ĐIỆN BIÊN

Mở rộng thị trường tiêu thụ và thu hút đầu tư vào công nghiệp

11:06:07 | 14/12/2012

Công thương là ngành có vai trò quan trọng, mở đường cho sự phát triển của tỉnh Điện Biên. Vì vậy, trong những năm qua ngành công thương tỉnh đã luôn nỗ lực trong việc tham mưu cho Bộ Công Thương, UBND tỉnh nhằm đề ra các giải pháp thiết thực trong mở rộng thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện, giúp Điện Biên khơi dậy những tiềm năng phát triển và rút ngắn được khoảng cách của địa phương với cả nước.

Nhiều tín hiệu đáng mừng

Năm 2011, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng sản xuất công nghiệp Điện Biên vẫn tăng 18,06%, đạt 671 tỷ đồng. Trong đó, các ngành công nghiệp chủ chốt duy trì mức tăng trưởng cao như khai thác mỏ (56,83%), công nghiệp chế biến (16,57%)…Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 34,27% so với năm trước. Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp Điện Biên đã tích cực tham gia chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 16,5 triệu USD. Kết quả này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực, tăng khu vực công nghiệp, dịch vụ và giảm nông nghiệp.

Bước sang những tháng đầu năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 516.096 triệu đồng, đạt 66,9% so với kế hoạch và tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2011. Bên cạnh đó, ước tính tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 3.940 tỷ đồng, tăng 26,8% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Kinh tế nhà nước ước đạt 878 tỷ đồng, kinh tế ngoài quốc doanh ước đạt 3.062 tỷ đồng. UBND tỉnh, Bộ Công Thương đã triển khai quyết liệt, tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để phát triển sản xuất, kinh doanh như: Dự án Nhà máy chế biến gỗ Điện Biên do Công ty TNHH Hoàng Lâm Điện Biên làm chủ đầu tư với tổng số vốn lên tới 290 tỷ đồng. Dự án nhà máy chế biến gỗ ghép thanh kết hợp sản xuất ván dăm do Công ty cổ phần Rừng Việt Tây Bắc làm chủ đầu tư với tổng số là 52 tỷ đồng. Tỉnh đã hoàn thành 5 công trình chợ và đưa vào sử dụng là: Chợ Đồi Cao, Lay Nưa, Nậm Cản, Chi Luông (thị xã Mường Lay) và Chợ Noong Bua (thành phố Điện Biên Phủ). Đang tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng 3 công trình chợ: Chợ Trung tâm huyện lỵ Tủa Chùa.

Hiện, toàn tỉnh có 102/112 số xã, phường, thị trấn có điện (đạt tỷ lệ 91,07% có điện); Đến hết tháng 8/2012, sản lượng điện phát của các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh đạt: 64.982.000 kWh. Ứớc tính 9 tháng đạt: 74.000.000 kWh.

Tổng kim ngạch xuất nhập hàng hóa 09 tháng năm 2012 ước đạt 15,6 triệu USD, đạt 65% so với kế hoạch năm, tăng 47% so với thực hiện cùng kỳ năm 2011. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Vật liệu xây dựng, đồ nhựa các loại, thuốc lá các loại... Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Gỗ các loại, hàng nông sản. Tỉnh cũng đã tổ chức Hội nghị triển khai Quỹ Xúc tiến thương mại tỉnh Điện Biên. Trình và được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại chào mừng “Năm đoàn kết, hữu nghị Việt Nam – Lào 2012”; tổ chức thành công 11 cuộc hội chợ; tiếp nhận, tổng hợp, theo dõi 1.098 chương trình khuyến mại do các DN trong cả nước thông báo thực hiện trên địa bàn tỉnh, trong đó 17 chương trình khuyến mại may rủi. Duy trì hoạt động Website socongthuongdienbien.gov.vn (09 tháng đã có 1.640.000 lượt truy cập khai thác thông tin).

Tìm kiếm thị trường, đối tác đầu tư mới

Năm 2012, giá cả hàng hóa tăng, lãi suất tín dụng tăng cao; thị trường tài chính, thị trường tiền tệ biến động phức tạp; Doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân trên địa bàn. Tuy hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh 09 tháng đầu năm 2012 có tăng so với cùng kỳ nhưng chưa ổn định; Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đường giao thông của cả hai bên biên giới đang trong giai đoạn đầu tư (đường 2 E Tây Trang - Tạ Khoa); đường ra cửa khẩu Huổi Puốc - Na Son, tuyến đường quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, do vậy hoạt động biên mậu trao đổi buôn bán hàng hoá qua biên giới có phần bị ảnh hưởng.

Nhận định được những khó khăn sẽ còn tiếp diễn trong năm tới, Điện Biên tiếp tục tập trung triển khai thực hiện những giải pháp trọng tâm theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Điện Biên.

Do sức mua trong tỉnh còn hạn chế, nên việc tìm lời giải cho bài toán mở rộng thị trường và không gian phát triển kinh tế trở thành bức thiết. Tỉnh cần thực hiện tốt công tác dự báo cung cầu hàng hóa thiết yếu trên thị trường; tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân bằng các hoạt đông xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường...Tập trung triển khai thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm trong ngành, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư; đôn đốc các dự án như nhà máy thủy điện, chế biến cà phê, chế biến gỗ, sản xuất gạch ..đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành, tạo sản phẩm cung cấp cho thị trường. Đồng thời tổ chức quảng bá giới thiệu sản phẩm địa phương trên mạng, quảng bá giới thiệu sản phẩm thí điểm thực hiện TMĐT tại web của ngành và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; kiểm tra kiểm soát thị trường; phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Bên cạnh đó, Điện Biên cần tích cực tăng cường phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong ngành về phát triển công nghiệp và thương mại, XNK đến các tổ chức và cá nhân có hoạt động công thương trên địa bàn; thực hiện chương trình, kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính gọn nhẹ và giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính theo thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế phát triển.

Gần đây, Điện Biên còn kiến nghị Chính phủ quy định đưa các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn các tỉnh miền núi vào đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi; đề nghị Bộ Công Thương, tập đoàn điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Bắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án mở rộng và cải tạo lưới điện nông thôn vùng sâu, vùng xa tỉnh Điện Biên bằng nguồn vốn vay Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), đầu tư xây dựng mới trên địa bàn 48 xã thuộc 8 huyện đã được phê duyệt (ưu tiên đầu tư sớm cho huyện Mường Nhé); sớm có kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống đường dây tải điện theo quy hoạch và phù hợp với tiến độ thực hiện dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Điện Biên, tạo cơ sở tiếp nhận nguồn điện của các dự án thủy điện, nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án, góp phần khuyến khích phát triển thủy điện của tỉnh.

Trọng Linh