Qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, ngành công nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế tỉnh nhà theo hướng CNH - HĐH. Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum, Giám đốc Sở Công Thương Bà Rịa – Vũng Tàu – bà Trần Thị Hường cho biết: “Hiện tại tỉnh đang đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp trình độ cao, tạo nền tảng vững chắc cho sự bứt phá mạnh mẽ của công nghiệp tỉnh nhà trong tương lai”. Lê Thơm thực hiện.
Bà có thể nói rõ hơn về sự chuyển dịch và đổi thay ấn tượng của ngành công nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu?
Đổi thay đầu tiên là cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh chuyển dịch theo đúng định hướng giảm tỷ trọng ngành khai thác, tăng dần tỷ trọng ngành sản xuất chế biến. Đến năm 2012, tỷ trọng công nghiệp chế biến đã chiếm hơn 51% trong cơ cấu ngành, tăng hơn 80 lần so với năm 1991. Quy mô các ngành sản xuất cũng tăng đáng kể, từ chỉ có khai thác dầu khí vào năm 1991, đến năm 2012 đã phát triển nhiều ngành sản xuất quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu công nghiệp của tỉnh như: khí, điện, đạm, thép, nhựa, hóa chất, phân bón, xi măng … Giá trị sản xuất công nghiệp kể cả dầu thô và khí đốt từ 1991-2012 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 12,78% (trừ dầu khí 27,41%). Năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 65,6 ngàn tỷ đồng (trừ dầu khí 50,3 ngàn tỷ đồng), tăng hơn 11 lần (trừ dầu khí gấp 127 lần) so với năm 1991. Thu hút đầu tư tăng cả về số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư. Đến nay, ngành công nghiệp đã chiếm tỷ trọng hơn 65% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Các khu công nghiệp được hình thành, mở rộng và hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, tạo nên cú hích đầu tư mạnh mẽ trên toàn địa bàn tỉnh. Kể từ khi KCN Đông Xuyên đầu tiên được thành lập vào năm 1996, đến nay toàn tỉnh đã có 14 KCN với tổng diện tích 8,4 ngàn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 33,1%, thu hút 247 dự án đầu tư với số vốn đăng ký hơn 11,88 tỷ USD. Hoạt động từ các KCN đã có tác động tích cực đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong tổng giá trị sản xuất trên toàn địa bàn tỉnh. Trong hơn 20 năm qua, các khu công nghiệp của tỉnh đã hình thành và đang trên đà phát triển. Một số cơ chế chính sách hợp lý của tỉnh đã tạo sức hấp dẫn các nhà đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong các KCN.
Song song đó, các cụm công nghiệp cũng được đầu tư phát triển để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhất là địa bàn nông thôn. Việc phát triển các cụm công nghiệp đã phát huy lợi ích của những vùng đất nông nghiệp cằn cỗi, giải quyết lao động nông thôn, giúp các doanh nghiệp địa phương mở rộng sản xuất, tăng tỷ trọng công nghiệp địa phương của tỉnh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 29 cụm công nghiệp được quy hoạch để phát triển với qui mô khoảng 1.523ha, trong đó có 25 cụm được UBND tỉnh giao cho các doanh nghiệp làm chủ đầu tư, với tổng số vốn đầu tư thực hiện khoảng 572 tỷ đồng.
Trong giai đoạn hiện nay, lĩnh vực nào được xem là ngành sản xuất chủ lực, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành công nghiệp của Bà Rịa-Vũng Tàu? Tỉnh đầu tư phát triển những ngành công nghiệp chủ lực này như thế nào để đạt đến hiệu quả cao nhất?
Có thể kể đến một số ngành sản xuất chủ lực như: sản xuất thép (luyện kim), cơ khí, hóa chất, điện, chế biến nông lâm thủy sản thực phẩm, sản xuất VLXD, công nghiệp hỗ trợ…hoạt động của các ngành chủ lực này đang có sự chuyển biến mạnh với công nghệ mới, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu sản xuất công nghiệp của tỉnh, góp phần chuyển dịch theo hướng CNH-HĐH. Đặc biệt, trong thời gian tới, ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ là ngành chủ lực mà tỉnh ưu tiên phát triển mạnh.
Để những ngành công nghiệp này phát triển đạt hiệu quả cao nhất, tỉnh thành lập mới một số KCN chuyên sâu, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ kỹ thuật cao; công nghiệp dầu khí, cảng biển; công nghiệp hỗ trợ để thu hút các dự án lớn của quốc gia và đầu tư nước ngoài. Phát triển CNHT, công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp và nông thôn. Thu hút đầu tư vào các khu, CCN theo hướng có lựa chọn về công nghệ hiện đại, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, nước, đất đai và thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Ngoài ra tỉnh cũng sẽ chú trọng thu hút các dự án sản xuất công nghiệp có tính lan tỏa thúc đẩy phát triển các ngành CNHT và các hoạt động dịch vụ để tạo sự chuyển dịch mạnh từ phát triển theo chiều rộng sang mô hình phát triển theo chiều sâu.
Để nâng cao hiệu quả phát triển công nghiệp, tăng sức hút đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, công tác đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh được tỉnh chú trọng ra sao?
Về phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở, bằng việc đầu tư hệ thống hạ tầng tương đối hoàn chỉnh tại các khu, CCN trên địa bàn, chúng tôi đã tạo ra một hệ thống kết cấu hạ tầng mới và tác động mạnh đến quá trình đô thị hóa của tỉnh, tăng sức hút đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp.
Ngoài ra tỉnh cũng tập trung hoàn thiện hạ tầng KCN, đồng thời có các dịch vụ hỗ trợ quá trình đầu tư cho doanh nghiệp. Hiện nay, tỉnh đang tiến hành xây dựng KCN chuyên sâu về cơ khí chế tạo tại KCN Phú Mỹ III dành cho các DN Nhật Bản. Đây sẽ là KCN hoàn chỉnh với các dịch vụ về mặt bằng sản xuất, dịch vụ tiện ích xã hội, các dịch vụ hỗ trợ… để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư Nhật Bản. Còn KCN B1- Tiến Hùng và B1- Đại Dương đang trong quá trình hoàn chỉnh hạ tầng và gặp gỡ các DN Nhật Bản để tham khảo mô hình nhà xưởng, đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư. Trong thời gian tới tỉnh sẽ cho mở rộng CCN Đá Bạc với quy mô khoảng 1.000 ha để xây dựng nhà xưởng, các dịch vụ hỗ trợ dành cho các nhà đầu tư vùng Kawasaki -Nhật Bản.
Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành hệ thống giao thông liên hoàn, gắn kết giữa các khu, CCN, các khu đô thị, các địa phương trong tỉnh. Hiện tỉnh đang tập trung huy động các nguồn lực để tiếp tục đầu tư và xây dựng các tuyến đường huyết mạch, trong đó có liên cảng Cái Mép-Thị Vải, đây là tuyến đường vận tải công nghiệp quan trọng, kết nối việc vận chuyển hàng hóa từ khu vực cảng, các KCN với Tp.HCM và khu vực Tây Nam Bộ; Quốc lộ 51B; đường vào KCN dầu khí Long Sơn; đường Hội Bài-Châu Pha-Đá Bạc-Phước Tân. Đồng thời, tỉnh đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư hệ thống giao thông cho những năm tiếp theo, bảo đảm mạng lưới giao thông trong tỉnh phát triển đồng bộ, bền vững, góp phần quan trọng vào việc phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Xin cảm ơn Bà!
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI