Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế được Ninh Bình xác định là nhiệm vụ trọng tâm, lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo.
Đại diện doanh nghiệp tuyên truyền, giới thiệu về vị trí việc làm cho người dân Ninh Bình tại phiên giao dịch việc làm lưu động được tổ chức ngày 17/4/2024
Hiện nay Ninh Bình có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang hoạt động, bao gồm 19 cơ sở công lập và 8 cơ sở tư thục. Quy mô tuyển sinh theo thiết kế 21.672 học sinh, sinh viên/năm. Trên địa bàn tỉnh có 03 trường Trung ương được đánh giá đạt chất lượng đào tạo tốt trong cả nước (trong đó có 02 trường được ưu tiên đầu tư phát triển trường chất lượng cao). Có 7 trường được lựa chọn đầu tư nghề trọng điểm các cấp độ (quốc gia, quốc tế, Asean). Đây là thuận lợi cho công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu lao động trong tỉnh, ngoài tỉnh và đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Giai đoạn 2020 - 2023, địa phương đào tạo 69.945 người (trình độ cao đẳng, trung cấp: 19.550 người; trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng: 50.395 người), chủ yếu các ngành, nghề: Công nghệ ô tô, Kỹ thuật chế biến món ăn, Vận hành máy thi công nền, Kế toán doanh nghiệp, Điện dân dụng,… Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 65% năm 2020 tăng lên 69,5% năm 2023. Cơ cấu ngành nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thị trường lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng vai trò quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững.
Nhằm đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động, đến nay các trường đã liên kết với khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, bình quân mỗi năm các trường cao đẳng, trung cấp đã ký kết đưa trên 1.500 học sinh, sinh viên đến thực tập và làm việc với các ngành nghề theo đúng nhu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, tạo điều kiện để học viên đến thực tập và làm việc tại doanh nghiệp.
Ông Lâm Xuân Phương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình cho biết: Ninh Bình định hình rõ quan điểm phát triển kinh tế theo hướng nhanh và bền vững, tập trung vào 03 trụ cột động lực: Công nghiệp phụ trợ công nghệ cao, công nghệ sạch; nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, tiên tiến; phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bám sát yêu cầu này, thời gian tới, ngành sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển GDNN, tập trung đầu tư thu hút mọi nguồn lực xã hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho một số ngành kinh tế mũi nhọn, các nhóm ngành nghề đang phát triển như: Công nghiệp phụ trợ, sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp điện tử, nhóm ngành nghề khách sạn, du lịch;… Đẩy mạnh hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề gắn với tiếp nhận, sử dụng lao động hiệu quả.
Rà soát, sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDNN tinh gọn, bảo đảm chất lượng; thúc đẩy phát triển các cơ sở GDNN có năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả. Ưu tiên phân bổ các chương trình dự án đầu tư cho các cơ sở GDNN, nhất là trường đã được quy hoạch và các ngành nghề trọng điểm đã được phê duyệt. Tạo điều kiện cho các cơ sở GDNN trong quá trình liên kết đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý, tạo môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư trong và nước ngoài liên kết đào tạo, mở cơ sở GDNN có chất lượng cao tại Ninh Bình.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng dự báo và thông tin thị trường lao động; tăng cường giám sát và điều tiết quan hệ cung - cầu lao động; mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, nhất là tại các thị trường an toàn, có thu nhập cao. Thực hiện các giải pháp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ; nắm bắt và giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động, nhằm giảm thiểu các vụ đình công, lãn công trong các doanh nghiệp.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, người lao động được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ quỹ giải quyết việc làm để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 tạo việc làm cho 19.400 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%.
Bình Minh (Vietnam Business Forum)
03/10/2024
Khách sạn Công đoàn, 14 Trần Bình Trọng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI