QUẢNG NAM

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tạo đà bứt phá kinh tế - xã hội

10:55:59 | 1/7/2024

Tỉnh Quảng Nam đang đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược như giao thông liên vùng Đông - Tây, cảng hàng không, cảng biển, hạ tầng logistics,... Thông qua đó, tạo động lực phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.


Đường Võ Chí Công

Là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, Quảng Nam nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung với đầy đủ các phương thức vận tải như đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển và đường hàng không. Hệ thống giao thông đường bộ được phân bố tương đối hợp lý với các trục dọc Bắc - Nam và các trục ngang Đông - Tây, kết hợp với hệ thống đường tỉnh, đường huyện, đường xã tạo nên mạng lưới giao thông thuận lợi.

Cụ thể, Quảng Nam có tổng chiều dài đường bộ 10.772,589km, gồm cao tốc, quốc lộ (QL), đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện và mạng lưới đường giao thông nông thôn (GTNT). Trong đó, có 91,3km đường cao tốc; 10 tuyến QL (03 tuyến QL theo trục dọc gồm QL1 dài 86,5km, đường Hồ Chí Minh dài 172,14km và đường Trường Sơn Đông; 07 tuyến QL theo trục ngang dài 876,329km; đường tỉnh (23 tuyến và tuyến tránh thị trấn Tiên Kỳ, đoạn tuyến nút giao Tam Hiệp) dài 508,6km; hệ thống đường đô thị có tổng chiều dài là 567,46km; đường huyện tổng chiều dài là 1.983,4km; đường GTNT (bao gồm đường xã và đường GTNT khác) có tổng chiều dài là 6.745,4km.

Đồng thời, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh có chiều dài 85km; có 4 tuyến đường thủy nội địa do Trung ương quản lý dài 165,2km và 13 tuyến đường thủy nội địa do địa phương quản lý dài 154,4km. Cảng hàng không Chu Lai có nhà ga hành khách với công suất phục vụ 1,7 triệu hành khách/năm, phục vụ khai thác các tuyến bay thương mại đi TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội với tần suất 8 - 15 chuyến/ngày. Cảng biển Quảng Nam hiện đang được khai thác với quy mô phục vụ cho tàu 20.000 tấn với 02 khu bến Kỳ Hà và Tam Hiệp,…

Với đầy đủ 5 loại hình, hệ thống giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam đã cơ bản đáp ứng các nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân và doanh nghiệp. Hệ thống đường trục quốc gia theo hướng Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh đã được đầu tư khá đồng bộ, đảm bảo để các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn trong vận chuyển hàng hóa. Hạ tầng giao thông khu vực phía Đông của tỉnh, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp đã tương đối hoàn chỉnh, kết nối đồng bộ các loại hình đường bộ, đường biển, hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa với đầu mối phía Bắc là cảng Đà Nẵng, phía Nam là khu vực cảng biển Quảng Nam. Đây là yếu tố rất thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Tuy nhiên, bên cạnh các thuận lợi, hệ thống giao thông vẫn còn một số tồn tại ảnh hưởng đến việc đi lại và giao thương hàng hóa như: QL1 qua địa bàn tỉnh vẫn còn một số đoạn chỉ có 02 làn xe; một số đoạn có 04 làn xe nhưng không có làn dành riêng cho xe máy; nhiều nút giao cắt nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. QL14G, QL14D được đầu tư xây dựng từ năm 2004 đến nay chưa được nâng cấp, cải tạo nên có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, mặt đường hẹp (từ 3,5 đến 5,5m), kết cấu mặt đường láng nhựa thường xuyên hư hỏng, không đáp ứng nhu cầu vận tải; QL14H còn nhiều công trình cầu yếu; QL40B đoạn qua địa bàn huyện Nam Trà My có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, mặt đường xuống cấp. Sân bay Chu Lai chưa được nâng cấp hạ tầng (đang khai thác với hạ tầng cũ để lại), do vậy chưa khai thác được các tiềm năng, lợi thế. Luồng tàu vào cảng biển Quảng Nam tương đối dài, bán kính quay tàu nhỏ và nông nên khó khăn trong việc nâng năng lực phục vụ. Hệ thống đường thủy nội địa khai thác theo luồng tự nhiên nên chưa hiệu quả, tuyến Hội An - Cù Lao Chàm thường xuyên bị bồi lấp qua các mùa lũ.

Nhằm tháo gỡ điểm nghẽn này, thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp: Rà soát, lập các quy hoạch liên quan đến hạ tầng giao thông, đến nay các quy hoạch liên quan đều đã được lập và phê duyệt; xác định danh mục các công trình quan trọng cần đầu tư để xúc tiến, bố trí các nguồn vốn đầu tư; nghiên cứu chủ trương đầu tư các dự án, thúc đẩy nhanh các thủ tục chuẩn bị đầu tư, chỉ đạo thực hiện tốt công tác lựa chọn nhà thầu để sớm triển khai thi công các công trình, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ 5 loại hình giao thông theo hướng hiện đại, phù hợp với định hướng quy hoạch quốc gia; bảo đảm kết nối nội vùng và liên vùng theo các trục hành lang kinh tế ven biển, hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối đồng bộ với cả nước và liên thông quốc tế.

Theo đó, tỉnh Quảng Nam quy hoạch thêm các tuyến cao tốc và hoàn thiện mạng lưới đường hiện có, đảm bảo liên thông với các loại hình vận tải khác, kết nối với các tỉnh lân cận và cả nước; kết nối thông suốt khu vực nguyên liệu phía Tây (bao gồm cả nước bạn Lào và Bắc Tây Nguyên) với khu vực chế biến và các đầu mối giao thông ở phía Đông.

Về các đầu mối giao thông hàng không và cảng biển phát triển mạnh gắn với Khu kinh tế mở Chu Lai. Cảng hàng không Chu Lai được quy hoạch thành sân bay quốc tế, đến năm 2030 đạt công suất 10 triệu hành khách/năm, đến năm 2050 đạt 30 triệu hành khách/năm. Cảng biển Quảng Nam được quy hoạch cảng loại I, có khả năng phục vụ cho tàu 50.000 tấn và là trung tâm logistics của tỉnh và khu vực.

Hệ thống đường sắt ngoài tuyến đường sắt Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh hiện có, sẽ được quy hoạch thêm các tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh và xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kết nối; các tuyến đường sắt đô thị Hội An - Đà Nẵng, Chu Lai - Đà Nẵng kết nối liên thông với hệ thống đường sắt đô thị thành phố Đà Nẵng. Về đường thủy nội địa, khai thác có hiệu quả hệ thống các tuyến sông thuộc lưu vực sông Vu Gia và Thu Bồn, khơi thông các tuyến sông ven biển (Trường Giang, Cổ Cò) để phát triển tuyến vận tải thủy theo hướng Bắc - Nam kết hợp phục vụ thoát lũ và cải tạo cảnh quan, phát triển du lịch. Phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa để kết nối vận tải thủy nội địa với các lĩnh vực đường bộ, hàng hải, hàng không.

Sau khi các quy hoạch được phê duyệt, Sở Giao thông Vận tải đã chủ động nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xác định các điểm giao, các vị trí khống chế để cụ thể hóa quy hoạch phát triển thành các quy hoạch xây dựng nhà ga, bến cảng, các điểm đấu nối hệ thống đường địa phương với đường quốc gia, đặc biệt là cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Đà Nẵng - Kon Tum.

Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang triển khai các dự án như: Mở rộng, nâng cấp QL14E; hoàn thiện đường Võ Chí Công (đường bộ ven biển Việt Nam); nạo vét sông Cổ Cò; dự án liên kết vùng miền Trung. Đồng thời, nghiên cứu đầu tư các dự án: Cảng hàng không Chu Lai, cảng biển Quảng Nam là động lực để phát triển logistics của tỉnh; mở rộng, nâng cấp QL14D để phát triển vận tải quốc tế qua cửa khẩu Nam Giang; mở rộng, nâng cấp các QL,… và rất nhiều dự án khác để khơi thông dòng chảy hàng hóa và đi lại của người dân cũng như tạo động lực cho Quảng Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn: Vietnam Business Forum