư; khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các chương trình đổi mới công nghệ; thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường và tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất sản phẩm và công nghiệp hỗ trợ;

Song song đó, nâng cao trình độ, đạo đức đội ngũ công chức, viên chức. Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, tính chuyên nghiệp cao, tận tâm phục vụ nhà đầu tư; luôn tạo điều kiện để được tham gia các lớp đào tao, bồi dưỡng nâng cao năng lực về xúc tiến đầu tư

Hiện nay, các doanh nghiệp đã và đang gặp nhiều khó khăn do tác động dịch bệnh, biến động kinh tế - chính trị trên thế giới. Ban Quản lý có những tham mưu gì về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Ban Quản lý đã tích cực triển khai tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động như: Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, Chương trình số 1987/CTr-UBND ngày 15/3/2022 của UBND tỉnh về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 – 2023 trên địa bàn tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID – 19; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; các chương trình cho vay ưu đãi đối với các đối tượng ưu tiên theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ; triển khai thông tin hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ của Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng chú trọng cải cách TTHC (100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý đều được giải quyết trước và đúng thời hạn), tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ hành chính công thuộc lĩnh vực quản lý để giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong việc thực hiện TTHC. Triển khai phần mềm quản lý doanh nghiệp đến các doanh nghiệp để phục công tác trao đổi thông tin, báo cáo theo quy định trên hệ thống điện tử nhằm giảm thiểu thời gian thông tin báo cáo giữa Ban Quản lý với các doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum