NINH BÌNH

Ngành Tài chính: Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành ngân sách nhà nước

08:41:11 | 17/7/2023

Cùng với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ngành Tài chính Ninh Bình đã tích cực tham mưu, đảm bảo giữ vững cân đối ngân sách, ổn định an sinh xã hội. Thông qua đó, không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách mà còn góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Văn Kiên, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Ninh Bình.

Một vài chia sẻ của ông về kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2023 của Ninh Bình?

Năm 2023 là năm thứ hai tỉnh Ninh Bình tự cân đối ngân sách và có điều tiết về ngân sách Trung ương, với tỷ lệ là 11%.

Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2023 là 10.260 tỷ đồng, đạt 45,8% dự toán HĐND tỉnh giao. Cơ cấu thu NSNN chuyển biến tích cực, tỷ trọng của thu nội địa chiếm 79% tổng thu NSNN; trong thu nội địa, nguồn thu từ thuế, phí, lệ phí chiếm 84% và đóng vai trò chủ đạo. Trong cơ cấu thu NSNN theo các thành phần kinh tế, thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đóng góp ngày càng cao, chiếm tỷ trọng 72% tổng thu nội địa, qua đó cho thấy những đóng góp quan trọng của kinh tế tư nhân trong sự tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Tổng chi ngân sách địa phương (NSĐP) ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2023 là 9.718 tỷ đồng, bằng 55% dự toán, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chi đầu tư phát triển ước thực hiện là 6.591 tỷ đồng, bằng 80% dự toán, chi thường xuyên ước thực hiện là 3.125 tỷ đồng, bằng 35% dự toán. Chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 đã đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng và chi trả kịp thời các khoản chi lương, các chế độ chính sách an sinh xã hội theo quy định.

Ông đánh giá thế nào về những khó khăn, thuận lợi trong việc thực hiện dự toán thu NSNN năm 2023?

Về khó khăn: Năm 2023 dự báo kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng vẫn đối mặt với nhiều thách thức, xuất khẩu bị đình trệ. Cùng với đó là thị trường bất động sản trầm lắng, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến thu NSNN trên địa bàn tỉnh.

Về thuận lợi: Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, nhiều chính sách kịp thời, linh hoạt để hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó ở tỉnh có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực, lãnh đạo quyết tâm phấn đấu của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, quân và nhân dân trong tỉnh.

Trong bối cảnh đó, ngành Tài chính tỉnh đã chủ động theo dõi sát sao tiến độ thu ngân sách, trong đó tập trung phân tích, đánh giá cụ thể kết quả thu, chỉ rõ những nguồn thu, địa bàn thu thấp, xác định rõ nguyên nhân để tham mưu cho UBND tỉnh đề ra các giải pháp thực hiện. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan trong công tác tổ chức thu NSNN để nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, phát hiện, nuôi dưỡng những nguồn thu ổn định, lâu dài.

Để thực hiện nhiệm vụ quản lý điều hành NSNN trên địa bàn, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính cũng như tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, những giải pháp Sở Tài chính sẽ tập trung trong năm 2023 là gì, thưa ông?

Trong bối cảnh kinh tế, chính trị trên thế giới đang có những biến động khó lường, sản xuất, kinh doanh trong nước còn nhiều khó khăn, việc triển khai dự toán NSNN năm 2023 sẽ chịu nhiều tác động. Để đảm bảo cân đối ngân sách cũng như phấn đấu hoàn thành các mục tiêu năm 2023, Sở Tài chính sẽ tập trung một số giải pháp như sau:

Một là, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác quản lý thu NSNN, gắn liền khai thác với nuôi dưỡng nguồn thu; chống thất thu NSNN và thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất dự toán thu NSNN đã được HĐND tỉnh giao.

Hai là, tiếp tục rà soát, đánh giá, sắp xếp và cơ cấu lại các nhiệm vụ, nhu cầu chi ngân sách địa phương. Tổ chức điều hành chi ngân sách địa phương chặt chẽ, hiệu quả. Ưu tiên cấp phát kinh phí để chi tiền lương, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh; Chỉ thực hiện giải ngân vốn cho các công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản, chi thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án,… theo tiến độ thu NSNN.

Ba là, tiếp tục triển khai thực hiện việc xây dựng, phê duyệt phương án tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9//2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Bốn là, tăng cường công tác quản lý giá, thị trường, quản lý tài sản công; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát tình hình tài chính, việc quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

Năm là, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các kết luận thông qua các cuộc giám sát, thanh tra, kiểm toán của Trung ương và địa phương.

Sáu là, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng NSNN, tham mưu xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh tiêu cực, thất thoát, lãng phí. Tăng cường công khai, minh bạch về tài chính, ngân sách.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngô San (Vietnam Business Forum)