Sau 30 năm tái lập tỉnh, với sức hút của vùng đất mở cùng các giải pháp, bước đi cụ thể kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá mạnh mẽ, đưa Kim Sơn trở thành một cực tăng trưởng kinh tế năng động của Ninh Bình.
Huyện Kim Sơn là nơi hội tụ các tài nguyên thiên nhiên đa dạng, với vùng đồng bằng đất đai màu mỡ cùng với bờ biển khai thác các nguồn lợi hải sản phong phú
Nhiều tiềm năng, lợi thế
Nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Ninh Bình, là địa phương duy nhất của tỉnh có biển, Kim Sơn có 23 xã và 2 thị trấn. Đây là nơi hội tụ các tài nguyên thiên nhiên đa dạng, với vùng đồng bằng đất đai màu mỡ, có bờ biển khai thác các nguồn lợi hải sản phong phú, phát triển toàn diện về nông - lâm nghiệp và hải sản theo hướng sản xuất hàng hóa.
Bên cạnh đó, nói đến Kim Sơn, không thể không nói đến thế mạnh về phát triển du lịch với nhiều địa danh nổi tiếng như: Đền thờ Nguyễn Công Trứ, nhà thờ Phát Diệm. Kim Sơn còn được xem là cái nôi phát tích của nhiều làng nghề truyền thống như nghề chiếu cói, nghề nấu rượu.
Kim Sơn có thế mạnh phát triển du lịch với nhiều địa danh nổi tiếng
Đặc biệt, rừng ngập mặn Kim Sơn là nơi cư trú của hàng trăm loài chim, trong đó có loài di cư, hơn 50 loài chim nước mặn và nhiều loài quý hiếm ghi trong Sách đỏ. Sinh cảnh, thiên nhiên đa dạng, phong phú nên khu rừng ngập mặn Kim Sơn - Cồn Nổi được UNESCO công nhận là vùng dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là những lợi thế rất lớn để Kim Sơn mở rộng phát triển du lịch, dịch vụ,...
Phát huy những tiềm năng, thế mạnh này, thời gian qua, huyện tập trung phát triển kinh tế toàn diện, bền vững trên tất cả các lĩnh vực và đạt nhiều kết quả tích cực.
Trong nông nghiệp, địa phương đã tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu mùa vụ cho từng nhóm cây trồng chủ lực, tăng cường liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nuôi trồng thủy sản lấy trọng tâm là nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ vùng bãi bồi ven biển theo phương thức thâm canh và bán thâm canh với nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao như: Sử dụng nhà lưới để nuôi 3 vụ/năm; sử dụng chế phẩm vi sinh để cải tạo môi trường nuôi; sử dụng hệ thống sục khí để tăng mật độ con nuôi,…
Năm 2022, vùng nuôi ngao Kim Sơn được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu Control Union cấp giấy chứng nhận ASC, trở thành vùng nuôi ngao thứ hai ở Việt Nam và thế giới có được chứng nhận cấp quốc tế.
Huyện xác định việc thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp có ý nghĩa quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trên địa bàn huyện có Cụm công nghiệp Đồng Hướng đang hoạt động hiệu quả, thu hút đầu tư các dự án công nghiệp. Huyện cũng xây dựng quy hoạch Cụm Công nghiệp Xuân Chính (quy mô 75ha), Cụm công nghiệp Chất Bình (quy mô 75ha), Khu Công nghiệp Kim Sơn (quy mô 200ha),… để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.
Kim Sơn định hướng phát triển toàn diện về nông - lâm nghiệp và hải sản theo hướng sản xuất hàng hóa
Cửa ngõ kết nối kinh tế biển
Ông Trần Xuân Trường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết: Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 26/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về phát triển bền vững vùng kinh tế ven biển Kim Sơn, giai đoạn 2022 - 2025 đã đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế ven biển Kim Sơn theo hướng khu kinh tế tổng hợp ven biển phía Nam của tỉnh, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh dựa trên nền tảng khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có của vùng, với trọng tâm là nuôi trồng, chế biến thủy hải sản công nghệ cao; phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ, thương mại ven biển gắn với bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của khu dự trữ sinh quyển thế giới; từng bước phát triển công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường gắn với xây dựng và hình thành các khu đô thị ở mức độ hợp lý. Chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, sạt lở bờ biển và xâm nhập mặn. Giữ vững quốc phòng an ninh, ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn.
Thuận lợi đến nay, huyện Kim Sơn đã hoàn thiện Quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung xây dựng khu vực từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đến năm 2040.
Vùng nuôi ngao Kim Sơn đã được cấp chứng nhận ASC - tiêu chuẩn quốc tế về nuôi thủy sản bền vững
Thời gian tới, với trọng tâm là phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn gắn với đẩy nhanh phát triển công nghiệp và dịch vụ - du lịch, huyện sẽ tập trung quản lý và khai thác có hiệu quả vùng kinh tế ven biển, phát triển công nghiệp kết hợp nông nghiệp sạch theo hướng công nghệ cao là nền tảng. Phấn đấu đến năm 2030, diện tích nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ đạt 3.358ha; sản lượng thủy sản đạt 48.400 tấn, trong đó, sản lượng ngao, hàu giống đạt 120 tỷ con; giá trị nuôi trồng thủy sản đạt 500 triệu đồng/ha; diện tích rừng ngập mặn phấn đấu đạt hơn 1.400ha.
Đồng hành cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư, huyện chỉ đạo quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa các thủ tục, các quy trình để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là đầu tư vào vùng kinh tế ven biển như: nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, du lịch sinh thái.
Nguồn: Vietnam Business Forum
03/10/2024
Khách sạn Công đoàn, 14 Trần Bình Trọng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI