Nhằm cụ thể hóa mục tiêu tập trung xây dựng NTM theo hướng “Nông nghiệp an toàn, nông dân thông thái, nông thôn yên bình”, thời gian qua, huyện Mê Linh (TP.Hà Nội) đã tích cực học hỏi, khảo sát các mô hình nông nghiệp hữu cơ ở các tỉnh bạn, từ đó, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, thân thiện môi trường và liên kết chuỗi trên địa bàn.
Hợp tác xã (HTX) Khánh Phong, xã Tiến Thịnh huyện Mê Linh đã đưa vào canh tác đa dạng các loại cây ăn quả như ổi, táo, bưởi, đu đủ… Trong số này, ổi Đài Loan là giống cây chủ lực, chiếm hơn 5ha. HTX tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ, chú trọng khoa học kỹ thuật, nói không với phân bón hóa học và các loại thuốc trừ sâu; chỉ sử dụng phân chuồng ủ hoai mục và các loại thuốc trừ sâu sinh học. Quy trình này giúp sản phẩm của HTX có năng suất và chất lượng vượt trội.Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, HTX Khánh Phong đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR Code, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Không chỉ là địa chỉ tin cậy của thương lái từ Vĩnh Phúc, Yên Bái, Hải Phòng, sản phẩm của HTX Khánh Phong còn được phân phối tại nhiều cửa hàng hoa quả sạch tại Hà Nội.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Khánh Phong Nguyễn Thế Lâm: hai sản phẩm gồm ổi Đài Loan và đu đủ của đơn vị đã được UBND TP Hà Nội công nhận đạt 4 sao trong Chương trình OCOP. Điều này giúp việc tiêu thụ trái cây của hợp tác xã không chỉ thuận lợi hơn mà giá trị cũng được nâng cao đáng kể.
Bằng niềm đam mê với nông nghiệp hữu cơ, ông Nguyễn Tiến Dũng, thôn Thường Lệ, xã Đại Thịnh đã nhận thuê khoán hàng ngàn mét vuông đất canh tác của người dân tại xã Đại Thịnh, trước đó canh tác lúa không hiệu quả, để xây dựng mô hình nông trại đa canh. Sau khi được UBND huyện Mê Linh phê duyệt phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Dũng tập trung phát triển nông trại tổng hợp với diện tích gần 129.000m2. Trong số này, ông dành khoảng 4.000m2 để phát triển mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao. Hoa lan (chủ yếu là giống hồ điệp) được gieo trồng trong nhà màng, nhà lưới. Nhiệt độ vườn ươm được điều chỉnh phù hợp với sinh trưởng, phát triển của cây hoa ở từng giai đoạn. Hệ thống tưới tự động cũng được lắp đặt giúp tiết giảm tối đa lượng nhân công cần thiết. Mỗi năm vườn ươm cung cấp cho thị trường khoảng 120.000 cây lan các loại.
Mô hình hoa lan hồ điệp của gia đình ông Dũng đạt doanh thu khoảng 7 tỷ đồng. Hướng tới mục xây dựng trang trại thành khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái, phục vụ việc thăm quan, trải nghiệm của nhân dân thủ đô, ông Nguyễn Tiến Dũng đã thành lập Công ty TNHH Thương mại và du lịch Tiến Tuấn. Năm 2021, sản phẩm hoa lan hồ điệp của công ty đã được chấm điểm, phân hạng 4 sao trong chương trình OCOP.
Theo ông Phạm Thành Đô – Trưởng Phòng Kinh tế huyện Mê Linh: thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm UBND huyện Mê Linh đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức tập huấn cho khoảng 1.000 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn có sản phẩm tiềm năng để các chủ thể nắm bắt được kiến thức về quản lý sản xuất và chương trình OCOP; ... Hỗ trợ in bao bì nhãn mác, đăng ký nhãn hiệu Cục Sở hữu trí tuệ cho 43 sản phẩm OCOP của 9 chủ thể. Hỗ trợ xây dựng 06 điểm bán hàng OCOP (hỗ trợ biển, bảng, giá kệ trưng bày sản phẩm).Đến nay, toàn huyện có 75 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đạt từ 03 sao trở lên. Các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện đều tích cực và năng động tham gia các hoạt động trưng bày, quảng bá, xúc tiến thương mại tổ chức tại Thành phố Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước. Người dân từng bước nâng cao trình độ nhận thức, trình độ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, liên kết sản xuất - tiêu thụ; tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nắm bắt thông tin thị trường từ đó quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm đảm bảo chất lượng tốt nhất theo quy chuẩn để tăng lợi thế cạnh tranh đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Định hướng phát triển của huyện không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu về số lượng, mà còn gia tăng về giá trị, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của Việt Nam, cũng như từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến mục tiêu xuất khẩu. Để thực hiện được mục tiêu phát triển các sản phẩm OCOP, huyện Mê Linh tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, từ đó huy động sự vào cuộc của các chủ thể và đông đảo tầng lớp Nhân dân. Cùng với phát triển sản phẩm OCOP, Mê Linh cũng sẽ chú trọng xây dựng điểm giới thiêu, bán hàng; tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đưa nông sản, hàng hóa của các chủ thể vào hệ thống phân phối.
Chủ tịch huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: Xây dựng NTM theo hướng “Nông nghiệp an toàn, nông dân thông thái, nông thôn yên bình” đã giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, tạo ra những sản phẩm sạch, góp phần tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống. Đặc biệt, người dân luôn ý thức cùng nhau xây dựng những miền quê NTM yên bình, trù phú, đậm bản sắc làng quê Việt. Đây chính là mục tiêu cốt lõi mà Mê Linh đang hướng đến trên hành trình xây dựng huyện NTM nâng cao.
Ngọc Đan (Vietnam Business Forum)