Những năm qua, Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam đã nỗ lực thực hiện các giải pháp bảo tồn và phát triển cây dược liệu gắn với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; đảm bảo phát triển nhanh về số lượng, chất lượng cây sâm Ngọc Linh để phục vụ sản xuất cho người dân và các tổ chức, doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - ông Lương Nguyễn Minh Triết và đoàn công tác làm việc với Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam
Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam thành lập năm 2013, hiện được UBND tỉnh giao 50,25ha diện tích rừng phòng hộ (trong đó 1,51ha là đất không có rừng) để thực hiện chức năng bảo tồn, phát triển, nghiên cứu khoa học, cung ứng giống và sản xuất các mặt hàng đặc hữu từ sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu quý khác. Hơn 10 năm qua, Trung tâm đã khắc phục khó khăn hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu.
Hiện Trung tâm quản lý, chăm sóc vườn sâm Ngọc Linh giống gốc với trên 260.000 cây từ 02 năm tuổi trở lên để phục vụ công tác bảo tồn và phát triển nguồn cây giống đạt tiêu chuẩn cung ứng cho nhân dân và doanh nghiệp. Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã sản xuất được trên 500.000 cây giống sâm Ngọc Linh 01 năm tuổi đạt tiêu chuẩn, trong đó, riêng năm 2024 dự kiến sản xuất đạt khoảng 120.000 cây. Điều này cho thấy quy mô sản xuất cây giống tăng dần qua mỗi năm.
Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam cung cấp giống sâm cho người dân Nam Trà My
Hằng năm, Trung tâm cung ứng cây giống ra thị trường theo đúng chủ trương của UBND tỉnh như: Cung ứng cho các địa phương để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo Nghị quyết của HĐND tỉnh (Nghị quyết số 41/2017/NQ-HĐND; Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND); cung ứng cho doanh nghiệp thông qua hình thức đấu giá; hỗ trợ các địa phương để di thực, trồng thử nghiệm; nghiên cứu khoa học. Số còn lại Trung tâm lưu vườn và trồng phát triển vườn bảo tồn sâm Ngọc Linh giống gốc.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tâm đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc vườn sâm giống gốc cũng như sản xuất cây giống. Trung tâm đã làm chủ được quy trình sản xuất cây giống sâm Ngọc Linh. Từ đó, hiệu quả sản xuất được nâng cao thể hiện qua các chỉ tiêu cụ thể như: Tỷ lệ cây giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn/số hạt gieo ươm tăng qua từng năm: Năm 2016 đạt 27%, đến năm 2023 đạt 63%.
Để góp phần thực hiện “Đề án triển khai thực hiện Quyết định 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” theo Quyết định số 2270/QĐ-UBND ngày 20/10/2023 của UBND tỉnh, Trung tâm tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, trong đó đặc biệt chú trọng 03 nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách sau:
Một là, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn sâm Ngọc Linh và dược liệu: Tham mưu hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp thẩm quyền công nhận vườn bảo tồn nguyên vị (in situ) nhằm bảo tồn các hệ sinh thái và các sinh cảnh tự nhiên để duy trì và khôi phục quần thể sâm Ngọc Linh trong môi trường tự nhiên; xây dựng vườn bảo tồn cây dược liệu 1.000m2 để trồng bảo tồn giống cây dược liệu bản địa quý như: Đảng sâm, Bình vôi, Đương quy, Ngũ vị tử, Giảo cổ lam,…
Trung tâm đã làm chủ được quy trình sản xuất cây giống sâm Ngọc Linh
Hai là, tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất: Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có đủ năng lực, thẩm quyền để triển khai thực hiện các đề tài, dự án liên quan đến sâm Ngọc Linh, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Qua đó, phát triển vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh đạt hiệu quả và chất lượng cao.
Ba là, phát triển sản xuất: Ưu tiên nguồn lực để bảo tồn và phát triển vườn sâm giống gốc hiện có; từng bước mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu cây giống để thực hiện các chương trình, đề án của Trung ương nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng. Phấn đấu, mở rộng quy mô sản xuất lên 500.000 cây giống sâm Ngọc Linh 01 năm tuổi đạt tiêu chuẩn vào năm 2030; định hướng đến năm 2045 góp phần cùng toàn tỉnh đưa loại cây dược liệu quý hiếm này trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân địa phương thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu; nghiên cứu khoa học; sản xuất và cung ứng nguồn cây giống sâm Ngọc Linh đạt tiêu chuẩn, thời gian tới, Trung tâm còn đẩy mạnh xúc tiến thương mại, từng bước mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế nhằm góp phần bảo vệ nguồn gen quý và phát triển sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia.
Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI