07:33:20 | 25/11/2021
Năm 2002, Công ty chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hải Dương mở điểm thu mua nông sản tại huyện Quỳnh Phụ. Tuy còn trẻ nhưng Tăng Văn Hải khi đó đã được Ban lãnh đạo tin tưởng giao phụ trách điểm thu mua. Đó là cơ hội khẳng định bản thân, cũng là duyên nợ gắn kết anh với nông dân Quỳnh Phụ và Thái Bình nhiều năm qua. Mùa nào thức đó, bám sát thị trường, anh cùng các cộng sự luôn đồng hành với các hợp tác xã, nông hộ từ định hướng thị trường, cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật, thu mua đưa về Nhà máy tại tỉnh Hải Dương chế biến, xuất khẩu sang Đài Loan, Hàn Quốc...
Do thực hiện tốt cam kết về sản lượng, giá cả nên điểm thu mua nông sản đã tạo được uy tín với nhiều nông hộ. Từ Quỳnh Phụ, các điểm thu mua tại huyện Thái Thụy, Hưng Hà... được thành lập với mối quan hệ hợp tác với hàng chục hợp tác xã và hàng chục nghìn nông hộ. Thu nhập của nông dân, thành viên hợp tác xã ngày càng cải thiện nên nhiều nông hộ chuyển hẳn từ trồng lúa sang mô hình này, giúp sản lượng rau, củ, quả tăng qua các năm và nâng cao hiệu quả tiềm năng đất đai.
Để đáp ứng tiêu thụ khối lượng lớn, chất lượng nông sản bảo quản và kịp tiến độ thời vụ, năm 2013, doanh nghiệp đã triển khai dự án nhà máy chế biến nông sản tại xã Quỳnh Giao với tổng vốn đầu tư 20 tỷ đồng (giai đoạn I đi vào hoạt động năm 2017). Nằm trên diện tích 12.000m2, nhà máy có hệ thống sản xuất khép kín gồm 3 dây chuyền đóng gói tự động và đồ hộp, hệ thống cấp đông nhanh IQF, kho bảo quản -18 độ C. Nhà máy có thể thu mua nông sản cả 3 vụ sản xuất xuân - hè - đông với sản lượng 400 tấn nông sản/tháng, tạo việc làm cho gần 100 lao động. Để chủ động hơn trong hoạt động, Công ty cổ phần Chế biến nông sản - Thương mại dịch vụ Thanh Nhàn được thành lập và đến năm 2018 chuyển đổi thành Công ty cổ phần Chế biến nông sản NW Gia Bảo. Cũng nhờ vậy, doanh nghiệp đã xây dựng được quy trình sản xuất khép kín; từ liên kết trồng, thu mua, chế biến, tiêu thụ, đồng thời tìm kiếm thêm được một số đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc...
Ngoài trồng lúa đảm bảo “an ninh lương thực”, nhiều nông hộ Thái Bình đã dành khoảng thời gian, quỹ đất trồng các loại cây rau màu để tạo nguồn thu nhập nhưng bài toán thị trường luôn khó khăn. Hai thập niên kinh doanh nông sản, doanh nhân Tăng Văn Hải hiện là Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến nông sản NW Gia Bảo thấu hiểu sự khó khăn này nên đã luôn đồng hành cùng nông dân khai thác hiệu quả tiềm năng đất. |
Từ đầu năm 2020 đến nay, do tác động của dịch Covid-19, nhu cầu của đối tác giảm mạnh nên lượng nông sản thu mua giảm 30 - 35%. Nhưng Công ty xác định “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ” nên vẫn tiếp tục bảo đảm diện tích sản xuất, cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhằm tạo sự yên tâm gắn bó của nông dân và ổn định vùng nguyên liệu.
Giám đốc Tăng Văn Hải cho biết thêm: Nhiều năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Thái Bình luôn sát sao đến mặt trận “tam nông”, quan tâm đến doanh nghiệp nông nghiệp. Đó là lý do chúng tôi bám trụ nhiều năm, mở rộng hoạt động trên địa bàn. Song các doanh nghiệp chế biến nông sản rất cần có vùng nguyên liệu ổn định nên cũng cần tỉnh có thêm nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ hiệu quả để khuyến khích duy trì, phát triển cây rau, màu; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân hiểu rõ giá trị việc liên kết bền vững trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Nguồn: Vietnam Business Forum