HẢI PHÒNG

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam: Cái nôi đào tạo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển

15:48:24 | 26/10/2023

Được thành lập từ ngày 01/4/1956, tiền thân là Trường Sơ cấp Lái tàu, đến nay sau 67 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã từng bước khẳng định là cơ sở giáo dục – đào tạo hàng đầu, đóng góp to lớn và toàn diện cho sự phát triển kinh tế biển của TP.Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung. Xung quanh những nỗ lực này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.


Trường Đại học Hàng hải Việt Nam - cơ sở giáo dục, đào tạo hàng đầu về kinh tế biển của đất nước

Một vài chia sẻ của ông về những điểm nhấn trên chặng đường phát triển của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đến nay?

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là cơ sở đào tạo hàng đầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế biển của đất nước nói chung và TP.Hải Phòng nói riêng.

Đặc biệt, ngày 23/11/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW, trong đó đặt ra nhiệm vụ: “Xây dựng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là trường trọng điểm quốc gia, nghiên cứu, đào tạo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển”.

Hiện nay, Trường đang đào tạo 47 chương trình đại học chính quy, 17 chương trình cao học, 8 chương trình nghiên cứu sinh liên quan trực tiếp đến kinh tế biển với tổng số 17.000 sinh viên và học viên.

Nhà trường hiện có gần 1.000 cán bộ, giảng viên, trong đó có 50 giáo sư và phó giáo sư, 210 tiến sĩ – tiến sĩ khoa học, 500 thạc sĩ cùng hàng trăm thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất và sĩ quan hàng hải đạt trình độ quốc tế. Các phòng học, các phòng thực hành, thí nghiệm đã được đầu tư bài bản, hiện đại; nhiều phòng thí nghiệm ngang tầm khu vực và quốc tế.

Hoạt động khoa học công nghệ của Nhà trường cũng ngày càng định hình rõ nét theo hướng tập trung chất lượng, hướng đến các nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao, sản xuất thử nghiệm, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học. Trường xếp hạng thứ 21 về chỉ số năng lực nghiên cứu khoa học, thứ 5 về chỉ số nội lực nghiên cứu trong tổng số trên 300 cơ sở giáo dục đại học cả nước. Số lượng công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín có sự tăng trưởng mạnh mẽ (từ chỉ có 44 công bố trong giai đoạn năm 2009 - 2013 lên gần 300 công bố trong giai đoạn năm 2019 - 2022).


Trang thiết bị đào tạo và huấn luyện không ngừng được nâng cấp và hiện đại hóa

Là nơi đào tạo nguồn nhân lực chủ yếu cho sự phát triển kinh tế biển của TP.Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung, ông có thể cho biết những đóng góp của Nhà trường với sự phát triển chung của thành phố? Điều này được cụ thể hóa thế nào sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Hải Phòng?

Thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về “Phát triển thành phố Hải Phòng đến 2030, tầm nhìn đến 2045”, Trường đã chủ động tạo ra môi trường giảng dạy, học tập khoa học, hiện đại, tiên tiến, thiết thực và hiệu quả. Chuẩn đầu ra của sinh viên tốt nghiệp theo chuẩn quốc tế đúng cam kết và đáp ứng yêu cầu xã hội. Nhà trường đã luôn chủ động ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, tổ chức đào tạo, trong chỉ đạo điều hành mọi hoạt động .

Công tác kiểm định chất lượng được đặc biệt coi trọng, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là một trong số ít các trường đại học đã hoàn thành Kiểm định chất lượng Cơ sở giáo dục chu kỳ 2 và đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định ngày 19/9/2023. Trường hiện có 8 chương trình đào tạo đã hoàn thành việc kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia. Đặc biệt, Nhà trường đã tiếp tục khẳng định vị thế khi được cấp Giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN) cho 4 chương trình đào tạo:  Điều khiển tàu biển, Máy tàu biển, Kinh tế Hàng hải, Kinh doanh quốc tế và logistics. Trường được Hội đồng AUN đánh giá rất cao các tiêu chí: Giảng viên, hệ thống cơ sở vật chất và chất lượng đầu ra của sinh viên; 3 tiêu chí này được đánh giá là điểm sáng, hình mẫu quốc gia.

Trường tiếp nhận sinh viên từ rất nhiều quốc gia đến học tập hệ đại học, cao học và nghiên cứu sinh như: Đức, Hàn Quốc, Nam Phi, Mozambique, Nigeria, Lào, Campuchia, Myanmar,… tạo tiền đề cho việc xuất khẩu giáo dục trong tương lai.

Với những kết quả đã đạt được, Nhà trường tin tưởng sẽ là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, góp phần vào việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của đất nước; cũng như góp phần xây dựng TP.Hải Phòng trở thành trọng điểm phát triển khoa học - công nghệ biển của cả nước.


Hoạt động nghiên cứu khoa học tại các phòng thực hành, thí nghiệm

Trường đã ký kết phối hợp hoạt động với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.Hải Phòng. Ông có thể cho biết về các nội dung chính, mục tiêu của chương trình cũng như các định hướng chiến lược trong thời gian tới của Trường?

Ngày 26/4/2022, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã ký kết “Chương trình phối hợp hoạt động giữa Sở KH&CN và Trường Đại học Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2022 – 2025” với mục tiêu:

Tập hợp và phát huy tối đa tiềm lực trí tuệ của đội ngũ trí thức KH&CN thuộc Trường Đại học Hàng hải Việt Nam tham gia hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác của mỗi bên theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của thành phố giai đoạn 2021 - 2025.

Một số nội dung chính trong khuôn khổ Chương trình sẽ được hai bên phối hợp thực hiện như sau: Phối hợp về các hoạt động chuyên gia, tư vấn, phản biện; phối hợp về hoạt động thúc đẩy phát triển tiềm lực KH&CN và hợp tác trong nước và quốc tế về KH&CN; phối hợp về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phối hợp tổ chức hoạt động trong chương trình khởi nghiệp sáng tạo; phối hợp trong công tác chuyển đổi số của thành phố;…

Thời gian tới, Trường sẽ tập trung mọi nguồn lực để thực hiện thành công mục tiêu Đảng và Nhà nước đã giao phó: Xây dựng Trường là trường trọng điểm quốc gia, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế biển của Tổ quốc, cũng như Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum