Quảng Nam đang tiếp tục tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng liên kết các mô hình hợp tác, thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư và thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Để tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh.
Ông có thể cho biết một số mục tiêu, nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp tỉnh trong năm 2024?
Năm 2024, ngành Nông nghiệp Quảng Nam đề ra các mục tiêu như: Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản (giá so sánh 2010) đạt 16.210 tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm 2023; tổng sản lượng lương thực có hạt 505.000 tấn (lúa 445.000 tấn, thịt hơi xuất chuồng 63.500 tấn, trứng gia cầm đạt 220 triệu quả); trồng rừng mới tập trung 22.000ha; gỗ khai thác trên 1.700.000m2; thủy sản 127.000 tấn (khai thác đạt 10.000 tấn, nuôi trồng 27.000 tấn); che phủ rừng đạt 58,92%...
Ngành tiếp tục tập trung giữ vững tốc độ phát triển, chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Những năm gần đây, tỉnh đã ban hành, triển khai nhiều kế hoạch, đề án phát triển nông nghiệp. Kết quả nổi bật cũng như hạn chế khi thực thi các kế hoạch, đề án này là gì, thưa ông?
Trong 3 năm qua, ngành Nông nghiệp đã tham mưu các cấp thẩm quyền ban hành trên 10 cơ chế chính sách, hỗ trợ phát triển, qua đó góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất và tiếp tục duy trì tăng trưởng, hiệu quả trên các lĩnh vực.
Cụ thể, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 03 năm (2021 - 2023) luôn ở mức cao, đạt hơn 3,12%/năm (giá cố định năm 2010). Cơ cấu giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản chuyển biến tích cực; tỷ trọng ngành lâm nghiệp và thủy sản ngày càng tăng. Liên kết sản xuất ổn định và phát triển, diện tích sản xuất giống cây trồng trên địa bàn 4.361ha, thông qua hợp đồng liên kết đã giúp tiêu thụ nông sản và tăng thu nhập cho người dân.
Qua 6 năm (2018 - 2023) triển khai, chương trình OCOP đã có 407 sản phẩm, gồm 61 sản phẩm 4 sao, 346 sản phẩm 3 sao và có 325 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Sản phẩm OCOP Quảng Nam ngày càng nâng cao chất lượng, đa dạng chủng loại, mẫu mã bao bì cải thiện và được người tiêu dùng tin cậy.
Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Nam
Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại hạn chế cần phải quan tâm trong thời gian tới: Nguồn lực đầu tư gặp khó khăn, cơ chế lồng ghép các hoạt động, nội dung, chương trình, dự án,... còn hạn chế; tổ chức sản xuất còn bất cập, các cơ chế chính sách liên quan đến tập trung, tích tụ đất đai chưa đáp ứng thực tiễn; doanh nghiệp chưa tạo sức đột phá. Ngoài ra, ngành nghề nông thôn phát triển chậm, quy mô nhỏ, chưa có thương hiệu, sản phẩm nổi bật; chất lượng đào tạo nghề lao động nông thôn, việc làm ổn định, lao động có tay nghề cao chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra,…
Theo ông, những điểm nhấn về bức tranh nông nghiệp tỉnh hiện nay là gì?
Ngành Nông nghiệp vài năm trở lại đây thể hiện rõ vai trò “trụ đỡ” cho nền kinh tế, luôn giữ vững mức tăng trên 3% và chiếm 14,5% GRDP của tỉnh. Giá trị sản phẩm trồng cây hàng năm trên 01ha năm 2023 đạt 103,23 triệu đồng (tăng hơn 2 triệu đồng so năm 2022); giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản trên 01ha đạt khoảng 414,08 triệu đồng (tăng hơn 9 triệu đồng so năm 2022).
Liên kết sản xuất để gia tăng giá trị nông nghiệp
Phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ các hộ sản xuất - kinh doanh cá thể, hợp tác - tổ hợp tác đưa nhóm mặt hàng nông sản chủ lực, đặc sản của tỉnh tham gia trang thông tin sản phẩm tỉnh QuảngNam (https://sanpham.quangnam.gov.vn), đã đưa 213 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử (postmart.vn; voso.vn); đưa 34 sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của Quảng Nam lên phiên chợ khuyến nông. Có 131 xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn (chiếm 67,9%), đảm bảo các tiêu chí về ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực, đặc hữu, OCOP của xã.
Lĩnh vực thủy sản có nhiều đột phá. Diện tích nuôi tôm công nghệ cao 38,5ha. Đặc biệt, tỷ lệ sản lượng khai thác thủy sản xa bờ tăng nhanh chiếm 55,02% (năm 2021) lên 60,72% (năm 2023) và hiện đạt trên 60% sản lượng khai thác xa bờ.
Diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn quản trị rừng quốc tế (FSC) đến nay 21.577ha, đạt 71,93% mục tiêu đề ra, dự kiến đến 2030 Quảng Nam sẽ có 30.000ha rừng trồng sản xuất được cấp FSC (20% diện tích rừng sản xuất).
Thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã vào chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản có kết quả và hiệu quả cao với 126 hợp tác xã, 77 doanh nghiệp và 20.498 hộ dân tham gia liên kết, tập trung ở lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp và chăn nuôi; đã hình thành các chuỗi giá trị liên kết, ngành hàng.
Nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn đã có những kết quả nhất định, có 19 điểm du lịch cộng đồng được đưa vào đón khách, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Ông đánh giá sao về tình hình thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và việc liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm những năm qua?
Giai đoạn 2022 - 2023, UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư danh mục 28 dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, tập trung ở các lĩnh vực: Chăn nuôi và cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, chế biến nông lâm thủy sản, sản xuất rau nấm, sản xuất giống công nghệ cao, kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn.
Điểm nhấn về xây dựng nông thôn mới Quảng Nam Sau hơn 12 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đến nay, bình quân chung số tiêu chí NTM đạt chuẩn toàn tỉnh (193 xã) theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022 - 2025 là 16,42 tiêu chí/xã (tăng 2,63 tiêu chí so với năm 2022). Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 125/193 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 64,7%; có 15 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, trong đó có 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (Đại Hiệp); 04 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (đạt 22,2%); có 222/948 thôn đạt chuẩn khu dân cư/thôn NTM kiểu mẫu/thôn NTM (đạt 23,41%),... Điểm nổi bật là người dân cơ bản đã nhận thức đúng, chủ động tự giác thực hiện, từ chỗ “thụ hưởng, bị động” chuyển dần sang “chủ thể, chủ động”; tư duy về kinh tế thị trường ngày càng rõ nét hơn, ứng xử văn hóa nông thôn gắn kết cộng đồng ngày càng tốt hơn. Diện mạo nông thôn được thay đổi một cách căn bản, kết cấu hạ tầng, nhất là ở các xã đã đạt chuẩn cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân, phát triển theo quy hoạch. Đã có một số hạ tầng được nâng cấp và hoạt động theo hướng hiện đại, văn minh, có xu thế gắn kết với phát triển đô thị văn minh; kinh tế nông thôn có bước phát triển lớn; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; sản xuất đã chuyển dần sang hướng sản xuất hàng hóa, xác định được các sản phẩm hàng hóa chủ lực để phát triển văn hóa, xã hội; môi trường khu vực nông thôn đã có sự thay đổi rõ nét, tích cực theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp hơn. |
Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ đầu tư 03 dự án với hỗ trợ từ ngân sách 12.483 triệu đồng và đang xử lý 01 hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Đến nay, các dự án được hỗ trợ đầu tư đã đi vào hoạt động, trong đó nguồn vốn hỗ trợ ngân sách đã tăng thêm nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng và trang thiết bị công nghệ giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, giảm chi phí đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển chế biến sâu hàng hóa nông sản.
Hiện toàn tỉnh có 132 dự án liên kết được phê duyệt. Các dự án liên kết đã thu hút 126 HTX và 77 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi, có 20.498 hộ dân tham gia.
Qua đó, đem lại những hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao nhận thức của người dân từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường; nâng cao thu nhập cho các bên tham gia liên kết; tiến bộ khoa học - kỹ thuật được ứng dụng đồng bộ trên diện tích lớn, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ; khuyến khích, thu hút được doanh nghiệp tham gia xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, phát triển chế biến sâu hàng hóa nông sản.
Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)