Trong 30 năm qua, khuyến nông Hà Nội đã góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới. Qua đó, góp phần xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi thời vụ, cơ cấu cây trồng - vật nuôi, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội phát triển, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng nông, lâm, thủy sản và giá trị GDP của ngành.
Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình nông nghiệp kinh tế tuần hoàn, trong đó có mô hình lúa - cá và lúa - cá - vịt. Mô hình này không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ và giữ gìn môi trường sống, xây dựng cảnh quan khu vực nông thôn.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết:Năm 2022, Trung tâm tiếp tục triển khai mô hình lúa - cá và lúa - cá - vịt với quy mô 15ha, thực hiện tại 5 huyện: Mỹ Đức, Thường Tín, Mê Linh, Thanh Oai, Quốc Oai. Qua thực tế thấy mô hình tạo hiệu quả kép, do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, chất thải của cá là nguồn phân bón hữu cơ cho lúa, tận dụng triệt để được nguồn thức ăn tự nhiên trên ruộng lúa cho cá, tiêu diệt các sâu bọ hại lúa, góp phần giảm thiểu việc sử dụng các hóa chất trong chăm sóc lúa, đem lại nhiều lợi ích và năng suất lúa cao hơn. Việc nuôi trồng thủy sản trên đất một lúa cho hiệu quả kinh tế cao; cá sinh trưởng, phát triển tốt, khi thu hoạch cá đạt trung bình hơn 0,9kg/con, năng suất 10 tấn/ha, lợi nhuận 80 - 90 triệu đồng/ha, cao hơn 4,6 lần so với cấy lúa truyền thống...
Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho nông dân về sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc kháng sinh trong quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường.“Cùng với đó, hỗ trợ về giống, vốn cho nông dân thực hiện mô hình này đạt kết quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn. Các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, giúp người dân thay đổi nhận thức, không bỏ ruộng hoang, tận dụng các chân ruộng trũng, thấp sang thực hiện hiệu quả mô hình này”, bà Vũ Thị Hương thông tin.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Trung tâm Khuyến nông là “cầu nối” đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống đến với nông dân. Để đáp ứng với yêu cầu mới,Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cần phải xây dựng mô hình khuyến nông đa giá trị, là mô hình gắn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật với tổ chức lại sản xuất theo hình thức hợp tác xã, nâng cao giá trị sản phẩm, tiếp cận thị trường theo chuỗi liên kết tổ chức lại sản xuất, liên kết doanh nghiệp. Cùng với đó, cần phát huy vai trò khuyến nông là “cầu nối” tiếp nhận và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao; tổ chức tập huấn, tham quan, giúp nông dân tiếp cận và vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn...
Ngọc Đan (Vietnam Business Forum)